8 Bước Giúp Video Tăng Hạng [SEO YOUTUBE]

Chia sẻ bài viết

Bài viết dưới đây được viết bởi tác giả Sam Oh – Giám đốc sản xuất tại Ahrefs, một đơn vị dẫn đầu trên toàn cầu về SEO và Marketing. Bài viết đã được SEONGON dịch lại, xin trân trọng gửi tới các bạn.

Bạn có muốn biết cách chúng tôi đã tăng lượt view cho kênh Youtube của mình tới 400% không?

Chỉ trong 7 tháng rưỡi, chúng tôi đã được xếp hạng cao cho một vài từ khoá cạnh tranh nhất trong lĩnh vực của mình.

Dù thứ hạng của video có thể thay đổi dựa theo khu vực và thời điểm, nhưng đây là một số ví dụ:

#1 cho “local SEO”

#1 local SEO

#1 cho “SEO tips”

#1 SEO tips

#2 cho “SEO”

#2 seo

Mặc dù không phải là một hiện tượng gây sốt hay gì, nhưng chúng tôi đã tăng trưởng đều đặn từ ngày đầu ra mắt video.

Thống kê traffic Youtube Search của Ahrefs 7 tháng qua

Thống kê traffic Youtube Search của Ahrefs 7 tháng qua

Trên thực tế, kênh của chúng tôi đã vượt qua mốc 3 triệu phút xem cũng trong 7 tháng đó (tương đương với gần 6 năm!!)

Kênh của chúng tôi không phải lớn, chỉ ra 1 video mỗi tuần, và lĩnh vực này thì cũng không quá “thú vị”. So với những đối thủ hàng đầu, lượng subscriber của chúng tôi cũng chẳng đáng là bao.

Nhưng đó chính là thứ tôi thích về SEO Youtube.

Bất kể ai cũng có cơ hội mang lại sự giải trí, tương tác với người xem, và được xếp hạng.

Trong bài viết dưới đây, bạn sẽ được học từng bước giúp video được xếp hạng trên Youtube.

SEO Youtube là gì?

SEO Youtube là quá trình tối ưu hoá các video, playlist và kênh của bạn để tăng thứ hạng cho video trên kết quả tìm kiếm organic của Youtube, cho một truy vấn nhất định.

Thay vì cố đi sâu vào từng nguồn traffic trên Youtube Analytics, tôi sẽ tập trung vào xếp hạng cho video trên Youtube Search và thêm vài tips để tăng cả thứ hạng của video bạn trên Google Search.

Thuật toán công cụ tìm kiếm của Youtube hoạt động như thế nào

Youtube giải thích thuật toán tìm kiếm và khám phá video mới của mình trong 2 câu sau:

“Các video được xếp hạng dựa trên nhiều yếu tố như độ tương thích của tiêu đề, mô tả, và nội dung video với truy vấn của người xem. Hơn thế, chúng tôi còn xem xét xem video nào có độ tương tác cao nhất với một truy vấn nhất định, và bảo đảm người tìm kiếm có thể dễ dàng tìm thấy chúng.”

Đúng vậy, từ khoá quan trọng với cả nội dung trên trang và trong video. Đáp ứng mục đích tìm kiếm của người dùng là điều tối quan trọng.

Nhung một yếu tố quyết định nữa của SEO video hiệu quả đó là độ tương tác cao.

Họ muốn bạn giữ người xem lại trên Youtube càng lâu càng tốt (kể cả khi không phải để xem video của bạn).

Đó là vì nhiều view hơn tương đương với nhiều ads hơn, và nhiều tiền hơn chuyển vào ngân hàng cho Alphabet Inc. (công ty sở hữu YouTube).

Quan trọng hơn hết, họ muốn bạn kéo tương tác cho video của mình để thưởng lại bạn bằng cách khiến video dễ được tìm thấy hơn trên Youtube.

Hầu hết các chỉ số tương tác đều có trên Youtube Analytics như like/dislike, bình luận, CTR, audience retention, thời gian xem trung bình, click màn hình kết, click vào các thẻ, v.v.

Tóm lại là gì?

Nếu bạn không thể lôi cuốn người xem, khả năng video bạn được xếp hạng trên Youtube cho một từ khoá cạnh tranh là rất nhỏ.

Vòng vo vậy đủ rồi.

Hãy đi luôn vào 7 bước để tăng thứ hạng cho video của mình trên Youtube nhé.

Bước 1: Nghiên cứu từ khoá

Nếu bạn không target các từ khoá với một lượng truy cập nhất định, chắc chắn bạn sẽ không mang lại traffic cho mình.

Chúng tôi đã chính tay trải nghiệm điều này trong khoảng tháng 3 đến tháng 6. Chúng tôi đã đăng tải một series các video liên quan tới sản phẩm cho series “Marketing with Ahrefs” của mình, với mục đích cung cấp kiến thức cho người xem – chứ không phải để tăng traffic tìm kiếm.

Toàn bộ lượng traffic tìm kiếm cho video “ý tưởng từ khoá" của chúng tôi

Toàn bộ lượng traffic tìm kiếm cho video “ý tưởng từ khoá” của chúng tôi

Lưu ý: Gợi ý này của chúng tôi chỉ nhằm tạo ra các video trọng tâm vào từ khoá. Có các cách khác nhau để tiếp cận các chủ đề nóng hổi, tối ưu mục gợi ý của Youtube hay tạo ra nội dung cho các người xem hiện tại.

Nhưng khác với SEO truyền thống cho Google, Youtube không có một công cụ nghiên cứu từ khoá chính thống. Và rất nhiều các bên thứ 3 đơn giản chỉ đang cung cấp bừa số liệu từ Google Keyword Planner.

Công cụ này ghi chú rất rõ là số liệu được lấy từ tìm kiếm trên Google

Công cụ này ghi chú rất rõ là số liệu được lấy từ tìm kiếm trên Google

May mắn thay, vẫn có các công cụ và thủ thuật bạn có thể sử dụng để xác định khối lượng truy vấn cho các từ khoá trên Youtube.

Gợi ý của Youtube cũng giống với Google Suggest vậy. Bạn chỉ cần gõ một từ khoá mầm vào thanh tìm kiếm, và sẽ thấy một list các truy vấn liên quan có chứa các từ khoá đó.

Youtube cũng gợi ý các truy vấn cho bạn tương tự như Google

Youtube cũng gợi ý các truy vấn cho bạn tương tự như Google

Bạn cũng có thể sử dụng một dấu sao (*) trước hoặc sau từ khoá chính, và nó sẽ cho ra rất nhiều các tìm kiếm phổ biến có chứa từ khoá đó.

Gợi ý của Youtube khi bạn nhập * trước từ khoá

Gợi ý của Youtube khi bạn nhập * trước từ khoá

Do không có công cụ chính thống nào để xác định khối lượng truy vấn, chúng ta có thể nhập một số gợi ý của Youtube vào Google Trends.

Nhập các truy vấn được gợi ý vào Google Trends

Nhập các truy vấn được gợi ý vào Google Trends

Nhưng Google Trends chỉ sử dụng “độ phổ biến tương đối” (relative popularity) để so sánh các từ khoá. Do đó, đừng phụ thuộc vào các ước tính này một cách quá cứng nhắc.

Sử dụng Keywords Explorer của Ahrefs

Mới đây, chúng tôi đã cho ra phiên bản mới nhất của Keywords Explorer, bao gồm khối lượng truy vấn và các chỉ số đo lường cho công cụ tìm kiếm như Google, Youtube, Bing, Amazon, Baidu, v.v.

Đây là nơi chúng tôi lấy số liệu cho bài post về top truy vấn Youtube của mình.

Bạn chỉ cần gõ một từ khoá hoặc một list các từ khoá và xem khối lượng truy vấn theo quốc gia, lượng click, khối lượng truy vấn toàn cầu, và nhận 5 báo cáo về ý tưởng từ khoá.

Báo cáo tổng thể cho từ khoá “SEO" trên công cụ từ khoá Youtube của Ahrefs

Báo cáo tổng thể cho từ khoá “SEO” trên công cụ từ khoá Youtube của Ahrefs

Ghi chú: Tôi chưa sử dụng công cụ này trong 2018, nhưng tôi đã sử dụng nó từ đầu 2019 để tối ưu hoá những video hiện nay và các video mới.

Phân tích số lượng từ khoá lớn

Keyword Explorer hữu ích nhất khi bạn muốn tìm một số lượng lớn ý tưởng từ khoá. Bạn có thể sử dụng chrome extension của vidIQ hoặc TubeBuddy.

Chỉ cần gõ một truy vấn vào Youtube và nhìn vào thanh phụ bên phải, bạn sẽ thấy “Truy vấn liên quan” của vidIQ hoặc “Các tags phổ biến nhất” của TubeBuddy.

“Most Used Tags" của TubeBuddy

“Most Used Tags” của TubeBuddy

Chọn tất cả các từ khoá liên quan > copy > paste vào Keywords Explorer (hỗ trợ tới 10 nghìn từ khoá). Chúng tôi sẽ cho bạn danh sách tất cả các từ khoá đạt lượng truy vấn nhất định trên Youtube dựa vào kho dữ liệu của mình.

Các truy vấn được sắp xếp theo khối lượng truy vấn

Các truy vấn được sắp xếp theo khối lượng truy vấn

Đưa ra ý tưởng từ khoá mới

Giả sử bạn đang lập 1 kênh nơi bạn unbox và review các sản phẩm điện tử. Nên hãy bắt đầu với từ khoá gốc là “unboxing”.

Sau đó ấn vào báo cáo các cụm từ match với từ gốc này, bạn sẽ thấy một danh sách các từ khoá có chứa từ gốc bạn nhập vào.

Vậy bạn muốn unbox gì? Có thể là điện thoại di động, máy chơi game, hay linh kiện máy ảnh?

Vấn đề là sẽ không ai tìm kiếm cụm từ “unbox điện thoại”. Khi tìm kiếm, người ta sẽ gõ các truy vấn cụ thể (ví dụ, “unbox iphone X”).

Do đó hãy thu hẹp kết quả của chúng ta lại sử dụng bộ lọc “Include” (bao gồm). Hãy thêm một vài hãng sản xuất và chọn “any word” (mọi từ khoá).

Chỉ trong tích tắc, hơn 7,100 chủ đề liên quan được chọn ra.

Đừng dừng lại tại đây. Nếu bạn sẽ unbox các sản phẩm này, bạn tốt nhất nên tạo ra nhiều nội dung về chúng hơn.

Hãy thay đổi từ khoá gốc và bạn sẽ tìm ra thêm nhiều chủ đề để làm video hơn nữa.

Các chủ đề mới liên quan được gạch chân đỏ

Kết luận là: bạn sẽ không bao giờ cạn ý tưởng từ khoá tốt.

Nếu bạn vẫn còn bí ý tưởng, hãy xem video sau của Ahrefs về cách nghiên cứu từ khoá Youtube.

Nhìn vào kết quả truy vấn Google

Bạn đã từng nghe thấy câu này rất nhiều lần rồi.

Youtube là công cụ tìm kiếm lớn thứ 2.

Vậy tại sao không tận dụng nghiên cứu công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới – Google?

Năm 2017, GetSTAT cho thấy các kết quả tìm kiếm dưới dạng video tăng tới 75.75%.

Lượng kết quả tìm kiếm dưới dạng video tăng mạnh trong 2017

Lượng kết quả tìm kiếm dưới dạng video tăng mạnh trong 2017

Và năm 2019, thật khó để lướt Google quá 10 phút mà không nhìn thấy một kết quả video nào.

Có một số cách để biết video đang nhận được lượng traffic từ tìm kiếm tự nhiên ở mức nào.

1. Tìm kiếm cho từ khoá trọng tâm của bạn

Gõ một truy vấn vào Google từ list từ khoá của bạn và bạn rất có khả năng sẽ thấy một dãy kết quả video xoay vòng (carousel) hay một kết quả hiển thị video riêng.

Các kết quả video hiển thị đầu tiên

Các kết quả video hiển thị đầu tiên

Có thể việc này nghe quá hiển nhiên, nhưng tôi cá rằng hầu hết những người sáng tạo nội dung không làm điều này trước khi quay một video. Chú ý vào thời lượng và tiêu đề của video để hình dung được kiểu video mà Google muốn hiển thị.

2. Sử dụng Content Explorer để tìm video theo chủ đề

Content Explorer rà soát một database với hơn 1 tỷ trang web có nhắc tới một từ hay một cụm từ cụ thể. Mỗi kết quả đều đi kèm các chỉ số SEO và social khác nhau.

Tính năng mà tôi thích nhất ở công cụ này đó là bạn có thể sử dụng chức năng quản lý tìm kiếm để thu hẹp bộ kết quả của mình.

Nếu bạn muốn tìm các video cũng được xếp hạng trên Google, gõ vào thanh tìm kiếm:

site:youtube.com inurl:watch title:topic

Gõ lại truy vấn trên, thay “topic" bằng chủ đề bạn muốn tìm kiếm (ở đây là “unboxing”)

Gõ lại truy vấn trên, thay “topic” bằng chủ đề bạn muốn tìm kiếm (ở đây là “unboxing”)

Sau đó sắp xếp kết quả theo khối lượng truy vấn và bạn sẽ có một list các chủ đề mới để xây dựng nội dung theo đó.

Những video Youtube nổi bật nhất cho “unboxing" trên Google

Những video Youtube nổi bật nhất cho “unboxing” trên Google

Tip: Các kết quả video trên công cụ tìm kiếm có thể thay đổi rất thất thường. Do đó bạn nên nhìn vào khối lượng organic search theo thời gian của video này.

Chỉ cần nhấn nút “details” (chi tiết) ở bất cứ một kết quả nào để phân tích lịch sử traffic organic.

3. Sử dụng Site Explorer và Batch Analysis để khám phá các cơ hội có traffic cao

Tìm từ khoá của bạn trên Youtube và copy tất cả URL của các video có thứ hạng cao nhất.

Ví dụ: 2 kết quả top cho “how to make slime”

Bạn có thể sử dụng Scraper Chrome extension để copy tất cả các URL trên trang kết quả tìm kiếm.

Chỉ cần click chuột phải bất kỳ vị trí nào trên trang kết quả và chọn “scrape similar”.

Sau đó thêm đoạn code này thành “Selector” của bạn:

//div/div/div/div/h3/a

Rồi thêm đoạn code XPath này dưới mục “columns”

concat (‘https://www.youtube.com’, @href)

Ấn scrape, và bạn sẽ có một list trông như thế này.

Giờ paste tất cả các URL vào công cụ Batch Analysis > đặt chế độ thành URL > chạy tìm kiếm.

Sắp xếp các kết quả theo “Traffic”, và bạn có thể thấy các cơ hội tuyệt vời với tiềm năng kéo được thêm traffic từ tìm kiếm Google.

Bạn có thể biết chính xác các từ khoá organic mà mỗi video được xếp hạng cho bằng cách ấn vào báo cáo từ khoá organic như trong hình dưới đây.

Cái cuối cùng mà tôi nghĩ bạn nên dành thời gian xem xét đó là biểu đồ traffic “Overview page” để xem liệu video đó có nhận được traffic ổn định từ Google không, hay các keyword mà video được xếp hạng cho đều biến động nhiều.

Traffic organic không ổn định

Traffic organic không ổn định

Xem thêm:

Bước 2: Xác định mục đích tìm kiếm

Mục đích tìm kiếm (search intent/keyword intent) là lý do một người dùng gõ một truy vấn vào công cụ tìm kiếm.

Thường thì các công cụ tìm kiếm có thể xác định search intent rất tốt cho bạn.

Chỉ cần tìm từ khoá mà bạn muốn được xếp hạng cho trên Youtube và phân tích nội dung của 3-5 kết quả.

Thay vì làm khác đi, tốt hơn là bạn nên đi theo những gì đã có kết quả.

Tip: Sẽ tốt nhất nếu bạn làm việc này qua chế độ incognito và sử dụng VPN với khu vực mà bạn muốn được xếp hạng (ví dụ: tôi ở Canada, do đó tôi sử dụng IP ở Mỹ).

Ví dụ, nếu bạn muốn dạy cách tạo một website, có lẽ cách tốt nhất là bạn nên làm video hướng dẫn chi tiết từng bước một.

Youtube có vẻ cũng đồng ý với việc này.

Các video đứng top đầu đều là video hướng dẫn

Các video đứng top đầu đều là video hướng dẫn

Nhưng nếu bạn muốn được xếp hạng cho truy vấn “Nintendo Switch games”? Youtube sẽ chỉ ra rằng mọi người muốn xem các video dạng liệt kê xếp hạng hơn.

Các video dạng list đứng đầu top kết quả tìm kiếm

Các video dạng list đứng đầu top kết quả tìm kiếm

Thật hiển nhiên, phải không?

Bây giờ, giả sử bạn là thợ cắm hoa và bạn muốn được xếp hạng cho “viola“. Đây là một ý tưởng tồi.

Những kết quả top đều là về nhạc cụ viola, chứ không phải hoa.

Những kết quả top đều là về nhạc cụ viola, chứ không phải hoa.

Tất cả các kết quả cho thấy những người gõ cụm từ này thường muốn biết về nhạc cụ, chứ không phải về hoa hay Viola Davis (diễn viên).

Tạo một bảng và thêm cột “mục đích tìm kiếm”. Hoặc bạn có thể sử dụng bản của tôi ở đây.

Có thể bạn quan tâm: Search Intent là gì? Tại sao Search Intent quan trọng trong Marketing?

Bước 3: Thoả mãn mục đích tìm kiếm với một video có thời lượng duy trì xem cao (high-retention)

Trên Youtube, bạn có thể suy ra “sự thoả mãn” của người xem qua lượng thời gian họ dành ra để xem video của mình. Và các hệ quả của high retention thường là like, bình luận, chia sẻ, và thứ hạng cao hơn.

Mục đích của Youtube là:

  • Giúp người xem tìm được các video họ muốn xem
  • Tối đa hoá sự thoả mãn và tương tác của người xem một cách lâu dài

Do đó nhiệm vụ của bạn là phải tạo ra một video có thể tương tác và giữ người xem ở lại lâu hơn.

Đây là những gì chúng tôi làm tại Ahrefs để đạt được thời lượng retention mong muốn.

Thời lượng xem trung bình của một video Youtube của chúng tôi

Thời lượng xem trung bình của một video Youtube của chúng tôi

a) Lên kế hoạch cho video trước khi thực hiện

Tôi sẽ là người đầu tiên đồng tình cả 2 tay.

Tất cả các video hàng tuần của chúng tôi đều có kịch bản.

Vì là một người hướng nội, tôi không có kỹ năng nói chuyện bẩm sinh như Seth Godin, Gary Vaynerchuk hay Tony Robbins.

Nhưng đó không phải là lý do để ngăn cản tôi sản xuất video. và nó cũng không nên là lý do ngăn cản bạn.

Nếu bạn đang sản xuất các video dưới dạng hướng dẫn, điều cuối cùng bạn muốn làm là nói vấp, nói lạc chủ đề, và bắt người xem đợi 3 phút vì bạn ấn nhầm link trên màn hình.

Việc lập kịch bản không chỉ giúp các ý tưởng của bạn mạch lạc hơn, mà nó còn cho bạn lợi thế trong việc đề cập tới các từ khoá một cách có chủ đích trong video (tôi sẽ nói rõ hơn về ý này ở phía sau).

Nhưng còn các vlogger thì sao?

Như Casey Neistat đã nói:

“Câu chuyện là vua. Mọi thứ đều phục vụ vua… Bạn phải tìm thứ gì đó khiến người xem có hứng thú và sau đó chia sẻ nó với họ theo một cách cũng khiến họ hứng thú. Cách duy nhất để học những điều này và trở nên tốt hơn là làm nó càng nhiều lần càng tốt.”

Hiểu rõ bạn đang tạo ra cái gì, cho ai, và sau đó truyền tải nội dung đó cho họ.

b) Có một phần mở đầu tốt

10-15 giây đầu tiên mang tính quyết định sự thành công cho video của bạn. Thu hút người xem và bạn sẽ có một biểu đồ retention như sau đây.

Không đầu tư cho phần mở đầu và mất một lượng lớn người xem trước khi bạn có cơ hội truyền tải các giá trị.

Biểu đồ retention nếu bạn không có phần hook cuốn hút

Biểu đồ retention nếu bạn không có phần hook cuốn hút

Hoạt động trong mảng video hướng dẫn và cung cấp thông tin cho các khán giả B2B, tôi đã phải thử nghiệm rất nhiều lần để xem cách nào đem lại hiệu quả.

Tôi đã chia ra thành 3 phần chính gọi là công thức RIP. Hãy xem 30 phút đầu của video sau đây và để tôi giải thích kỹ hơn cho bạn.

1. Relate (cảm thông)

Ai cũng muốn được thấu hiểu. Do đó, còn cách gì tuyệt hơn để thu hút được ai đó bằng việc cho họ thấy họ được đồng cảm và không đơn độc?

Khán giả xem Youtube của chúng tôi chủ yếu là các marketer, đặc biệt những người chuyên về SEO.

Và trong lĩnh vực này, chúng ta đều có những câu hỏi và nỗi khổ chung.

Sau đây là một vài tips tôi đã thử và đem lại hiệu quả:

  • bắt đầu với một câu hỏi tu từ mà có lẽ người xem đã từng tự hỏi bản thân họ. Dù tôi không thể biết ai đang ngồi sau màn hình xem những video này, mục đích của tôi là nhận được một cái gật đầu đồng tình.
  • bắt đầu với một số liệu nơi họ nằm trong số đông bất lợi
  • giải trí bằng những viễn cảnh thực tế và liên kết nó với chủ đề video

Trong ví dụ trên, tôi đưa ra thống kê cho thấy rằng 91% nội dung không nhận được traffic từ Google. Đó là số đông. Nên nếu bạn nằm trong số đó… đừng cảm thấy tệ.

Kể cả khi bạn đang target khán giả B2B hay B2C, một điều quan trọng bạn cần nhớ đó là người ở phía bên kia màn hình cũng là con người.

2. Identify the problem (xác định vấn đề)

Để tôi nhắc lại tầm quan trọng của mục đích tìm kiếm một lần nữa. Nếu có ai đó tìm kiếm từ khoá của bạn, họ muốn tìm hiểu điều gì? Câu trả lời cho câu hỏi này thường chính là vấn đề của họ.

Với video “sai lầm SEO” của chúng tôi, tôi khá chắc là họ muốn biết những sai lầm này là gì và xem liệu chúng có đang ảnh hưởng traffic website của mình không.

Nhưng ai cũng có thể tua qua video này trong 20 giây và biết được những sai lầm này là gì, và điều này không giúp chúng tôi có những video với retention rate cao.

Do đó tôi nói một cách rất thẳng thắn:

“95% các trang web đang xoay sở để có search traffic giá trị, tác động lớn tới kinh doanh của họ.”

Ngắn gọn là: không có traffic = không có kinh doanh

3. Proposal (lời đề nghị)

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, bạn phải cho họ một lý do để nán lại xem video. Trong phần giới thiệu này, tôi nói:

“Vậy bạn có thể làm gì để tăng traffic và trở thành 1 trong top 5% các trang thành công nhất trên toàn internet? Bạn sẽ khám phá ra trong video này.”

Tức là: xem video này nếu bạn muốn tăng traffic. Ai mà chẳng muốn tăng traffic?

Nó cho người xem biết họ đang ở đúng chỗ mà có khả năng cao sẽ giải quyết được vấn đề họ gặp phải. Có lẽ đoạn “lọt vào top 5% trên toàn internet” nghe hơi sến một chút, nhưng nó hoàn toàn là sự thật (dựa trên số liệu của chúng tôi). Và nó có tác dụng.

Từ góc nhìn về sự tập trung, kết quả là khá tốt. Trong 2 tuần, chúng tôi đã có hơn 100,000 phút xem, 28,700 lượt xem, và hơn 1,400 subscribers từ riêng 1 video đó.

Làm theo công thức RIP, và bạn sẽ giúp duy trì được các video của mình.

Làm theo công thức RIP, và bạn sẽ giúp duy trì được các video của mình.

c) Mời người xem bình luận, like, và subscribe

Vậy, bạn thắc mắc, làm sao để có nhiều subscriber, like và bình luận hơn ngoài việc tạo nội dung mang lại sự đồng cảm với khán giả?

Mỗi thứ này giúp tăng tương tác cho video của bạn. Thông thường, tôi sẽ mời người xem làm các thao tác này ở cuối video, vì tôi muốn đem lại giá trị cho họ trước.

nếu ai đó đã xem tới tận cuối video, họ thường sẽ muốn xem thêm những video tương tự.

Nhưng phần lớn người xem sẽ không xem toàn bộ video của bạn. Do vậy, bạn có thể mời họ tương tác trước (một cách khôn khéo).

Ví dụ, một số video của chúng tôi sẽ nói về những chủ đề phụ thêm (ví dụ: affiliate marketing}. Nên tôi có thể nói “Tôi sẽ không nói sâu về affiliate marketing nữa, nhưng hãy bình luận bên dưới nếu bạn muốn nghe thêm về chủ đề này trong các video sắp tới.”

Những câu hỏi kiểu này không những giúp bạn hiểu thêm về mong muốn của khán giả xem video, mà còn giúp tăng tương tác..

Sau một thời gian bạn thường xuyên mang tới những nội dung có giá trị cho subscriber, họ sẽ để lại các bình luận như:

Làm theo công thức RIP, và bạn sẽ giúp duy trì được các video của mình.

Một subscriber để lại bình luận rằng họ thậm chí like video trước khi xem

d) Edit video một cách có chiến thuật

Nếu bạn đã từng xem bất cứ một video nào của chúng tôi, bạn có thể tranh luận rằng những giá trị tương tự có thể đạt được với những video screencast thông thường.

Nhưng nó khác rất xa so với những gì chúng tôi thực hiện tại Ahrefs.

Tại sao không lồng tiếng vào một clip ghi âm màn hình cho đơn giản?

Người xem có khoảng thời gian tập trung (attention span) rất ngắn. Một video chỉ có screencast thì rất nhàm chán. Tôi sẽ thậm chí khẳng định rằng một video chỉ có hình ảnh bạn nói cũng có thể trở nên nhàm chán trừ khi bạn là một diễn giả cực kỳ lôi cuốn.

Tôi thì không.

Do đó phần lớn phụ thuộc vào việc bạn edit video Youtube của mình có hợp lý không. Project cuối cùng của một video của chúng tôi nhìn như thế này:

Sau đây là một vài tips để video của bạn liền mạch và trôi chảy.

Lưu ý: Tôi đang nói từ góc nhìn của video hướng dẫn, nhưng các vlogger cũng có thể được lợi từ những tips này.

1. Thêm jump cut (nhảy cảnh)

Jump cut là sự chuyển giao giữa hai cảnh quay từ một vị trí giống nhau. Nó tạo ra hiệu ứng cảnh “nhảy”, do đó mới có tên là “jump cut.”

Nó khiến video trở nên đa dạng hơn và giúp trau chuốt các lỗi sai trong lúc quay.

2. Chú ý tới các khoảng trống trong các cảnh chính

Chúng tôi có 2 cảnh chính trong các video của mình. Cảnh người nói, được đánh dấu bằng màu xanh, và screencast, màu cam.

Các dấu màu hồng là các khoảng trống. Xác định được các khoảng trống này sẽ giúp bạn tìm ra các vị trí nơi có thể đang thiếu thứ gì đó.

Để giữ được người xem lâu hơn, chúng tôi để các khoảng trống này khá nhỏ bằng việc chèn thêm màn hình chữ, hoạt hoạ, và b-roll.

Nhưng một điều quan trọng cần ghi nhớ về những khoảng trống này là nên sử dụng chúng khi hợp lý. Trải nghiệm người dùng cần được đặt lên đầu tiên, và nếu việc để lại một cảnh là hợp lý nhất, đừng ngại mà làm nó.

Vì chúng tôi có một đội ngũ edit video trong team tuyệt vời, chúng tôi đã có thể thử nghiệm những thứ hay ho mới.

3. Thu hút sự chú ý khán giả vào những thứ bạn muốn họ nhìn thấy

Trong tất cả các screencast, chúng tôi thêm hiệu ứng hình ảnh vào để hướng mắt khán giả tới phần mà chúng tôi đang nói tới.

Ví dụ, nếu tôi nói, “chỉ cần nhìn vào cột traffic,” màn hình sẽ hiển thị như thế này.

Trích một đoạn video hướng dẫn sử dụng công cụ của Ahrefs

Trích một đoạn video hướng dẫn sử dụng công cụ của Ahrefs

Những người đã từng sử dụng công cụ này của Ahrefs có thể biết cần nhìn vào đâu kể cả khi không có hiệu ứng. Nhưng một người chưa từng thử công cụ này sẽ dễ thoát ra ngay vì họ không biết chúng tôi đang nói về gì.

Những lúc khác, chúng tôi sẽ sử dụng hình khối, hoặc hoạt hoạ đặc biệt để mô phỏng ý của mình rõ hơn.

Hơn nữa, thêm hiệu ứng âm thanh vào sẽ giúp thu hút sự chú ý của người xem tốt hơn.

4. Giải trí với các câu chuyện hoặc lời kể

Youtube là một phương tiện giải trí. Nhưng, giải trí không phải lúc nào cũng dễ. Ví dụ, nếu tôi xuất hiện trong trang phục sinh nhật và nói về xây dựng link, liệu bạn có tiếp tục xem không?

Tôi mong câu trả lời là không.

Do đó, dù mục đích chính là dạy SEO và marketing, chúng tôi cố hết sức có thể để khiến video thú vị một chút (nhưng không quá đà)

Trong ví dụ này, tôi làm một video xoay quanh một doanh nghiệp giả tưởng tên là “Sam PhOHtography” (tên được cố tình viết sai để không lẫn với các truy vấn thật)

Hay trong video này về broken link building, tôi nói về sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, thay vì gửi email một cách máy móc.

Bất kể bạn ở trong ngành nào, tôi chắc chắn rằng sẽ có cách để bạn khiến video của mình giải trí hơn bạn nghĩ.

Thêm các phần nhỏ tập trung vào tương tác này giúp chúng tôi kết nối với khán giả ở một cấp độ cá nhân hơn.

e) Feedback (phản hồi) nội bộ một cách thật thà

Sự trao đổi thật thà trong một team là rất quan trọng. Và theo quan điểm của tôi, đây là một trong những lý do chính giúp đội ngũ marketing của Ahrefs có khả năng sản xuất liên tục được các nội dung tuyệt vời cho blog và kênh Youtube của chúng tôi.

Đây là ví dụ về một vòng feedback của chúng tôi cho 1 video.

1. Feedback về kịch bản

Sau khi tôi viết nháp, 3 thành viên trong team – Josh, Nick, và Tim – sẽ để lại feedback. Feedback có thể là đồng tình, phản đối, hoặc bổ sung những ý tưởng họ nghĩ có thể làm tăng chất lượng cho video.

