Tối ngày 26/6/2025, SEONGON đã tổ chức thành công buổi Webinar đặc biệt với chủ đề: “Google AI Overviews – Chiếm ưu thế trong cuộc đua tìm kiếm mới”. Sự kiện thu hút hơn 300 người tham dự là các marketer, chủ doanh nghiệp và chuyên gia SEO đang tìm lời giải cho câu hỏi lớn: “Làm sao để thương hiệu không bị “vô hình” trong kỷ nguyên tìm kiếm bằng AI?”.
Để giúp người tham dự không chỉ hiểu rõ bản chất của Google AI Overviews mà còn có thể ứng dụng ngay vào chiến lược SEO – Content – Paid Media của doanh nghiệp, chương trình được thiết kế xoay quanh 6 phần nội dung chính, trình bày theo lộ trình từ bức tranh tổng thể đến giải pháp hành động cụ thể:
- Cập nhật mới nhất về Google AI Overviews
- Báo cáo độc quyền về ảnh hưởng của AIO đến hơn 3.000 website tại Việt Nam.
- Bộ giải pháp tổng thể giúp doanh nghiệp tối ưu và xuất hiện trong AI Overviews.
- Cách quảng cáo có thể khai thác AIO để tăng khả năng hiển thị.
- Checklist content cho Google AI Overviews.
- Phần hỏi đáp trực tiếp cùng chuyên gia SEONGON.
Sau đây là nội dung chi tiết của từng phần trong chương trình.
1. Cập nhật mới nhất về Google AI Overviews
Diễn giả: Hoàng Đức Việt – AI Specialist, SEONGON
Mở đầu chương trình, anh Hoàng Đức Việt đã mang đến bức tranh toàn cảnh về Google AI Overviews (AIO) – tính năng tìm kiếm ứng dụng AI tạo sinh đang thay đổi căn bản hành vi tìm kiếm và chiến lược SEO hiện nay.
1.1. Google AI Overviews là gì?
Google AI Overviews là phần trả lời do AI tổng hợp và hiển thị trực tiếp trên trang kết quả tìm kiếm Google. Khi người dùng nhập truy vấn, hệ thống sẽ tự động tạo đoạn nội dung tóm tắt từ nhiều nguồn khác nhau để cung cấp câu trả lời đầy đủ, chính xác.
Cấu trúc AIO gồm ba phần:
- Đoạn thông tin tóm tắt.
- Nội dung mở rộng.
- Danh sách nguồn trích dẫn (dưới dạng link hoặc domain).
1.2. Lịch sử phát triển
Để hiểu rõ hơn về bối cảnh ra đời và tốc độ triển khai của AIO, anh Việt đã điểm lại quá trình phát triển tính năng này trong hệ sinh thái tìm kiếm của Google:
- 05/2023: Google lần đầu công bố Search Generative Experience (SGE) tại sự kiện Google I/O.
- 05/2024: SGE được tái định vị thành Google AI Overviews, bắt đầu thử nghiệm tại Mỹ.
- 10/2024: Google mở rộng AIO ra hơn 100 quốc gia.
- 05/2025: AIO chính thức được triển khai tại Việt Nam.
1.3. Cách AIO hoạt động
AIO hoạt động dựa trên mô hình retrieval-augmented generation (RAG) – sự kết hợp giữa khả năng truy xuất thông tin và AI tạo sinh.
Cụ thể, hệ thống sẽ:
- Phân tích và hiểu ngữ nghĩa của truy vấn người dùng.
- Tìm kiếm nội dung liên quan từ nhiều nguồn uy tín.
- Tạo câu trả lời khái quát, mạch lạc.
- Đính kèm nguồn trích dẫn để đảm bảo tính xác thực.
AIO có thể xuất hiện ở đầu trang kết quả, giữa trang hoặc trong các phân đoạn video.
1.4. Thay đổi trong hành vi người dùng
Việc triển khai AIO đang từng bước định hình lại thói quen tìm kiếm.
- Người dùng đặt câu hỏi cụ thể, tự nhiên và dài hơn trước.
- Số lượng truy vấn không cần click vào website ngày càng tăng (zero-click search).
- Hành trình tìm kiếm rút ngắn: người dùng nhận được câu trả lời ngay trên SERP mà không cần phải chọn lọc kết quả thủ công.
1.5. Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Để giúp doanh nghiệp nhìn rõ hơn bức tranh tác động của AIO, anh Việt đã phân tích cụ thể hai mặt thách thức và cơ hội trong việc thích ứng với công nghệ mới này.
Thách thức:
- Lượng traffic tự nhiên có thể giảm, nhất là với các từ khóa mang tính thông tin.
- Việc đo lường hiệu quả SEO trở nên khó khăn hơn do người dùng không cần click.
- Cạnh tranh khốc liệt trong việc được lựa chọn làm nguồn trích dẫn đáng tin cậy.
Cơ hội:
- Doanh nghiệp có thể trở thành nguồn tham khảo uy tín trong AIO.
- Mở rộng cách tiếp cận: thay vì chỉ tối ưu từ khóa, cần tối ưu toàn bộ hành trình truy vấn.
- Tận dụng “vị trí vàng” trong SERP – nơi thương hiệu được hiển thị trực tiếp và nổi bật mà không cần quảng cáo.
2. Báo cáo độc quyền về ảnh hưởng của Google AI Overviews tại Việt Nam
Diễn giả: Đỗ Tuấn Minh – Business Development Manager, SEONGON
Ở phần thứ hai của chương trình, anh Đỗ Tuấn Minh đã thay mặt AI Center – Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng AI-Automation của SEONGON trình bày một báo cáo độc quyền, lần đầu tiên được công bố, nhằm làm rõ tác động thực tế của Google AI Overviews (AIO) đến hiệu suất tìm kiếm của các website tại Việt Nam.
Đây là một trong những nội dung trọng tâm của webinar, cung cấp cái nhìn định lượng, cập nhật và mang tính định hướng chiến lược cho các doanh nghiệp đang làm SEO và marketing trong bối cảnh mới.
2.1. Mục đích và tác động tổng thể của AIO
Mở đầu báo cáo, anh Minh chia sẻ mục tiêu chính là đánh giá mức độ ảnh hưởng của AIO lên hơn 3.000 website doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn ngay sau khi AIO chính thức được triển khai tại thị trường này.
Một trong những phát hiện nổi bật là tỷ lệ nhấp chuột (CTR) vào kết quả tự nhiên có xu hướng giảm rõ rệt. Lý do là AIO cung cấp trực tiếp câu trả lời tổng hợp ngay trên trang kết quả tìm kiếm, khiến người dùng ít có nhu cầu truy cập vào website hơn.
Điều này dẫn đến sự gia tăng của “zero-click search” – hành vi người dùng tìm thấy thông tin mà không cần nhấp chuột. AIO, vì thế, đang tái định hình toàn bộ cục diện SEO: từ cách người dùng tìm kiếm, đến cách các doanh nghiệp phân phối và đo lường nội dung.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Để đảm bảo độ tin cậy của phân tích, báo cáo được thực hiện theo phương pháp so sánh trước và sau khi AIO xuất hiện tại Việt Nam, với các thông số cụ thể như:
- Thời gian lấy mẫu: 1 tháng trước và 1 tháng sau khi AIO được triển khai.
- Quy mô mẫu: 3.000 website, tương ứng với 1.6 triệu từ khóa.
- Nguồn dữ liệu: Google Search Console, Ahrefs, Google Analytics và đánh giá thủ công.
- Cách tiếp cận: So sánh theo ngành nghề, loại website, vị trí từ khóa và nhóm truy vấn.
Anh Minh lưu ý rằng báo cáo mang tính chất tham khảo, nhưng đủ để phản ánh xu hướng đáng tin cậy nhờ khối lượng mẫu lớn và dữ liệu từ thực tế doanh nghiệp Việt Nam.
2.3. Phân tích tác động chi tiết từ dữ liệu
Tác động đến lưu lượng truy cập (traffic): Một trong những chỉ số quan trọng nhất bị ảnh hưởng là traffic tự nhiên:
- Website B2B giảm trung bình 6.15%. Tuy nhiên, theo SEONGON, AIO giúp loại bỏ các lượt truy cập kém chất lượng, giữ lại những người thực sự có nhu cầu.
- Website B2C chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, với mức giảm 17.49%. Lý do chính là vì B2C phụ thuộc nhiều vào từ khóa thông tin – nhóm truy vấn mà AIO “giành” phần trả lời.
Tần suất xuất hiện AIO theo loại truy vấn và volume tìm kiếm:
- Truy vấn thông tin (informational) chiếm 50% tổng lượng tìm kiếm và có tỷ lệ xuất hiện AIO cao nhất: 44%.
- Truy vấn điều hướng (navigational) chiếm 35% nhưng AIO hầu như không xuất hiện (6%).
- Từ khóa có volume 50–100 là nhóm có khả năng kích hoạt AIO cao nhất (32.24%).
- Chủ đề sản phẩm được AIO ưu tiên hiển thị nhiều hơn so với dịch vụ hay thương hiệu.
SEONGON đưa ra nhận định: “Cuộc chơi SEO đã thay đổi – không còn là xếp hạng #1, mà là trở thành câu trả lời trong AIO.”
Tác động đến tỷ lệ nhấp chuột (CTR):
- AIO làm giảm CTR trên toàn bộ 10 vị trí đầu tiên trong kết quả tự nhiên.
- Vị trí Top 1 sụt giảm mạnh: từ 24.9% còn 17.6%, tương đương mất khoảng 25% giá trị vốn có.
Báo cáo nhấn mạnh: Top 1 không còn là đích đến tối thượng. Chiến lược SEO phải hướng tới chiếm lĩnh toàn bộ trải nghiệm tìm kiếm – không chỉ là thứ hạng.
Tần suất AIO theo ngành nghề:
- Ngành Y tế có tỷ lệ xuất hiện AIO cao nhất: 61.7%.
- Các ngành như Bán lẻ (24.2%), Tài chính (22.9%), Dịch vụ chuyên nghiệp (23.8%) cũng bị ảnh hưởng mạnh.
