Theo kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương với 3.400 doanh nghiệp trên cả nước trong năm 2010 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp trên cả nước, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực đã tổ chức triển khai ứng dụng thương mại điện tử ở nhiều mức độ và quy mô khác nhau.
Năm 2010 cũng là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001-2010 và cũng là năm kết thúc thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2010 được xây dựng trên cơ sở đánh giá tổng quát tình hình thực hiện các mục tiêu và nhóm giải pháp chính tại Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010, hiện trạng ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp trong năm 2010.
Báo cáo cũng tổng hợp, phân tích, nhận định về hoạt động marketing trực tuyến, một ứng dụng Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Nổi bật trong năm 2010:
1. Khung pháp lý về Thương mại điện tử đã hình thành
Từ năm 2005 đến nay, sau khi Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15 tháng 9 năm 2005, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về lĩnh vực TMĐT liên tục được bổ sung, hoàn thiện.
Văn bản đầu tiên điều chỉnh chuyên sâu về lĩnh vực này là Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội ban hành vào tháng 11 năm 2005, đặt nền tảng pháp lý cơ bản cho các giao dịch điện tử trong xã hội qua việc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu và quy định về chữ ký điện tử…
2. TMĐT đã trở thành ứng dụng quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp
Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương với 3.400 doanh nghiệp trên cả nước trong năm 2010 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp trên cả nước, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực đã tổ chức triển khai ứng dụng TMĐT ở nhiều mức độ và quy mô khác nhau.
Theo kết quả khảo sát, 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã trang bị máy tính, với 98% doanh nghiệp đã kết nối Internet dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó 89% là kết nối bằng băng rộng (ADSL). Trên 81% doanh nghiệp sử dụng email trong hoạt động sản xuất kinh doanh, với tỷ lệ sử dụng của các doanh nghiệp lớn là 96%, doanh nghiệp nhỏ và vừa là 80%. Việc sử dụng các phần mềm chuyên dụng được các doanh nghiệp sử dụng ngày càng nhiều để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh như kế toán (88%), quản lý nhân sự (48%), v.v…
Hầu hết các doanh nghiệp đều chấp nhận việc đặt hàng hoặc nhận đặt hàng qua các phương tiện điện tử, trong đó số lượng doanh nghiệp đặt và chấp nhận đặt hàng thông qua Internet ngày càng tăng. Theo khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp nhận đặt hàng qua email là 52%, qua website đạt 15%, trong khi đó tỷ lệ doanh nghiệp đặt hàng qua email là 53% và qua website là 21%. Các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được và quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề đặc thù trong TMĐT như bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân.
3. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến dần đi vào cuộc sống
Hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được các Bộ ngành, địa phương chú trọng triển khai trong các năm gần đây. Tính đến hết năm 2010, hầu như tất cả các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng website để giao tiếp với công dân và các tổ chức trong xã hội thông qua việc cung cấp những dịch vụ công trực tuyến cơ bản như: cung cấp thông tin về cơ cấu tổ chức, hoạt động của cơ quan; phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; quy trình thủ tục hành chính công; tương tác với tổ chức cá nhân qua website…
Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cơ bản như trên, trong thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đã quan tâm đẩy mạnh việc cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 nhiều dịch vụ có ảnh hưởng lớn tới thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứng nhận thành lập văn phòng đại diện, chứng nhận thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cấp chứng nhận xuất xứ điện tử, thủ tục hải quan điện tử, khai thuế điện tử, đấu thầu qua mạng, v.v…
4. Đào tạo chính quy về thương mại điện tử phát triển
Nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng phát triển của TMĐT, trong thời gian qua các cơ sở đào tạo đã từng bước triển khai hoạt động đào tạo chính quy về TMĐT.
5. Mua bán hàng hóa và dịch vụ phát triển nhanh tại các đô thị lớn
Từ năm 2009 đến nay, việc mua bán qua mạng đã trở thành một hình thức được người tiêu dùng trẻ ưa chuộng, đặc biệt là những người làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, văn phòng tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương trong năm 2010 về tình hình ứng dụng TMĐT tại 500 hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội, 49% hộ gia đình đã kết nối Internet, trong đó 18% cho biết mục đích truy cập Internet có liên quan tới thương mại điện tử và 4% từng sử dụng dịch vụ thanh toán hoặc ngân hàng trực tuyến khi truy cập Internet.
Việc bán hàng trực tuyến được rất nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện, đi đầu là doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng không, du lịch, phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng, v.v… Tới nay, việc mua bán qua mạng đã trở nên khá phổ biến đối với nhiều loại chủng loại hàng hóa và dịch vụ đa dạng như vé máy bay, hàng điện – điện tử, đồ nội thất, điện thoại di động, máy tính, sách, tour du lịch, đặt phòng khách sạn, v.v… Phương thức thanh toán được người bán thực hiện rất linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
>> Bạn muốn đọc toàn bộ nội dung của Báo cáo thương mại điện tử, vui lòng nhấn vào hình dưới để tải trọn bộ Báo cáo thương mại điện tử những năm qua. Ngoài ra bạn cần tư vấn về các dịch vụ quảng cáo hãy liên hệ với SEONGON để được hỗ trợ kinh doanh.
> Xem thêm: