Bản cập nhật mới nhất của Google đã gây chấn động cộng đồng SEO khi dẫn đến hàng loạt lỗi website không rõ nguyên nhân như mất index, bay từ khóa, rớt TOP,… Hiểu được sự hoang mang của nhiều SEOer, hai chuyên gia uy tín Hà Việt Nam và Trần Chí Quyết đã tổ chức buổi Livestream nhằm phân tích chi tiết thực trạng, nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho những vấn đề mà các website đang gặp phải.

1. Bối cảnh Google Update

Kể từ 2023 đến nay, Google đã thực hiện khoảng 12 đợt cập nhật thuật toán lớn khiến nhiều SEOer “chìm nổi” trong việc “đối phó” với thuật toán của Google. Bản cập nhật gần đây cũng được đánh giá là “gắt gao” nhất khi Google tập trung mạnh vào việc đánh giá chất lượng nội dung lõi (core content). Mục tiêu là cải thiện chất lượng kết quả tìm kiếm và giảm thiểu việc thao túng xếp hạng.

Nguyên nhân là bởi vì việc sản xuất nội dung tự động bằng AI ngày càng phổ biến cũng như tình trạng cào bài viết tràn lan mà không đầu tư “chất xám” gia tăng lượng “rác” trên internet. Điều này khiến Google khó khăn hơn trong việc đánh giá và xếp hạng website cũng như dẫn đến sự quá tải trong hệ thống của Google. 

Đối mặt với những thách thức trên, Google buộc phải áp dụng đợt cập nhật “mạnh mẽ” hơn để thay đổi cách thức xử lý dữ liệu và xếp hạng website. Kết quả cho thấy đợt Google Update này đã xử lý các nội dung chất lượng thấp và spam tương đối hiệu quả. Các website không tuân thủ các nguyên tắc chất lượng và nội dung của Google có thể bị giảm thứ hạng hoặc thậm chí bị loại khỏi kết quả tìm kiếm hoàn toàn. Google cũng đưa ra những dự đoán rằng bản cập nhật mới nhất này sẽ giảm 40% nội dung sao chép và chất lượng thấp trong kết quả tìm kiếm. 

Tóm gọn lại, cốt lõi của đợt Google Update này thể hiện rõ content là vấn đề trọng tâm và Google đang bị quá tải. Chính vì thế, hệ thống xếp hạng được cải tiến để ưu tiên nội dung chất lượng cao và loại bỏ những nội dung kém chất lượng, spam.

2. Dự án SEO bị ảnh hưởng như thế nào?

Bản cập nhật mới nhất của Google tập trung vào việc chống nội dung do AI tạo ra chất lượng thấp và chống spam đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án của cộng đồng SEO hiện nay. Điểm qua 7 trường hợp dự án SEO dễ mắc phải nhất vì “cơn bão” Google Update dưới đây. 

2.1. Tình trạng website mất index (một phần hoặc toàn bộ)

Sau khi Google Update, nhiều SEOer gặp phải tình trạng website mất index. Một phần hoặc toàn bộ website không còn xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Google. Những keyword quan trọng và thường xuyên mang về nhiều traffic cho website cũng mất index và khiến cho lượng truy cập website giảm mạnh, ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu và hiệu quả kinh doanh. 

Nguyên nhân gây mất index có thể do nội dung chất lượng thấp, vấn đề kỹ thuật của website hay các hoạt động spam bài viết. Điều này khiến SEOer buộc phải sử dụng thêm các loại Tools, chạy quảng cáo tăng Traffic hoặc chuyển URL. 

Tình trạng mất index “căng thẳng” nhất ở các website mới vì Google rất khắt khe với những đối tượng này. Website mới cần có cấu trúc (sitemap) rõ ràng để dễ dàng điều hướng cho người dùng và bot tìm kiếm của Google. “bức tranh toàn cảnh” của website cần phải được hiện lên rõ ràng, bao gồm: chủ đề, mảng tập trung, sản phẩm dịch vụ,…

2.2. Tình trạng Infor Key bị bay

Một tình trạng khá phổ biến đối với SEOer giữa “bão” Google Update, đó là tình trạng Infor Key bị “bay màu”. Những từ khóa này thường mang lại nguồn Traffic lớn và một khi bị rớt TOP sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của website. Được biết, Infor Key rớt TOP có thể diễn ra ở nhiều hình thức như: Rớt TOP ở chủ đề dọc, chủ đề ngang, rải rác nhiều chủ đề hay toàn bộ website. 