- Ngành Bất động sản (6.2%) và Ô tô (5.6%) hiện chưa bị tác động nhiều.
Góc nhìn từ SEONGON: các ngành nằm trong nhóm YMYL (Your Money or Your Life) – đặc biệt là Y tế – đang là trọng tâm của AIO. Doanh nghiệp cần xây dựng E-E-A-T mạnh mẽ (Kinh nghiệm – Chuyên môn – Thẩm quyền – Tin cậy) nếu muốn tồn tại và được chọn làm nguồn hiển thị.
Ai được AIO trích dẫn?
Trong 100 kết quả trích dẫn được khảo sát, có tới 32.2% thuộc các website top 10.
Anh Minh kết luận AIO vẫn ưu tiên các kết quả SEO mạnh, nhưng vẫn mở ra cơ hội lớn cho những nội dung chất lượng ngoài top nếu tối ưu đúng cách.
2.4. Tổng kết từ báo cáo
Một số chỉ số nổi bật được SEONGON tổng hợp:
- Giảm 9.2% traffic trung bình khi truy vấn có AIO.
- Tần suất AIO xuất hiện: 39% trên tổng truy vấn.
- Trung bình 6–7 nguồn trích dẫn/link cho mỗi kết quả AIO.
- Từ khóa volume 50–100 dễ kích hoạt AIO nhất.
- 32% nguồn trích dẫn trong AIO đến từ các website đang nằm trong top 10.
- Ngành Y tế là lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh nhất.
- Top 1 giảm 25% CTR khi AIO hiển thị.
3. Bộ giải pháp tối ưu Google AI Overviews (AIO) toàn diện từ SEONGON
Diễn giả: Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc sản xuất, Head of AI Center, SEONGON
Ở phần trọng tâm thứ ba của chương trình, anh Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ hệ thống giải pháp chuyên sâu do SEONGON phát triển nhằm giúp doanh nghiệp không chỉ “sống sót”, mà còn tận dụng Google AI Overviews (AIO) như một lợi thế cạnh tranh mới trong SEO.
Giải pháp này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu chuyên sâu từ AI Center và thực tiễn triển khai tại các dự án thử nghiệm của SEONGON, xoay quanh 4 trụ cột chiến lược: Technical – Query Fan-out – Content ngữ nghĩa – Brand.
3.1. Trụ cột 1: Technical – Đảm bảo nền tảng kỹ thuật vững chắc
AIO không thay thế SEO truyền thống, mà hoạt động dựa trên nền móng của những yếu tố kỹ thuật cốt lõi. Website cần đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật để AI có thể hiểu, đánh giá và trích dẫn thông tin một cách chính xác.
Các hạng mục kỹ thuật cần ưu tiên:
- Technical SEO cơ bản:
- Tối ưu tốc độ tải trang
- Đảm bảo thân thiện với thiết bị di động
- Xây dựng cấu trúc website rõ ràng, logic
- Tăng khả năng crawl và index của bot Google
- Technical AI nâng cao:
- Tối ưu trang giới thiệu và hồ sơ chuyên gia (Author profile)
- Triển khai đầy đủ các schema phù hợp (FAQ, HowTo, Product…)
- Xử lý triệt để JavaScript để tăng khả năng đọc hiểu của AI crawler
3.2. Trụ cột 2: Query Fan-out – Tái tư duy từ khóa theo hành vi tìm kiếm mới
Trong bối cảnh người dùng đặt câu hỏi ngày càng dài, cụ thể và hội thoại hơn, việc chỉ tập trung vào từ khóa chính không còn đủ. Doanh nghiệp cần mở rộng phạm vi truy vấn và tổ chức nội dung theo cụm logic dựa trên ý định tìm kiếm thực sự.
Chiến lược triển khai Query Fan-out bao gồm:
- Thu thập dữ liệu truy vấn mở rộng:
- Sử dụng các công cụ như AnswerThePublic, AlsoAsked, Reddit…
- Tập trung vào truy vấn dạng câu hỏi thay vì từ khóa đơn lẻ
- Phân tích & tổ chức truy vấn:
- Phân loại theo intent: Biết (Know), Làm (Do), Đi (Go), Mua (Buy)
- Mỗi truy vấn chính được mở rộng thành 5–10 truy vấn phụ
- Mỗi truy vấn được gắn với một block nội dung 150–300 từ
- Xây dựng bài viết:
- Kết hợp các block thành bài viết toàn diện, bám sát hành trình người dùng
- Đảm bảo tính kết nối thông tin và tính bao phủ nội dung
3.3. Trụ cột 3: Content ngữ nghĩa – Viết để AI hiểu và trích dẫn
Thành công trong AIO phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và cấu trúc ngữ nghĩa của nội dung. Nội dung không chỉ cần hữu ích cho người đọc mà còn phải dễ dàng phân tích và đánh giá với AI.