Chúng tôi sẽ cẩn trọng đánh giá từng từ và từng đoạn văn được viết ra, và người viết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Feedback về kịch bản

Sau khi tôi quay video xong, hoàn thành những edit cơ bản, và thêm các ghi chú sản xuất, người edit video của chúng tôi sẽ thực hiện ý tưởng đó.

2. Feedback về các edit video

Tôi sẽ xem xét lại video nếu có gì đó chưa ổn, sau đó cùng Sergey (người edit video) thực hiện lại vòng feedback như trên, nhưng chú tâm hơn vào mặt hình ảnh và tương tác.

Feedback về edit

Ý chính cần rút ra đó là bản nháp đầu tiên không bao giờ nên là bản cuối cùng.

Tìm những người bạn có thể tin tưởng sẽ cho bạn những phản hồi thẳng thắn. Không việc gì phải tự ái cả. Thậm chí có còn giúp team của bạn gắn kết với nhau hơn (trừ khi người kia là vợ chồng của bạn!).

Bước 4: Tối ưu hoá video on-page

Tối ưu hoá Youtube video on-page có 4 mục chính:

  • Tiêu đề
  • Mô tả
  • Tags
  • Ảnh thumbnail

Mỗi thứ trên giúp cung cấp ngữ cảnh cho video của bạn và sẽ ảnh hưởng rất lớn tới CTR.

Như tôi đã nói ở trên, không có click = không có view!

Tạo nên một tiêu đề và ảnh thumbnail hoàn hảo

Tháng 3 năm 2018, Youtube cho ra mắt Beta Studio – hệ thống phân tích mới của họ. Một trong những chỉ số mới được thêm vào là “impressions CTR”.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của CTR, Youtube đang thúc đẩy những người sản xuất nội dung tăng CTR trong phễu phân tích của video của mình (cho mỗi video).

“Bạn có thể tăng khả năng Youtube gợi ý nội dung của mình bằng cách tăng CTR và thời gian xem video của mình”.

Vậy là ngoài việc có nhiều view hơn, bạn sẽ có thêm lợi ích từ việc Youtube gợi ý video của mình cho khán giả ngoài tìm kiếm tự nhiên.

Sau đây là một vài cách tốt nhất để tạo nên những video dễ tìm kiếm và thu hút click, theo Youtube.

1. Sử dụng từ khoá trong tiêu đề của bạn

Nói về từ khoá, lời khuyên của Youtube là sử dụng những cụm từ tìm kiếm liên quan nhất trong tiêu đề và mô tả của bạn – miễn là bạn sử dụng chúng một cách chính xác và có mức độ.

Nghiên cứu của Briggsby đã kiểm chứng lợi ích của việc có từ khoá trong tiêu đề. Họ tìm ra rằng hơn 90% của các video top đầu có chứa ít nhất một phần của từ khoá chính trong tiêu đề.

Dù cho việc dùng ít nhất một phần từ khoá trong tiêu đề nghe rất quan trọng, nhưng bạn không nên đánh đổi sự hấp dẫn của một tiêu đề với nó.

2. Đặt tiêu đề dưới 60 ký tự

Youtube khuyên bạn nên giữ tiêu đề ngắn gọn với những thông tin quan trọng nhất để đầu tiên.

Từ góc nhìn truy vấn, nó có nghĩa là để từ khoá của bạn ở đầu tiêu đề. Ví dụ như tiêu đề dưới đây:

Sai lầm SEO: Tại sao 91% nội dung không có traffic tự nhiên”

Để tiêu đề ngắn gọn sẽ tránh mất click từ việc tiêu đề bị cắt khi tìm kiếm hoặc được gợi ý bởi Youtube.

Không phải video nào của chúng tôi cũng có tiêu đề dưới 60 ký tự, nhưng tôi có dự định sẽ thay đổi chúng trong tương lai.

3. Viết tiêu đề lôi cuốn, kích thích sự tò mò hoặc làm nổi bật một lợi ích

Nếu bạn muốn làm một video hướng dẫn cách thắt cà-vạt, một tiêu đề chứa từ khoá có thể là, “Cách thắt cà-vạt.” Nhưng đây chắc chắn là một tiêu đề nhàm chán.

Có rất nhiều tiêu đề hay hơn mà bạn có thể sử dụng như:

  • Cách thắt cà-vạt với “kỹ thuật 007”
  • Cách thắt cà-vạt chỉ trong 11 giây
  • Đứa con 3 tuổi của tôi dạy bạn cách thắt cà-vạt

Ý tôi muốn nói ở đây là một tiêu đề nhàm chán thường khó gây ấn tượng hơn trong một môi trường cạnh tranh như thế này.

4. Tạo một thumbnail bổ trợ cho tiêu đề của bạn

Thumbnail thường là thứ đầu tiên đập vào mắt bạn trước khi click vào video. Theo quan điểm của tôi, nó là phần khó nhất để thực hiện thật đồng đều.

Đây là thumbnail cho video sai lầm SEO của chúng tôi:

Những dòng chữ trên thumbnail đồng nhất với nội dung video do 91% là đa số.

Và nếu bạn nhìn kỹ, bạn sẽ thấy hình ảnh của các trang Google với số trang thứ 3 được khoanh tròn với chú thích “Bạn ở đây.”

Bạn cũng có thể lấy cảm hứng từ những thứ xung quanh mình và sử dụng trí tưởng tượng để nêu lên các sự thật không thể chối cãi. Đây là thumbnail của video của chúng tôi, “Mất bao lâu để được xếp hạng trên Google:”

Nếu bạn cạn ý tưởng, hãy thử lấy cảm hứng từ ảnh stock hoặc trên Google. Một tìm kiếm trên Adobe Stock cho từ khoá, “hệ thống,” cho ra các ảnh này.

Và ảnh thumbnail cho video xây dựng hệ thống link của chúng tôi sử dụng ý tưởng tương tự (nhưng thú vị hơn).

Viết một mô tả dễ tìm kiếm

Youtube nói sử dụng các từ khoá “chính xác” có thể tăng view và thời gian xem vì chúng giúp video của bạn hiển thị trên kết quả tìm kiếm.

Trong cùng một nghiên cứu bởi Briggsby, họ tìm ra rằng 75% của 20 kết quả top sử dụng một số biến thể broad match của cụm từ khoá trong mô tả video.

Nhưng thế nào là các từ khoá “chính xác”?

Cho những người mới bắt đầu, chúng tôi cho từ khoá ở cả trong tiêu đề và mô tả. Nhưng chúng tôi cũng bao gồm cả các từ khoá liên quan nữa.

Tìm các từ khoá liên quan từ các video cạnh tranh

Click vào vài video top đầu của từ khoá bạn muốn dùng và đọc qua mô tả video của họ.

Để ý các từ khoá họ dùng trong mô tả. Trong rất nhiều trường hợp, những người làm video thường không chú trọng vào phần mô tả, nên nếu điều này thật sự đúng, hãy coi đó là một cơ hội nhỏ nhưng có triển vọng để video của bạn bạn rank cao hơn họ.

Sử dụng công cụ nghiên cứu từ khoá

Tôi biết tôi đã nhắc tới việc sử dụng dữ liệu từ khoá từ Google là một ý tưởng tồi. Nhưng đó là khi bạn nghiên cứu chủ đề, việc mà bạn đã hoàn thành xong rồi.

Trên thực tế, Youtube khuyên bạn nên sử dụng các công cụ như Google Trends hay Google Keyword Planner từ bước này. Thay vì sử dụng ý tưởng từ khoá từ GKP, tôi sử dụng báo cáo từ khoá organic trên Site Explorer.

Sau đây là cách bạn có thể sử dụng nó:

  1. Tìm kiếm từ khoá chính của bạn trên Google
  2. Copy và paste URL xếp hạng top vào Site Explorer
  3. Nhấn vào báo cáo “Organic Keywords” trên thanh công cụ, và bạn sẽ biết tất cả các từ khoá mà trang này được xếp hạng cho

Từ đây, bạn chỉ cần xem qua bản báo cáo từ khoá này và chọn ra các chủ đề nhỏ cũng như các cụm từ khác liên quan tới video của mình.

Nhưng bạn cũng không cần phải cố nhồi thật nhiều từ khoá vào. Hãy chỉ dùng những cái hợp lý thôi.

Một ví dụ tôi sẽ rút ra từ screenshot trên đó là tập trung vào cách thắt nút windsor cho cà-vạt.

Cá nhân tôi thấy các mô tả dài có hiệu quả hơn vì nó cung cấp cho Youtube nhiều ngữ cảnh về nội dung của video hơn. Nhưng chúng tôi chỉ để các mô tả đủ dài thay vì cố nhồi thật nhiều từ khoá vào.

Tags

Tags là một cách khác để cung cấp thêm ngữ cảnh cho video của bạn, có thể giúp bạn được xếp hạng trên Youtube.

Youtube đơn giản hóa quá trình này bằng việc gọi ý bạn thêm các từ khoá và cụm từ liên quan tới nội dung video của bạn nhất.

Vì bạn đã thực hiện xong việc nghiên cứu từ khoá và tối ưu hoá tiêu đề cũng như mô tả dựa vào các từ khoá này, việc này sẽ khá dễ dàng.

Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ như VidIQ hay TubeBuddy để tìm các tags của những video cạnh tranh.

Tìm các tags chung giữa các video cạnh tranh, và thêm các tags đó vào video của mình (nếu thấy thích hợp).

Bước 5: Tối ưu in-video

Tạo ra video là 80% của cuộc chiến. Nhưng có các tối ưu khác mà bạn có thể làm để tăng tỷ lệ retention và mang tới một trải nghiệm tốt hơn cho người xem.

1. Bản dịch (transcript)/ Closed Captions (CC)

Rất nhiều những người làm video như tôi tin rằng YouTube đọc các file CC để hiểu rõ hơn về ngữ cảnh của video.

YouTube tự động tạo ra các file dịch và làm khá tốt việc bắt được đa số từ. Nhưng nó vẫn còn rất xa để được coi là hoàn hảo (ví dụ: HFS = Ahrefs).

Người xem của bạn có khả năng cao tới từ khắp nơi trên thế giới và ngôn ngữ bạn sử dụng có thể không phải là tiếng mẹ đẻ của họ.

Nếu bạn đã dựng kịch bản sẵn cho nội dung của mình, thì phần này rất dễ.

Từ trang video, nhấn vào video mà bạn muốn edit. Sau đó lựa chọn mục “Subtitles/CC”.

Vì tôi dựa vào kịch bản, tôi khuyên nên sử dụng lựa chọn “Transcribe and auto-sync” (Dịch và tích hợp tự động).

Bây giờ việc cần làm chỉ là copy kịch bản của bạn vào và kiểm tra xem từng từ có khớp với những gì nói trong video hay không.

Sau khi bạn nhập file này, YouTube sẽ tự động tích hợp kịch bản với giọng nói của bạn. Tôi khuyên bạn nên xem lại video hơn 1 lần để đảm bảo rằng chúng khớp với nhau.

Trong vòng 90 ngày trở lại đây, 16.4% lượt xem sử dụng phụ đề tiếng Anh của chúng tôi.

2. Các thẻ

Các thẻ YouTube là một tính năng tương tác khuyến khích người dùng làm 1 trong 5 điều sau:

  1. Xem một video hoặc playlist khác
  2. Khám phá các kênh YouTube khác
  3. Ủng hộ cho một tổ chức phi lợi nhuận
  4. Trả lời khảo sát
  5. Ấn vào một link ngoài

Chỉ cần chọn loại thẻ bạn muốn sử dụng → chọn một lựa chọn phù hợp (ví dụ, video hoặc playlist) → chọn một khung thời gian mà bạn muốn nó hiển thị.

Khi người xem xem tới đoạn video đó, tiêu đề của video sẽ hiện lên. Khi người dùng nhấn vào biểu tượng info, họ sẽ có thể chọn xem video được gợi ý này.

Thay vì thêm nhiều thẻ nhất có thể, chỉ thêm các thẻ liên quan ở chỗ người dùng có thể muốn tìm hiểu thêm về một chủ đề nhỏ hoặc trước một thời điểm nhất định nào đó (ví dụ như trước khi video kết thúc).

3. Màn hình kết

Màn hình kết cũng giống như các thẻ. Mục đích là để giữ chân người xem trên YouTube.

Bạn thấy quy luật chứ? ?

Cho kênh của chúng tôi, màn hình kết sẽ hiện nút subscribe và các video gợi ý cho người xem mà họ nên xem tiếp.

Điều này có thể giúp bạn có thêm subscriber và giữ người xem ở lại trên kênh của mình.

Lưu ý: Màn hình kết cần phải được tích hợp vào với video của bạn trong quá trình edit. Với màn hình kết của chúng tôi, cả biểu tượng subscribe và mục “video tiếp theo” đều trống. Khi bạn thêm các phần của màn hình kết vào, nó sẽ thay cho các chỗ trống này.

Nút subscribe nên có kích cỡ 196×196 px và hình chữ nhật cho video gợi ý nên là 410×230 px. Đây là một template miễn phí mà bạn có thể tải.

Bước 6: Đăng tải và quảng bá video của bạn

24-48 giờ đầu từ khi đăng tải sẽ quyết định độ thành công của video của bạn. Đây là lúc tất cả công sức bạn bỏ ra sẽ được thử nghiệm.

Trên thực tế, bạn sẽ thường thấy video của mình ở trang đầu YouTube trong ngày đầu tiên với truy vấn có chứa từ khoá của mình.

Đây là một số tips để quảng bá video của bạn trong 2 ngày đầu.

Tìm ra khoảng thời gian tốt nhất để đăng tải video

Thời gian thích hợp nhất là khi khán giả target của bạn xem video. Bạn có thể xác định khoảng thời gian tối ưu này qua các báo cáo cho trang của mình.

Mặc dù nó có thể thay đổi theo từng ngày, bạn có thể thấy một quy luật rõ ràng.

Ví dụ, tôi đoán rằng thời điểm tốt nhất để post video là ngày thường, vào buổi trưa.

Sau khi xem xét số liệu thống kê trong hơn 1 tuần, tôi nhận ra rằng lượt xem trên kênh thường đạt cao nhất vào khoảng 10-11 giờ sáng (EST).

Nhưng nếu bạn nhìn vào khoảng thời gian trước khi đạt lượt view cao nhất đó (8-9 giờ và 9-10 giờ), số view cũng gần bằng với khung giờ tối ưu.

Do đó chúng tôi bắt đầu post vào 7 giờ 30, và nó có vẻ có tác dụng.

Đăng tải vào khung giờ tốt cho bạn cơ hội tối đa lượt view.

Nếu bạn chưa xây dựng được một lượng view hàng ngày nhất định, bạn có thể thử làm theo những khung giờ chung này.

Tập trung vào xây dựng khán giả và điều chỉnh thời gian đăng tải sau khi tập hợp được các số liệu về khán giả của bạn.

Trả lời bình luận/ tương tác

YouTube là một mạng xã hội, đồng nghĩa với việc bạn cần tương tác.

Trong khoảng tuần đầu tiên, thử trả lời tất cả các bình luận mới mà người xem để lại và like để thể hiện sự trân trọng những bình luận này của họ.

YouTube thống kê rằng những người xem nhận được “tim” có khả năng cao gấp 3 lần để click vào thông báo so với các dạng thông báo khác.

Chúng tôi trả lời gần như tất cả các bình luận bất kể video được đăng vào bao giờ.

Quảng cáo tới khán giả hiện tại của bạn

Bạn có blog, newsletter, hay các tài khoản mạng xã hội? Sử dụng chúng để quảng bá cho video của bạn.