Ví dụ, SEONGON có chủ đề dọc bị rớt TOP là Google Ads thì chỉ bị rớt TOP chủ đề này. Tiếp theo đó, những chủ đề ngang thuộc Google Ads được khai thác với mục đích tăng traffic dễ bị rớt TOP là: startup, tư vấn doanh nghiệp,… Rớt TOP Infor Key ở nhiều chủ đề thì có thể xuất hiện: SEO, Marketing Online, Content Marketing,… Hay rớt top toàn bộ website xảy ra khi Infor Key trên cả website gần như bị “bay màu.”

2.3. Tình trạng HotKey bị bay

Nếu Infor Key là những từ khóa mang lại thông tin sản phẩm, dịch vụ thì Hotkey lại là những từ khóa có lượt tìm kiếm khủng và mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao nhất của ngành. Riêng việc đẩy TOP các từ khóa Hotkey đã là một việc phức tạp đối với SEOer.

Với Google Update, Hotkey của website có thể gặp phải các trường hợp như: Giảm TOP Hot Key trong trang đầu, bay TOP khỏi trang 2,3 hay thậm chí là biến mất hoàn toàn. Điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp cận và chuyển đổi khách hàng tiềm năng của dự án SEO. 

2.4. Tụt TOP một vài chủ đề

Tình trạng tụt TOP một vài chủ đề là vấn đề dễ gặp phải trong “bão” Google Update với một vài chủ đề của website bị phạt, khiến nhiều SEOer “đau đầu”. Nguyên nhân khá đa dạng, có thể kể đến như: Nội dung website cũ, thiếu cập nhật, bị đánh giá là spam, thiếu chất lượng, các lỗi kỹ thuật khác hay website bị “dính” nhiều backlink độc hại,…

2.5. Traffic về 0

Tình trạng traffic về 0 sau Google Update là một vấn đề nghiêm trọng đối với các SEOer khiến lượng truy cập sụt giảm đột ngột và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu cũng như độ uy tín website. Lúc này, Traffic và TOP tụt về số 0, website “biến mất” khỏi kết quả tìm kiếm dù không vi phạm lỗi tác phụ nào. Còn Google index URL nhưng không index nội dung. Nguyên nhân có thể là lỗi cấu trúc, lỗi robots.txt, lỗi sitemap, nội dung kém chất lượng, spam,…

2.6. Kết quả tìm kiếm của Google vẫn trả về nhiều kết quả “rác”

Các biểu hiện dễ thấy nhất của tình trạng này có thể kể đến bao gồm: nội dung “ẩn mình” dù đã index URL và search: cache:”content” thì không ra, website báo lỗi 301 trong Search Console và kể cả audit, submit lại vẫn không hết lỗi. Rất có thể, bài viết đang dính lỗi cache của Google khi chỉ sử dụng dữ liệu cache cũ thay vì cập nhật dữ liệu mới, dẫn đến việc nội dung mới không được hiển thị. Để tránh rớt TOP bài viết hàng loạt và xử lý dứt điểm vấn đề này thì cần đặt lại trạng thái mặc định cho cache để hoạt động chính xác và hiển thị đúng nội dung mới nhất. 

2.7. HTML thấp

HTML thấp tức là website chứa quá nhiều mã HTML, CSS, JavaScript so với nội dung text. Điều này dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực cho website, bao gồm: tốc độ tải trang chậm chạp, trải nghiệm người dùng bị giảm và khiến Google đánh giá thấp website. Với “cơn bão” Google Update, những thuật toán mới nhất ngoài việc loại bỏ những nội dung không hữu ích thì cũng có thể khiến website có nguy cơ mắc lỗi do technical không tốt. 

Dù nội dung sở hữu chất lượng cao, website vẫn có khả năng “bay màu” khỏi kết quả tìm kiếm nếu tỷ lệ HTML thấp. Điều này sẽ khiến cho traffic sụt giảm, uy tín website bị ảnh hưởng cũng như doanh thu tổn hại. SEOer cần giảm thiểu các yếu tố khác xuống dưới 6% Google tập trung vào việc kiểm tra HTML để hiểu rõ hơn về nội dung website.