Chiến lược sản xuất nội dung theo hướng ngữ nghĩa bao gồm:
- Trả lời toàn diện 5W1H: Who, What, When, Where, Why, How
- Xây dựng cụm chủ đề (Topic Cluster):
- Một trang tổng quan (Pillar Page) liên kết đến các bài viết chuyên sâu
- Tạo mạng lưới nội dung nội bộ để thể hiện chuyên môn
- Tối ưu đoạn văn theo logic truy vấn:
- Mỗi đoạn phản hồi một truy vấn duy nhất
- Viết theo cấu trúc ngữ nghĩa rõ ràng: Chủ ngữ – Động từ – Tân ngữ
- Tạo sự khác biệt trong nội dung:
- Cung cấp góc nhìn mới hoặc số liệu đáng tin cậy
- Dùng hình ảnh, bảng biểu và bullet giúp AI dễ đọc hiểu
- Sử dụng box tóm tắt nội dung để tăng khả năng hiển thị AIO/Featured Snippet
- Tích hợp CTA chiến lược:
- Soft CTA giữa bài liên quan đến nội dung
- Strong CTA cuối bài thúc đẩy chuyển đổi
- Gắn anchor text đúng với insight của truy vấn
- Ứng dụng AI đúng cách:
- Không dùng AI để tạo nội dung hàng loạt
- Sử dụng AI để tối ưu cấu trúc, cải thiện chất lượng, kiểm tra ngữ nghĩa và độ bao phủ
3.4. Trụ cột 4: Brand – Xây dựng tín hiệu thẩm quyền để được AIO trích dẫn
Cuối cùng, nội dung dù hay đến đâu vẫn cần được hỗ trợ bởi độ tin cậy của thương hiệu. AI ngày càng ưu tiên những nguồn đáng tin cậy trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt với nhóm ngành YMYL (Your Money or Your Life).
Các yếu tố cần xây dựng để tăng độ tin cậy với AI:
- Tối ưu hóa Author Bio thể hiện rõ chuyên môn người viết
- Củng cố tín hiệu E-E-A-T: kinh nghiệm, chuyên môn, thẩm quyền và sự tin cậy
- Thu thập đánh giá tích cực và xây dựng backlink từ các nguồn uy tín
- Đảm bảo website có sự hiện diện ổn định và nhất quán trên nhiều kênh
Tổng kết những điểm nổi bật từ bộ giải pháp
- Hơn 70% yếu tố giúp tối ưu AIO nằm ở chiến lược nội dung
- AIO không thay thế SEO truyền thống, nhưng đang tái định nghĩa lại cuộc chơi
- Mục tiêu không còn chỉ là “Top 1” mà là “trở thành câu trả lời được trích dẫn trong AIO”
- Cơ hội vẫn rộng mở, kể cả với những website ngoài top 10 nếu nội dung đủ chất lượng
SEONGON hiện triển khai chương trình thử nghiệm AIO Leading, gồm các giai đoạn Alpha – Beta – Release. Trong đó, giai đoạn Beta 30 ngày tập trung cải tiến bộ từ khóa, xây dựng nội dung mới theo chuẩn AIO, thực thi chiến lược content đa kênh và củng cố tín hiệu thẩm quyền, với mục tiêu giúp 50% bộ từ khóa của doanh nghiệp được trích dẫn trong Google AI Overviews.
4. Cách quảng cáo có thể khai thác AIO để tăng khả năng hiển thị
Diễn giả: Nguyễn Kim Thúy – Head of Ads Optimization, SEONGON
Trong bối cảnh hành vi tìm kiếm đang thay đổi mạnh mẽ dưới ảnh hưởng của Google AI Overviews (AIO), quảng cáo không còn đóng vai trò hỗ trợ đơn thuần cho SEO mà trở thành một phần thiết yếu trong chiến lược chiếm lĩnh kết quả tìm kiếm. Phần chia sẻ của chị Nguyễn Kim Thúy đã chỉ ra một cách hệ thống những cơ hội mới mà AIO mang lại cho quảng cáo, và cách doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả.
4.1. AI Overviews: Làm thay đổi vị thế của quảng cáo trên SERP
Sự ra đời của AIO khiến bức tranh SERP trở nên chật chội hơn bao giờ hết. Khi người dùng được cung cấp câu trả lời trực tiếp trên trang kết quả, họ có xu hướng không cần nhấp vào bất kỳ liên kết nào kể cả những kết quả SEO vốn từng được xem là “vị trí vàng”.
Trong bối cảnh đó, quảng cáo lại nổi lên như một trong số ít điểm chạm còn lại để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng chủ động tìm kiếm. Các nghiên cứu cho thấy:
- Tỷ lệ nhấp (CTR) vào kết quả SEO đang sụt giảm rõ rệt.
- Các truy vấn có AIO thường thiếu vắng quảng cáo, hoặc có CPC rất thấp, tạo ra khoảng trống tiềm năng cho Paid Ads.
- Người dùng đánh giá cao quảng cáo xuất hiện trong AIO, khi nó giúp họ nhanh chóng kết nối với sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp tại thời điểm họ đang có nhu cầu rõ rệt.
AIO không loại bỏ quảng cáo. Thực tế, Google vẫn tiếp tục mở rộng các vị trí dành cho Paid Ads trong AIO nhưng với kỳ vọng cao hơn về tính liên quan, tính tự nhiên, và khả năng thúc đẩy hành vi.
Một quảng cáo trong AIO hiệu quả cần đáp ứng ba mục tiêu chính:
- Hiển thị đúng người, đúng lúc: Xuất hiện khi người dùng vừa hoàn tất truy vấn, với nội dung quảng cáo gắn liền với thông tin họ vừa tiếp nhận.
- Tối ưu hóa lượt nhấp: Thiết kế nội dung và định dạng sao cho quảng cáo trở thành bước logic tiếp theo trong hành trình tìm kiếm.
- Tăng chuyển đổi: Gắn với các trang đích phù hợp và lời kêu gọi hành động rõ ràng để biến sự quan tâm thành hành động.
4.2. Những chiến dịch đủ điều kiện xuất hiện trong AIO
Hiện tại, theo thử nghiệm từ thị trường Mỹ, Google cho phép quảng cáo từ một số loại chiến dịch hiển thị trong AI Overviews, gồm:
- Search Campaigns với từ khóa dạng mở rộng.
- Performance Max – chiến dịch tối ưu hóa đa kênh.
- Shopping Campaigns dành cho thương mại điện tử.
- AI Max định dạng quảng cáo đang được Google thử nghiệm riêng cho môi trường AI.
4.3. Google Ads AI Essentials 2.0: Bộ công cụ để thích nghi và tăng tốc
Để giúp doanh nghiệp chủ động đón đầu AIO, SEONGON giới thiệu bộ giải pháp Google Ads AI Essentials 2.0 tập trung vào 3 trụ cột chính.
1. Nền tảng dữ liệu AI (AI Data Strength)
Đảm bảo Google có đủ dữ liệu chất lượng để huấn luyện thuật toán quảng cáo:
- Cài đặt và khai thác triệt để Google Analytics 4 (GA4).
- Kích hoạt Enhanced Conversions và Import dữ liệu chuyển đổi ngoại tuyến.
- Áp dụng mô hình đo lường tổng hợp (MMM) như Meridian.
- Phân bổ ngân sách dựa trên dữ liệu hiệu suất quá khứ (GA4 Budget Planner).
2. Năng lực nội dung AI (AI Content Strength)
Sáng tạo nội dung phù hợp với hành vi tìm kiếm mới:
- Sử dụng Asset Studio, Veo, Imagen để sản xuất nội dung có thể tái sử dụng trên nhiều định dạng.
- Kết hợp nội dung SEO và nội dung trả phí theo định hướng trải nghiệm người dùng.
- Tối ưu quảng cáo video không thể bỏ qua để mở rộng nhận diện thương hiệu.
3. Hiệu suất quảng cáo AI (AI Performance Strength)
Kích hoạt các định dạng chiến dịch mang tính tương tác và mở rộng phạm vi tiếp cận:
- Search (AI Max): Tự động mở rộng truy vấn tìm kiếm liên quan.
- Demand Gen: Khai thác video, đối tượng tương tự, và kiểm soát kênh phân phối.
- Performance Max: Tối ưu đa điểm chạm và khai thác các URL mở rộng.
Lộ trình phát triển và hành động cần thiết
Dựa trên lịch sử triển khai AIO, SEONGON nhận định quảng cáo trong AI Overviews sẽ:
- Bắt đầu được mở rộng toàn cầu trong nửa cuối năm 2025.
- Xuất hiện trên cả Mobile và Desktop, trước tiên ở thị trường nói tiếng Anh.
- Nhân rộng tại các quốc gia khác trong đó có Việt Nam vào năm 2026.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị từ bây giờ bằng cách:
- Chuẩn hóa dữ liệu bên thứ nhất (1st-party data) phục vụ AI học máy.
- Tái cấu trúc nội dung quảng cáo theo hành vi tìm kiếm hội thoại.
- Triển khai các chiến dịch có khả năng tích hợp cao với AI và tự động hóa.
5. Checklist content cho Google AI Overviews
Diễn giả: Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Vận hành SEONGON
AI Overviews đang làm thay đổi căn bản cách nội dung được đọc, hiểu và hiển thị trên Google. Thay vì chỉ tối ưu từ khóa để lên Top, chiến lược nội dung hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải thiết kế thông tin phù hợp với cả người đọc và thuật toán AI. Trong phần trình bày này, chị Nguyễn Thị Vân đã hệ thống lại cách tiếp cận nội dung dựa trên thực tiễn triển khai của SEONGON, tổng hợp từ 3 trụ cột quan trọng: Content ngữ nghĩa, Query Fan-out và Brand.
5.1. Tư duy nội dung hiện đại: Từ keyword-first sang content-first
Trước sự thay đổi mạnh mẽ của hành vi tìm kiếm, cách tiếp cận nội dung truyền thống dựa trên từ khóa không còn đủ. Doanh nghiệp cần chuyển sang mô hình “content-first” – lấy nội dung làm trung tâm, dựa trên chủ đề và ý định tìm kiếm.
- Định vị lại trọng tâm nội dung: Không còn tối ưu theo từ khóa đơn lẻ, chiến lược content hiện đại cần tổ chức thông tin theo bối cảnh, thực thể (entity) và chủ đề (topic). Đây là nền tảng để AI có thể hiểu được độ sâu và chiều rộng của nội dung.