Newsletter

Trong 48 giờ đầu, gửi cho subscriber của bạn một email thông báo về video mới ra.

Tại Ahrefs, chúng tôi ra video hàng tuần vào thứ 4 và để thông báo in-app trong vài giờ để quảng bá video mà không làm phiền khách hàng.

Vào thứ 5, chúng tôi gửi một email tới các subscriber trên blog với đường link dẫn tới bài viết và video mới nhất.

Mạng xã hội

Các video tự nhiên (native video) chưa thực sự đem lại hiệu quả cho chúng tôi trên mạng xã hội trên khía cạnh tương tác. Và nó cũng dễ hiểu thôi khi bạn nghĩ về mục đích sử dụng của các cổng thông tin này.

Tôi không rõ về bạn, nhưng tôi không đăng nhập vào Twitter để xem một video 13 phút về cách xây dựng link.

Trên Twitter, chúng tôi tweet về video mới trong cùng một ngày đăng tải.

Trên Facebook, chúng tôi vẫn đăng tải các native video, nhưng chúng tôi vẫn dẫn link một vài video trên trang YouTube của mình.

Cách quảng bá video khi chưa có khán giả

Nếu bạn chưa có một lượng khán giả sẵn, bạn sẽ phải mất công hơn một chút.

Sau đây là một số việc bạn có thể làm.

1. Thêm video vào câu trả lời của bạn trên Quora

Quora là một forum hỏi-trả lời phổ biến. Và thêm các dạng nội dung long-form không phải là điều hiếm gặp trên mạng xã hội này.

Quy trình nhìn như sau.

Tìm một câu hỏi cần trả lời > trả lời tốt nhất có thể > gắn video của bạn vào nơi thích hợp để củng cố câu trả lời.

Bạn có thể tìm các câu hỏi dựa vào tìm kiếm của Quora hoặc nếu bạn muốn nhiều số liệu hơn và tìm các câu hỏi phổ biến, bạn có thể sử dụng báo cáo từ khoá tự nhiên trên Site Explorer với Quora làm target của mình.

Sau đó sử dụng thanh tìm kiếm “include” (bao gồm) để tìm từ khoá chung liên quan tới video của bạn. Hãy nhớ đặt bộ lọc thành chỉ tìm trong phạm vi các từ khoá để có các kết quả liên quan chặt chẽ .

Chỉ cần viết một đoạn nội dung hay để trả lời câu hỏi và gắn video của bạn vào câu trả lời.

2. Cộng tác (collaboration)

Cộng tác trên YouTube là một cách tuyệt vời để có thêm subscriber nhanh chóng. Nếu bạn thành thạo ở lĩnh vực của mình, bạn nên hợp tác với các YouTuber trong cùng lĩnh vực với đối tượng khán giả tương tự.

Một collaboration điển hình sẽ có quy trình như sau.

Tìm một kênh tương tự, không phải là đối thủ cạnh tranh > mời họ hợp tác > tạo ra video cho mỗi kênh > giới thiệu khán giả của bạn tới kênh của đối tác.

Nhưng nếu bạn chưa có khán giả, sẽ rất khó để thuyết phục họ để bạn sản xuất nội dung cho kênh của họ.

Vậy giải pháp là gì? Hãy sáng tạo.

Đây là một ví dụ để bạn tham khảo ý tưởng.

GIả sử bạn đang tạo một kênh về sửa chữa đồ điện tử. Bạn có thể liên hệ với một kênh YouTube về công nghệ nổi tiếng và mời họ để bạn phân tích mẫu iPhone mới nhất ra mắt vào hôm qua.

Dù bạn không thể đem tới cho họ khán giả hay subscriber, nhưng bạn có thể cung cấp cho họ một phần nội dung rất có ích cho kênh của họ. Họ có khán giả, và bạn có kiến thức về công nghệ để giúp ích về mặt nội dung.

Bất kể pitch của bạn là gì, bạn nên nhấn mạnh những lợi ích họ có thể đạt được.

3. Trả cho YouTube ads

Không có khán giả? Vậy thì hãy mua khán giả.

Hiện tại, YouTube ads đang khá rẻ. Bạn có thể target dựa theo sở thích, từ khoá hay các yếu tố khác như traffic website, v.v.

Nếu bạn có video hay, hãy lập ra vài ads tìm kiếm dựa vào từ khoá chính với mục tiêu tăng lượt subscribe.

Khi số lượng subscriber của bạn tăng, họ sẽ bắt đầu được thông báo về các video sắp tới của bạn và giúp kênh của bạn tăng trưởng tự nhiên mà không tốn kém.

Xem thêm:

Bước 7: Phân tích và tối ưu sau khi đăng video

Bạn không thể edit video sau khi đã đăng hoặc redirect nó như bạn có thể khi post bài blog.

Điều này thật bất tiện, nhưng hãy nhớ rằng…nó bất tiện cho tất cả mọi người, không chỉ riêng bạn.

Việc tốt nhất bạn có thể làm là lấy dữ liệu từ các video này và tìm hiểu xem cái gì giúp tăng tương tác.

Đây là cách thực hiện:

Phân tích biểu đồ audience retention

Vào YouTube Analytics > chọn một video bạn muốn phân tích > xem audience retention.

Bạn sẽ thấy thời lượng xem trung bình, phần trăm xem, và nhấn vào biểu đồ sẽ cho bạn xem biểu đồ audience retention cho video đó.

Biểu đồ audience retention

Biểu đồ này ghi lại tất cả lượt view cho mỗi giây được xem của video đó. Sau đó retention curve (như ở trong hình) sẽ được vẽ ra dựa vào %.

Bạn có thể dùng retention để xác định những phần nổi bật trong video của mình. Nếu làm tốt việc thu hút người xem, bạn sẽ thấy một đường dốc đều như trong hình. Bạn cũng sẽ thấy những phần gồ lên (bump) trên biểu đồ, hay còn gọi là “True Engagement.”

Đây là một tín hiệu tốt.

Ấn vào bất kì một chỗ bump nào và tua tới phần có lượng khán giả lớn nhất. Thử và phân tích tại sao lại có nhiều người xem những phần này hơn.

Ví dụ, phần bump này xảy ra vì có nhiều người hứng thú với toán tử tìm kiếm của Google (Google Search Operator) mà tôi sử dụng.

Học hỏi từ những gợi ý này và sử dụng chúng để giúp các video trong tương lai của bạn lôi cuốn hơn.

Bạn cũng có thể xem xét các chỗ có lượng người xem tụt nhiều. Phân tích xem tại sao người xem lại thoát ra và thêm các thẻ YouTube vào những vị trí đó.

Từ biểu đồ trên, tôi nhận ra mình cần phải cải thiện phần intro. Tôi cũng có thể thêm vài thẻ vào video. Chắc chắn là 1 thẻ ở cuối, và có lẽ là 1 thẻ ở giữa video nữa. Vậy là xong.

Kiểm tra xem bạn đã làm thoả mãn mục đích tìm kiếm chưa

Trên YouTube studio, bạn có thể thấy thời lượng xem trung bình cho tất cả các từ khoá bạn được xếp hạng.

Beta Studio > Chọn video của bạn > analytics > reach viewers tab > traffic source: YouTube search

Nếu một truy vấn YouTube dẫn tới một thời lượng xem trung bình cao, chứng tỏ bạn đã đạt yêu cần cho truy vấn đó.

Sản xuất một video chưa đạt lắm, và số liệu cũng sẽ chỉ ra điều đó.

Đánh dấu các con số này trên thời lượng xem trung bình trên toàn kênh của bạn và phần trăm xem để biết bạn có đang đi đúng hướng hay không.

Nếu bạn sản xuất các video có độ thu hút kém, mà vẫn muốn xếp hạng cao cho từ khoá đó, bạn có thể sẽ muốn làm lại video theo một cách tiếp cận khác.