3. Giải pháp

Tình trạng website mất index, bay từ khóa và rớt top là nỗi ám ảnh của bất kỳ SEOer nào trước “cơn bão” Google Update. Để “cứu vãn” website, hãy thực hiện những cách dưới đây. 

3.1. Mất index 

Có hai trường hợp mất index phổ biến là mất vài từ khóa hoặc mất index cục bộ. Dưới đây là cách giải quyết đối với từng trường hợp. 

3.1.1. Mất index một vài từ khóa

Bơm thêm dữ liệu để bot Google truy cập và đọc bằng cách tăng cường internal link từ các trang khác trong website trỏ đến các trang bị mất index. Tăng traffic từ các kênh social media như: Facebook, Twitter, Instagram,… Có thể sử dụng cú pháp “Cache:URL” để xem lần gần nhất bot Google truy cập vào đường dẫn là khi nào và Google cập nhật gần nhất là nội dung gì.

Review lại các bài viết bị Google loại bỏ để xác định nguyên nhân bị mất index. Thông thường, các bài viết mất index là do một số đoạn trong nội dung có lập luận yếu hoặc không liên quan đến chủ đề chính. Hãy nhớ rằng Google không chỉ “soi” outline mà “soi” cả nội dung của bài viết. Việc cần làm là loại bỏ những đoạn văn không phù hợp và cải thiện nội dung logic, dễ đọc, hữu ích và chính xác hơn. 

3.1.2. Mất index cục bộ

SEOer cần audit tổng quát website để tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng cũng như bot Google tại website với các đầu công việc bao gồm: checklist technical UI UX, kiểm soát số lượng và chất lượng index, backlink, internal link và external link. Những yếu tố này liên quan đến các quá trình crawl (thu thập dữ liệu), index (lập chỉ mục) và render (kết xuất) của công cụ tìm kiếm. Đi kèm đó, các công cụ hỗ trợ có thể là: Ahrefs, SEMrush, Moz, Screaming Frog, Google Search Console,… 

Nếu website có nhiều vấn đề nghiêm trọng, việc đổi domain có thể là giải pháp tối ưu. Việc chọn domain mới cần đảm bảo độ uy tín cao, có liên quan đến chủ đề website. Song, việc này có thể ảnh hưởng đến yếu tố SEO, chính vì thế trong trường hợp không muốn đổi domain, SEOer có thể đổi “https” thành “https://www” và ngược lại trên tất cả các đường dẫn.

Để Google thu thập lại content website, SEOer cần phải sửa ít nhất 20% content với thông tin mới, hình ảnh, video, cấu trúc bài viết, F&Q,… hoặc đổi theme mới tốt hơn với giao diện đẹp mắt, tính năng hiện đại với technical tốt. Tốt nhất nên chọn theme từ các nhà cung cấp uy tín và đảm bảo tương thích với phiên bản WordPress mới nhất.

3.2. Bay từ khóa và rớt TOP

Tình trạng bay từ khóa và rớt top là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến hiệu quả SEO của website, khiến traffic giảm sút đáng kể. Dưới đây là một số giải pháp ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình trạng này.  

3.2.1. Giải pháp ngắn hạn

Có thể sử dụng phương pháp SEO nhanh chóng và hiệu quả giúp khôi phục thứ hạng từ khóa cho website là xóa toàn bộ nội dung mất TOP và submit lại. Tuy nhiên, SEOer cần lưu ý là hãy sao lưu nội dung cần xóa trước khi thực hiện để có thể sử dụng lại nếu cần thiết.

Một phương pháp khác có thể áp dụng là xóa nội dung nhưng chụp lại toàn bộ và up ảnh lên. Phương pháp này giúp giữ lại nội dung cũ nhưng vẫn có thể khôi phục thứ hạng từ khóa. Tuy nhiên, SEOer cần lưu ý là hình ảnh cần phải tối ưu hóa để không ảnh hưởng đến tốc độ tải trang và trải nghiệm của người dùng.

Hoặc SEOer cũng có thể chuyển đổi file text sang định dạng file PDF để có thể giúp cải thiện thứ hạng từ khóa trong một số trường hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì Google vẫn ưu tiên nội dung dạng text hơn.

3.2.2. Giải pháp dài hạn

Phương pháp để xử lý bay từ khóa và rớt TOP dài hạn chính là đảm bảo nội dung content ngắn gọn, cô đọng hơn. Nội dung dài dòng và không đúng trọng tâm sẽ khiến Google đánh giá thấp và hạ thứ hạng từ khóa. Nội dung tối ưu nhất, được Google đánh giá cao sẽ là nội dung ngắn gọn, súc tích, trọng tâm, chính xác, hữu ích và đúng nhu cầu tìm kiếm của người dùng.

Ngoài ra, việc nội dung lâu chưa update, bài viết cũ và bài viết mới không có sự liên kết bằng các internal link cũng khiến website bị rớt TOP. SEOer cần cân nhắc chỉnh sửa, update số liệu, nội dung mới cho bài viết cũ hoặc thậm chí là viết lại toàn bộ nội dung nếu nội dung không đảm bảo. 

Khi website mắc lỗi trong “cơn bão” Google Update, SEOer cần thực hiện audit tổng quát để đánh giá toàn diện tình trạng hiện tại của website. Tiếp theo là xác định các lỗi cụ thể và nguyên nhân gây ra dựa trên dữ liệu thu thập được và tìm cách xử lý từng vấn đề như: cập nhật, chỉnh sửa nội dung hay chỉnh sửa các yếu tố kỹ thuật SEO. Quy trình này sẽ giúp SEOer “bình tâm” vượt qua “cơn bão” Google Update mà vẫn đảm bảo website trụ TOP bền vững. 

4. Hỏi đáp

Câu 1: Làm sao để tăng tỷ lệ HTML?

=> Thuê code, giảm tỷ lệ ở những mảng khác để tăng tỷ lệ HTML. Nghiệm thu lại trong Search Console

Câu 2: Hai anh cho e hỏi là sau đợt update thì ngoài về onpage thì chiến lược offpage có cần lưu ý gì ko ạ? sao cho chất lượng và an toàn hơn

=> Nên audit lại backlink để xem bao nhiêu % đang bị phạt. Sau khi audit cần giảm số lượng backlink xuống và bù bằng những backlink chất lượng (từ báo chí..) để đảm bảo số backlink ở mức ổn.

Câu 3: Brief cho code như thế nào?

=>  Đưa bên code Search Console để check và xử lý các tệp. Có thể vào cài đặt trong Search Console để check tỷ lệ HTML hiện tại -> Đưa ra mục tiêu cho bên code.

Câu 4: Của em bị bay keyword brands thì hướng giải quyết sao anh?

=> Check xem có phải là key brand không hay chỉ là hotkey (tên miền chứa từ khóa hay chứa thương hiệu). Nếu là key brand thì cần audit tổng thể (content, backlink, technical), thường lỗi do link nhiều hơn là content. 

Câu 5: Cách để khắc phục ăn thịt từ khóa là gì vậy anh?

=> Cần chia từ khóa chuẩn, thành từng nhóm nhỏ và tuân theo nguyên tắc: Mỗi từ khóa SEO đúng một trang đích. Sau đó cần có mô hình internal link có thể kiểm soát được. 

Trong trường hợp nguyên nhân là do một ý định tìm kiếm đang tạo ra nhiều content => Nên gộp bài vào hoặc xóa 1 bài đi. 

Câu 6: Traffic user có còn hiệu quả không?

=> Còn hiệu quả nhưng cần quan tâm chất lượng của traffic user. Có nhiều website bán traffic user và sử dụng trình duyệt ảo -> Google sẽ index ra nên sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, trọng số của traffic user giảm rất nhiều so với năm 2018-2019.

=> Nếu đã có nền tảng content, cấu trúc website, từ khóa, technical tốt thì nên quan tâm và test backlink vì đây luôn là trọng số quan trọng. 

Câu 7: Đã đến lúc dùng Gemini thay 80% cho người thật viết content chưa anh. Em đã test 3 tháng nay để Gemini tự lên dàn ý, tự viết bài dựa trên dàn ý. Bài viết sau khi index đều trong top 20 mà chưa cần tối ưu các yếu tố offpage. Vậy đây có phải tín hiệu thay thế của GG?

=> Bây giờ là thời điểm những người trong ngành SEO phải có kỹ năng dùng AI nhưng không nên phụ thuộc và để AI tự lên dàn ý hoặc viết bài. Chỉ nên sử dụng AI để hỗ trợ trong quá trình làm content, chắt lọc những điểm thấy hợp lý và research thêm thông tin trên Google.