- Trả lời đầy đủ 5W1H: Nội dung cần mang tính bao quát và có khả năng giải đáp triệt để các câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào? – từ đó trở thành nguồn thông tin có thẩm quyền và đáng tin cậy.
- Xây dựng hệ thống Topic Cluster: Thay vì các bài viết rời rạc, hãy quy hoạch nội dung theo cụm chủ đề, liên kết logic giữa Pillar Page và các bài Cluster để tăng cường tính chuyên sâu và độ phủ.
5.2. Mở rộng truy vấn và tối ưu theo hành vi tìm kiếm: Ứng dụng kỹ thuật Query Fan-Out
Để nắm bắt trọn vẹn nhu cầu tìm kiếm đa dạng của người dùng, doanh nghiệp cần triển khai chiến lược Query Fan-Out – mở rộng truy vấn từ một chủ đề cốt lõi thành các câu hỏi liên quan, sát với hành vi thực tế.
- Chuyển dịch từ keyword sang truy vấn và ý định: Sử dụng các công cụ như Answer The Public, AlsoAsked, Reddit để khám phá hệ sinh thái truy vấn dạng câu hỏi và nhóm theo intent (Know – Do – Go – Buy).
- Xây dựng bản đồ truy vấn đa tầng: Với mỗi truy vấn chính, xác định 5–10 truy vấn liên quan và cấu trúc thành cây nội dung có phân tầng rõ ràng.
- Phân mảnh và tái cấu trúc nội dung theo logic ngữ nghĩa:
- Mỗi đoạn nội dung giải quyết một truy vấn cụ thể.
- Viết theo cấu trúc Subject – Predicate – Object để tăng khả năng đọc hiểu cho cả người và AI.
- Sắp xếp các khối nội dung thành bài viết toàn diện theo hành trình người dùng.
5.3. Khác biệt hóa nội dung để tạo dấu ấn và giá trị mới
Trong thế giới nơi AI có thể tổng hợp mọi thứ, điều quan trọng là nội dung của bạn phải có dấu ấn riêng. Sự khác biệt, chiều sâu và tính mới là yếu tố để nội dung được lựa chọn và trích dẫn.
- Tạo góc nhìn độc đáo: Không lặp lại nội dung đã có sẵn, mỗi bài viết cần mang lại một cách nhìn riêng, một góc phân tích chuyên sâu hoặc quan điểm từ chuyên gia.
- Chứng minh bằng dữ liệu đáng tin cậy: Nội dung cần được củng cố bằng số liệu, dẫn nguồn từ các nghiên cứu học thuật hoặc tổ chức uy tín như Harvard, Statista…
- Tối ưu trải nghiệm tiếp nhận thông tin:
- Sử dụng hình ảnh minh họa, bảng biểu, video phù hợp.
- Đặt box tóm tắt ở đầu hoặc cuối bài.
- Mỗi bài viết nên có ít nhất 3 ý tưởng mới chưa xuất hiện trong top 10 kết quả hiện có.
5.4. Tối ưu để AI không chỉ đọc – mà còn hiểu và tin tưởng
Việc xuất hiện trong AIO không chỉ phụ thuộc vào chất lượng nội dung mà còn là cách bạn trình bày nội dung đó để AI dễ dàng hiểu và tin tưởng.
- Ngôn ngữ tự nhiên, diễn đạt rõ ràng: Tránh các cấu trúc cầu kỳ, diễn đạt đúng trọng tâm của truy vấn.
- Tổ chức nội dung có cấu trúc: Hệ thống tiêu đề H2, H3 hợp lý, kết hợp bullet/numbered list để tách ý rõ ràng.
- Dữ liệu có cấu trúc (Schema): Áp dụng FAQ, HowTo, Review… để giúp AI phân loại nội dung chính xác hơn.
- Tăng tín hiệu E-E-A-T:
- Tối ưu hồ sơ tác giả, thể hiện chuyên môn rõ ràng.
- Gia tăng các tín hiệu thẩm quyền qua liên kết ngoài và phản hồi từ cộng đồng (backlink, review).
5.5. Tích hợp CTA chiến lược theo hành trình truy vấn
Một nội dung tốt cần không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, mà còn phải định hướng hành động. CTA cần được thiết kế chiến lược, phù hợp với từng giai đoạn trong hành trình truy vấn.
- Soft CTA giữa bài: Tạo điểm chạm nhẹ nhàng, liên quan trực tiếp tới nội dung đang đề cập.
- Strong CTA cuối bài: Dẫn dắt hành động cụ thể (tư vấn, mua hàng, đăng ký…).
- Anchor Text thông minh: Gắn đúng insight, tăng tỷ lệ tương tác tự nhiên.
5.6. Quy trình sản xuất nội dung chuẩn AIO
Tối ưu hóa cho AIO không thể là hành động đơn lẻ, mà phải trở thành một quy trình bài bản, được triển khai xuyên suốt từ bước nghiên cứu đến đo lường hiệu quả.
- Nghiên cứu và phân loại từ khóa.
- Phân tích Search Intent chuyên sâu.
- Khai thác insight người dùng.
- Lập cây truy vấn và chiến lược nội dung.
- Lên dàn ý theo hành trình và logic truy vấn.
- Viết bài + Tối ưu ngôn ngữ + Tối ưu AIO.
- Đăng tải + Theo dõi hiệu quả + Tối ưu liên tục.
5.7. Ứng dụng AI để nâng chất lượng – không chỉ tăng số lượng
AI không nên chỉ được dùng để tạo ra nhiều nội dung nhanh hơn, mà là công cụ hỗ trợ nâng cao chất lượng, từ cấu trúc đến khả năng hiểu máy.
- Dùng AI như một cộng sự chiến lược: AI hỗ trợ mở rộng ý tưởng, kiểm tra logic ngữ nghĩa và đánh giá mức độ thân thiện với AIO.
- Mục tiêu nội dung giai đoạn mới: Mỗi bài viết cần đáp ứng cùng lúc 4 yêu cầu: Thỏa mãn người dùng, đúng insight doanh nghiệp, chuẩn SEO, và thân thiện với hệ thống AI.
Phần chia sẻ của chị Nguyễn Thị Vân không chỉ mang đến một bản đồ chiến lược nội dung mới, mà còn giúp các doanh nghiệp nhìn thấy rõ ràng hướng đi thực tiễn để chiếm ưu thế trong cuộc chơi tìm kiếm đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của AIO.
6. Q&A – Giải đáp cùng chuyên gia SEONGON
6.1. Câu hỏi 1
Câu hỏi từ chị Trần Bích Ngọc, Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Lam: “Google chọn nội dung từ nguồn nào để hiển thị trong AI Overviews? Liệu có tiêu chí rõ ràng hay hoàn toàn phụ thuộc vào thuật toán?”
Câu trả lời của anh Hoàng Đức Việt: Google AI Overviews không trích xuất thông tin một cách ngẫu nhiên, mà khai thác từ các “bể dữ liệu” lớn trong hệ sinh thái của Google, điển hình là: Google Index, Google Knowledge Graph (KG), YouTube và các nền tảng sở hữu khác.
Quá trình chọn lọc và hiển thị thông tin của AIO bao gồm hai bước then chốt:
- Lọc dữ liệu (Filtering): Google sử dụng thuật toán để xác định các nguồn nội dung đáng tin cậy, có cấu trúc rõ ràng và phù hợp với ý định tìm kiếm.
- Xếp hạng (Ranking): Trong số các nguồn đã được chọn, hệ thống tiếp tục đánh giá và xếp hạng dựa trên các tiêu chí như mức độ phù hợp với truy vấn, độ uy tín nội dung, các tín hiệu E-E-A-T (Kinh nghiệm – Chuyên môn – Thẩm quyền – Tin cậy), và tính liên kết ngữ nghĩa.
Tuy không công khai thuật toán chi tiết, nhưng Google vẫn tuân theo một hệ thống đánh giá nhất định. SEONGON hiện đang chủ động nghiên cứu và thử nghiệm để hiểu sâu hơn về cơ chế này, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu khả năng xuất hiện trong AI Overviews một cách chiến lược và bài bản.
6.2. Câu hỏi 2
Câu hỏi từ chị Hương, Ngân hàng Vietcombank: “Hiện có công cụ nào giúp nghiên cứu toàn bộ hành vi tìm kiếm của người dùng không? Vì xu hướng hiện nay là người dùng đặt những câu hỏi rất khó đoán, không còn đơn thuần là từ khóa nữa.”
Trả lời từ anh Nguyễn Văn Phúc: Đây là một câu hỏi rất thực tế và phản ánh rõ sự chuyển dịch trong hành vi tìm kiếm. Thay vì tìm theo keyword, người dùng giờ đây có xu hướng đặt ra các câu hỏi cụ thể, thậm chí rất cá nhân hóa. Điều này khiến việc nghiên cứu nhu cầu tìm kiếm trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Thực tế, hiện tại chưa có công cụ nào trên thị trường có thể bao quát toàn bộ hệ sinh thái truy vấn của người dùng một cách hoàn chỉnh. Các công cụ phổ biến như Google Keyword Planner, SEMrush, Ahrefs… chỉ cho cái nhìn một phần – thường là tập trung vào những từ khóa có lượng tìm kiếm cao hoặc đã được lập chỉ mục rõ ràng.
Tuy nhiên, SEONGON đã nhận thấy khoảng trống này và đang tập trung nghiên cứu chuyên sâu để phát triển một phương pháp tiếp cận mới – dựa trên truy vấn người dùng thực tế thay vì chỉ dựa vào keyword. Dự kiến trong thời gian tới, SEONGON sẽ công bố một giải pháp dữ liệu nội bộ có khả năng giúp doanh nghiệp:
- Khai phá tập truy vấn theo hướng câu hỏi và ngữ cảnh.
- Nhóm truy vấn theo ý định (intent): Know – Do – Go – Buy.
- Tạo cây nội dung logic theo hành trình người dùng.
Đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc thích nghi với thời đại hậu-keyword, nơi hiểu đúng truy vấn của người dùng mới là chìa khóa để được AIO lựa chọn và trích dẫn.
6.3. Câu hỏi 3
Câu hỏi tiếp theo tiếp tục đến từ chị Hương, Ngân hàng Vietcombank: “AI Overviews và AI Mode có phải là một không? Hay AI Mode chỉ là bản nâng cấp của AI Overviews?”
Trả lời từ anh Hoàng Đức Việt: Đây là một câu hỏi rất sắc sảo, chạm đúng vào điểm mà nhiều marketer và SEOer hiện nay cũng đang tò mò. Trên thực tế, AI Overviews và AI Mode nên được xem là hai sản phẩm khác nhau của Google, dù trong một số trường hợp, chúng có thể sử dụng những thuật toán hoặc nền tảng dữ liệu tương đồng.
- AI Overviews là tính năng được hiển thị trực tiếp trong trang kết quả tìm kiếm (SERP), giúp người dùng nhận được câu trả lời tổng hợp nhanh chóng từ nhiều nguồn khác nhau. Nó là bước đầu tiên trong việc tích hợp AI vào hành vi tìm kiếm truyền thống.
- Trong khi đó, AI Mode là một trải nghiệm tìm kiếm hoàn toàn mới, mang tính truy vấn liền mạch (conversational search) – nơi người dùng có thể tương tác với công cụ tìm kiếm theo dòng hội thoại, giữ được trạng thái truy vấn xuyên suốt.
Ví dụ thực tế: Giả sử bạn đang tìm thông tin để lên kế hoạch du lịch:
- Với AI Overviews, bạn nhận được một bản tóm tắt gợi ý điểm đến, thời điểm, khách sạn… nhưng mỗi truy vấn vẫn độc lập.
- Còn với AI Mode, bạn có thể tiếp tục hỏi “Có khách sạn nào gần đó phù hợp với gia đình không?” và công cụ sẽ ghi nhớ bối cảnh truy vấn trước đó, từ đó đưa ra câu trả lời liên kết hơn.
Điều đó có nghĩa là AI Mode đòi hỏi mức độ tối ưu hóa cao hơn nhiều, vì nó đánh giá nội dung trong ngữ cảnh truy vấn kéo dài, chứ không chỉ đơn lẻ như AIO.
Tuy nhiên, chị và các doanh nghiệp có thể yên tâm. SEONGON đã nhận diện AI Mode từ rất sớm, thậm chí trước cả khi Google công bố chính thức. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian nghiên cứu sâu về AI Mode và đang triển khai thử nghiệm các chiến lược tối ưu phù hợp với dạng tìm kiếm mới này.
6.4. Câu hỏi 4
Câu hỏi đến từ bạn Hayden và chị Trang: “Mình nên dùng công cụ nào để theo dõi từ khóa xuất hiện trong AI Overviews?”
Trả lời từ anh Nguyễn Văn Phúc: Đây là một nhu cầu hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn các doanh nghiệp bắt đầu theo dõi hiệu quả SEO không chỉ theo thứ hạng truyền thống, mà còn trên các hệ thống tìm kiếm tích hợp AI như Google AI Overviews (AIO).
Hiện tại, chưa có một công cụ nào “chuyên biệt hoàn toàn” cho AIO, nhưng bạn hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ quen thuộc để gián tiếp đo lường và theo dõi sự hiện diện từ khóa trên AIO: Ahrefs, SEMrush, Keyword.com, SERanking…
Tại SEONGON, chúng tôi đang sử dụng kết hợp nhiều công cụ và phát triển phương pháp theo dõi riêng, đồng thời liên tục cập nhật thử nghiệm trên từng ngách ngành để đánh giá độ hiệu quả của từng bộ từ khóa trong AIO. Trong tương lai gần, SEONGON sẽ công bố hệ thống theo dõi chuyên sâu hơn cho cộng đồng sử dụng.
Google AI Overview không đơn thuần là một bản cập nhật giao diện tìm kiếm, đây là bước ngoặt trong cách Google lựa chọn, tổng hợp và phân phối thông tin cho người dùng. Trong bối cảnh đó, việc giữ thứ hạng cao không còn là mục tiêu duy nhất. Điều doanh nghiệp cần hướng tới, là trở thành câu trả lời đáng tin cậy nhất trong mắt AI.
Báo cáo này là một phần trong hành trình mà SEONGON cùng các doanh nghiệp đồng hành để hiểu sâu, hành động đúng, thích nghi nhanh trước làn sóng mới từ Google. Và để giúp bạn không chỉ “cập nhật xu hướng”, mà còn dẫn đầu trên mặt trận tìm kiếm AI, SEONGON đã phát triển dịch vụ SEO mới chuyên biệt cho thời kỳ AIO.
Nếu bạn muốn nội dung của mình được AI chọn để hiển thị, hãy để SEONGON đồng hành cùng bạn ngay từ bây giờ. Tìm hiểu giải pháp SEO mới của SEONGON: SEO không còn chỉ là lên Top. SEO bây giờ là giành được niềm tin từ cả người dùng lẫn trí tuệ nhân tạo.