Bước 8: Tối ưu cho thời lượng xem theo session

Thời lượng xem của 1 session (session watch time) là tổng thời gian một người xem xem các video trên YouTube mà không thoát ra.

Tại sao nó lại quan trọng? Từ 2012, nó đã trở thành một chỉ tiêu xếp hạng.

“Chúng tôi đã bắt đầu điều chỉnh thứ tự xếp hạng của các video trên YouTube để ghi nhận những video giữ người xem lâu hơn. […] Kết quả thử nghiệm tới bây giờ là khá khả quan – ít click hơn, và thời gian xem lâu hơn. […]

Cùng với những tối ưu trước đó với chức năng discovery của chúng tôi, thay đổi này sẽ có lợi cho kênh của bạn nếu các video thúc đẩy khán giả ở lại YouTube xem lâu hơn.”

Có 2 lợi ích chính từ việc tăng thời gian xem tổng thể:

  1. Giữ người xem ở lại xem nội dung của bạn lâu hơn
  2. Cả kênh của bạn sẽ có nhiều gợi ý và lượt xem hơn

Tôi đã nói về các thể và màn hình kết rồi – những thứ giúp kênh của Ahrefs phát triển.

Đây là một số cách khác giups tăng thời gian xem.

1. Tạo ra các series

Bạn đã bao giờ tìm kiếm gì đó trên YouTube, xem một video của một Youtuber bạn chưa từng nghe tới, và sau đó xem hết cả một series của họ chưa?

Hãy nghĩ tới #AskGaryVee hay 490 tập Vlog của Casey Neistat

Khi tôi bắt đầu làm video cho Ahrefs, chúng tôi đã tạo ra vài series về cách dùng Ahrefs để nghiên cứu từ khoá và xây dựng link.

Hai series đầu đã làm tốt việc cung cấp kiến thức cho người xem với series “Marketing cùng Ahrefs”.

Vài tháng trước, tôi đã tạo ra một series ngắn về WordPress SEO, được rank thứ nhất trên YouTube ở thời điểm của bài viết này. Tôi nghĩ một phần là nhờ thời lượng xem theo session cao hơn so với đối thủ trong từ khoá này.

Để tăng thời lượng xem tổng thể bằng cách sử dụng các series, hãy thêm một video và mũi tên chỉ tới “tập tiếp theo”, và sử dụng thẻ chỉ tới video đó trước khi người xem thoát ra.

Bây giờ hãy đọc phần tiếp theo, vì đó là cái tôi thấy mang lại hiệu quả tuyệt vời nhất.

2. Sử dụng các series playlist

Playlist là một danh sách các video được bật theo thứ tự mà chúng được sắp xếp.

Một series playlist là tất cả những gì ở trên, nhưng nó cũng là một cách để giúp các YouTuber ra tín hiệu cho YouTube rằng đây là một list video chính thức. Hãy nghĩ về cách mà Netflix thực hiện cho các mùa và các tập của series yêu thích của bạn.

Sử dụng series playlist giúp YouTube hiểu video nào nên được phát tiếp theo, nhờ đó tăng khả năng video của bạn được xếp vào mục “Up next”.

Nếu bạn đã thêm thẻ, màn hình kết, và series playlist, giờ bạn đã có 3 nơi mà video tiếp theo sẽ được gợi ý cho khán giả.

3. Sử dụng các mẹo tối ưu trang chủ của chúng tôi

Trang chủ có khả năng cao là trang được xem nhiều nhất trên kênh của bạn. Do đó nó rất đáng được tối ưu hoá.

Có lẽ những hiểu biết thông thường cũng khiến bạn muốn để những thông tin quan trọng lên đầu. Nên tôi đã làm như thế này.

Rất nhiều người sáng tạo video khuyên sử dụng một trailer cho kênh của bạn. Chúng tôi đã thử và nó không đem lại hiệu quả. Thay vào đó, chúng tôi sử dụng video nội dung bình thường để tối ưu hóa on-page.

Chúng tôi không thực sự quan tâm tới việc được xếp hạng cho từ khoá “tối ưu hóa on-page”, nhưng thống kê cho thấy nó có tỷ lệ chuyển view thành subscribe cao nhất.

Quan trọng hơn hết, nó liên quan trực tiếp tới nhóm khán giả chúng tôi muốn thu hút – những người làm SEO.

Và nhiều subscriber có hứng thú về chủ đề nội dung hơn đồng nghĩa với việc nhiều người nhận được thông báo và xem video mới hơn.

Để tìm các video đem về nhiều subscriber nhất, đăng nhập vào YouTube Analytics > Build an Audience > Ấn vào biểu đồ chính.

Sau đó chọn video có tỷ lệ chuyển subscriber thành unique views cao nhất.

Trước khi chọn một video để đại diện cho kênh của bạn, bạn nên dành ra 10 phút để xem lại báo cáo thời lượng xem của mình và tìm ra sự cân bằng giữa số lượng subscriber và retention rate.

Thêm một playlist

Kênh của bạn có thể khác kênh của chúng tôi. Nhưng bạn và tôi có cùng chung 1 mục đích.

Giữ chân người xem càng lâu càng tốt.

Khi bạn sắp xếp lại kênh của mình, bạn sẽ có kha khá lựa chọn để thêm vào (playlist, video lẻ, video nổi bật, v.v.). Tôi đã chọn sử dụng một playlist mà mới nhìn vào sẽ có cảm giác là ngẫu hứng.

Nhưng nó không hề ngẫu hứng một chút nào. 4 video đầu tiên bạn thấy sẽ là:

  • Phần 1: Series xây dựng link
  • Phần 1: Series SEO cho WordPress
  • Phần 1: Series nghiên cứu từ khoá
  • Phần 2: Series nghiên cứu từ khoá

Nếu bạn vẫn chưa nhận ra, thì mỗi video này đều là video đầu của mỗi series của chúng tôi (trừ video cuối vì chúng tôi chưa có series thứ 4 cho tới thời điểm này).

Mỗi video này đều thuộc một “series playlist”, tức là chúng tôi cho người xem lựa chọn chủ đề họ quan tâm và YouTube sẽ lo phần giới thiệu video.

Bất kể bạn click vào video nào, nó sẽ tăng khả năng có thêm người xem xem phần còn lại của series đó.

Dù YouTube không có chỉ số “session watch time” trong số liệu của họ, tôi tin chắc rằng nó giúp rất nhiều cho việc tăng thời gian xem tổng thể của chúng tôi.

Tổng kết

SEO YouTube từ khía cạnh kỹ thuật rất đơn giản. Tối ưu hoá tiêu đề, mô tả, và tags.

Thêm các thẻ liên quan, màn hình kết hoặc link mô tả và bạn đã sẵn sàng.

Nhưng phần khó nhất của SEO video đó là lôi cuốn khán giả.

Xem xét các quy trình và tips trên, và tập trung sự chú ý của bạn vào 3 thứ sau: giải trí, tương tác, và xếp hạng.

SEONGON mong bài viết trên sẽ mang lại hiệu quả cho kênh YouTube của bạn.

Bạn cũng có thể xem thêm các chủ đề khác liên quan đến SEO:

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo và đăng ký các lớp học MIỄN PHÍ về SEO của SEONGON Academy để tìm hiểu thêm về cách giúp nội dung của mình lên top cả trên Google tại đây hoặc tham khảo dịch vụ SEO của SEONGON cho doanh nghiệp bạn.

Nguồn: Ahrefs

SEONGON – Google Marketing Agency

Thực hiện bởi: SEONGON – Google Marketing Agency

Tác giả

Tôi không có tài năng đặc biệt nào, tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết về S.E.O

Bình luận

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Các bình luận khác
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bạn có thể liên hệ với chúng tôi, với kinh nghiệm triển khai thành công hàng nghìn chiến dịch quảng cáo chuyển đổi,
SEONGON tự tin có thể giúp bạn tối ưu hiệu quả và tiết kiệm chi phí tối đa với hoạt động quảng cáo.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN