18 hình thức quảng cáo phổ biến có mặt trong mọi Marketing Plan

Chia sẻ bài viết

Hình thức quảng cáo là cách thức một thông điệp quảng cáo được truyền đạt tới đối tượng mục tiêu. Theo sự phát triển của thời đại, ngày càng có nhiều loại hình quảng cáo mới ra đời. Dưới đây là những chia sẻ chi tiết về các hình thức quảng cáo phổ biến và mới nhất hiện nay.

1. Quảng cáo và hình thức quảng cáo là gì?

Quảng cáo là hình thức truyền thông để giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ hay công ty đến công chúng mục tiêu. Đây là hoạt động truyền thông phi trực tiếp để truyền thông tin đến khách hàng nhằm thu hút sự chú ý, tạo ra nhu cầu và thuyết phục hoặc tác động đến hành vi sử dụng sản phẩm của khách hàng. 

Hình thức quảng cáo là phương pháp hoặc phương tiện được sử dụng để truyền tải thông điệp quảng cáo đến người tiêu dùng. Có nhiều hình thức quảng cáo, mỗi hình thức sẽ sử dụng những kênh, phương tiện và chiến lược khác nhau để tiếp cận và thu hút khách hàng tiềm năng.

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày một khốc liệt, hành vi người dùng liên tục thay đổi, xu hướng phát triển của các hình thức quảng cáo có sự biến động. Cùng tìm hiểu về những cập nhật mới nhất hiện nay của các hình thức quảng cáo nhé! 

Grab sử dụng hình thức quảng cáo trên phương tiện giao thông

Nguồn ảnh: drivadz.vn

2. Các hình thức quảng cáo truyền thống

Quảng cáo truyền thống là những hình thức quảng cáo đã xuất hiện từ lâu và vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Đặc điểm của loại hình này thường tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để tiếp cận một lượng lớn người tiêu dùng.

2.1. Quảng cáo trên truyền hình 

Với quảng cáo trên truyền hình các doanh nghiệp, tổ chức sẽ sử dụng các đoạn video ngắn (thường từ 15 đến 60 giây) được phát trên các kênh truyền hình để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ hoặc thông điệp truyền thông của họ. Đây là một phương tiện có hiệu quả cao, có thể tiếp cận số lượng lớn khán giả, đặc biệt là trong các khung giờ vàng (prime time), khi số lượng người xem cao.

Quảng cáo trên truyền hình luôn được nhiều doanh nghiệp quan tâm

Có 4 loại hình quảng cáo truyền hình phổ biến: 

  • Quảng cáo TV Spot: Đây là hình thức phổ biến nhất, là các đoạn quảng cáo ngắn phát xen kẽ giữa các chương trình truyền hình.
    Ví dụ: Trong chương trình phim truyền hình dài tập, có thể có một đoạn quảng cáo 30 giây về sản phẩm nước giải khát, phát trong thời gian nghỉ giữa chừng.
  • Quảng cáo tài trợ chương trình: Một doanh nghiệp tài trợ toàn bộ hoặc một phần của chương trình truyền hình. Thông tin về nhà tài trợ được công bố trước, trong hoặc sau chương trình.
    Ví dụ: Một thương hiệu xe hơi tài trợ chương trình thể thao và tên thương hiệu cùng câu khẩu hiệu của nhãn hàng được nhắc đến vào đầu và cuối chương trình.
  • Quảng cáo sản phẩm trong chương trình: Thương hiệu, sản phẩm xuất hiện trực tiếp trong nội dung của chương trình hoặc phim truyền hình một cách tự nhiên không tạo cảm giác khó chịu cho khán giả.
    Ví dụ: Trong một bộ phim, diễn viên sử dụng một mẫu điện thoại của thương hiệu nổi tiếng tức là thương hiệu đang được nhắc đến một cách tự nhiên thông qua bộ phim.
  • Quảng cáo “infomercial”: Là các đoạn video dài (thường từ 5 đến 30 phút) giới thiệu chi tiết về sản phẩm, thường đi kèm với hướng dẫn cách mua hoặc dùng thử sản phẩm. Tuy nhiên, hình thức này không còn phổ biến ở hiện tại.
    Ví dụ: Một chương trình phát sóng giới thiệu về một loại máy tập thể dục tại nhà, trong đó có phần trình diễn cách sử dụng và các ưu đãi giảm giá.

2.2. Quảng cáo qua điện thoại 

Quảng cáo qua điện thoại là hình thức quảng cáo mà doanh nghiệp hoặc cá nhân sử dụng cuộc gọi, tin nhắn văn bản (SMS) để truyền tải thông điệp quảng cáo trực tiếp tới người dùng. Đây là cách tiếp cận mang tính cá nhân hóa cao và cho phép doanh nghiệp kết nối trực tiếp với khách hàng tiềm năng. 

  • Ví dụ về quảng cáo qua cuộc gọi: Một công ty bảo hiểm nhân thọ gọi điện cho khách hàng để tư vấn các gói bảo hiểm mới. Trong cuộc gọi, nhân viên sẽ giới thiệu lợi ích của các gói sản phẩm và mời khách hàng đăng ký.
  • Ví dụ về quảng cáo qua SMS: SmartTravel gửi tin nhắn về các ưu đãi mua sắm hấp dẫn dành cho khách hàng.

Quảng cáo qua điện thoại cần tinh tế và khéo léo để không khiến người dùng thấy khó chịu

Quảng cáo qua SMS của SmartTravel

2.3. Quảng cáo trên radio 

Quảng cáo trên radio là hình thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ thông qua các chương trình phát thanh. Doanh nghiệp sẽ mua thời lượng phát sóng trên các đài radio để phát các thông điệp quảng cáo, thường là dưới dạng thông báo ngắn, cuộc hội thoại, hoặc câu chuyện ngắn.

Trong quảng cáo radio, âm thanh là yếu tố chính. Thông điệp quảng cáo sẽ được truyền tải qua lời nói, âm nhạc và hiệu ứng âm thanh. Loại quảng cáo này thường phát vào những khung giờ cụ thể khi có nhiều người nghe, như giờ lái xe sáng và tối.

Ví dụ quảng cáo dịch vụ sửa chữa ô tô trên radio: Vào lúc 8h00 sáng, một đoạn quảng cáo được phát trên radio có nội dung như sau “Chiếc xe của bạn cần được bảo dưỡng? Hãy ghé thăm Garage ABC tại địa chỉ 123. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ từ bảo dưỡng định kỳ đến sửa chữa động cơ. Đặc biệt, nhận ngay 10% khi đặt lịch qua số hotline 1800-XYZ! Garage ABC – chuyên nghiệp, uy tín, nhanh chóng.”

2.4. Quảng cáo ngoài trời

Quảng cáo ngoài trời là hình thức quảng cáo xuất hiện ở các không gian công cộng bên ngoài như đường phố, khu thương mại, tòa nhà, phương tiện giao thông và các địa điểm có lưu lượng người qua lại cao. Hình thức này giúp thương hiệu tiếp cận một lượng lớn người tiêu dùng, đặc biệt là trong những khu vực đông dân cư hoặc nơi có lưu lượng giao thông lớn.

Dưới đây là một số hình thức quảng cáo ngoài trời phổ biến:

  • Biển quảng cáo tấm lớn: Pano, billboard, trivision,…
  • Biển quảng cáo tầm thấp: Nhà chờ xe bus, biển hộp đèn, treo banner ,cờ phướn,…
  • Quảng cáo trên phương tiện giao thông: Taxi, xe buýt, ô tô, máy bay, tàu hỏa,…)
  • Roadshow quảng cáo ngoài trời.
  • Quảng cáo màn hình kỹ thuật số ngoài trời (DOOH).
  • Quảng cáo ngoài trời theo địa điểm cụ thể.

Ví dụ: Biển quảng cáo của Grab đặt ở ngã tư với thông điệp “Lương về đặt Grab”, nằm trong chiến dịch “Hoà mình với SEA Games”

Quảng cáo ngoài trời cũng là hình thức thu hút được nhiều sự quan tâm

Biển quảng cáo ngoài trời của Baemin được đặt ở mặt đường to có nhiều người qua lại

2.5. Tài trợ cho các sự kiện

Loại hình quảng cáo tài trợ cho sự kiện là hình thức doanh nghiệp hoặc tổ chức hỗ trợ tài chính hoặc các nguồn lực khác cho một sự kiện, hoạt động, hoặc chương trình. Đổi lại, doanh nghiệp được quảng bá tên tuổi, thương hiệu, hoặc sản phẩm thông qua các hoạt động liên quan đến sự kiện đó.

Các hình thức quảng cáo tài trợ cho các sự kiện phổ biến:

  • Tài trợ toàn bộ sự kiện
  • Tài trợ một phần sự kiện
  • Tài trợ vật phẩm/quà tặng
  • Tài trợ truyền thông

Ví dụ: Heineken là nhà tài trợ chính cho giải đấu UEFA Champions League. Heineken được hiển thị trên các băng rôn, áo thi đấu, và các phương tiện truyền thông liên quan đến giải đấu, từ đó tăng cường nhận diện thương hiệu trên toàn thế giới.

Tài trợ cho các chương trình, sự kiện cũng là một hình thức quảng cáo

Heineken là nhà tài trợ chính cho giải đấu UEFA Champions League

2.6. Tham gia hội chợ, triển lãm, thương mại 

Tham gia hội chợ, triển lãm, thương mại là một hình thức quảng cáo mà doanh nghiệp sử dụng để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình tại các sự kiện như hội chợ thương mại, triển lãm chuyên ngành, hoặc các sự kiện cộng đồng quy mô lớn. Đây là cơ hội để các công ty kết nối trực tiếp với khách hàng tiềm năng, đối tác và cả đối thủ cạnh tranh, đồng thời tạo ra sự tương tác và trải nghiệm thực tế với sản phẩm.

Ví dụ: Hội chợ Triển lãm Quốc tế VIFA Expo (Việt Nam International Furniture & Home Accessories Expo):

  • Tổng quan: Đây là một sự kiện lớn trong ngành nội thất. Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất nội thất tham gia để trưng bày các sản phẩm đồ gỗ, nội thất và đồ trang trí. Tại đây, họ gặp gỡ với các nhà phân phối, đại lý, và khách hàng quốc tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác và xuất khẩu.
  • Công ty nội thất Santang tham gia VIFA Expo để giới thiệu dòng sản phẩm nội thất mới nhất. Santang xây dựng gian hàng trưng bày các sản phẩm, cung cấp tài liệu quảng cáo và có các nhân viên trực tiếp giới thiệu về sản phẩm cho các khách tham quan trong nước và quốc gia.

Công ty nội thất Santang tham gia Hội chợ Triển lãm Quốc tế VIFA Expo

2.7. Quảng cáo báo chí, tạp chí

Quảng cáo trên báo chí, tạp chí là một trong những hình thức quảng cáo được sử dụng từ rất lâu trước khi có sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông hiện đại. Hình thức này bao gồm việc đăng quảng cáo trên các ấn phẩm in ấn như báo giấy, tạp chí và các loại ấn phẩm khác. 

Quảng cáo trên tạp chí cũng là một hình thức quảng cáo được ưa chuộng

Quảng cáo trên tạp chí của các thương hiệu mỹ phẩm

Ví dụ: Thương hiệu mỹ phẩm đặt quảng cáo trong một tạp chí thời trang và làm đẹp. Quảng cáo bao gồm hình ảnh người mẫu sử dụng sản phẩm của hãng với phong cách sang trọng.

2.8. Phát tờ rơi

Với hình thức này, thông điệp truyền thông thường là lợi ích, ưu điểm, chương trình khuyến mãi hấp dẫn được in trên giấy và phát cho người tiêu dùng ở trên đường, trung tâm thương mại, siêu thị, công viên,… Đây là hình thức quảng cáo trực tiếp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến tận tay khách hàng. 

Red Leaf đã phát tờ rơi nhằm quảng cáo về sự kiện khai chương của mình

Ví dụ: Red Leaf kinh doanh cà phê, trà sữa, sinh tố, gửi tờ rơi với thông tin về chương trình khuyến mãi giảm 20% nhân dịp khai trương.

3. Các hình thức quảng cáo hiện đại (Online) 

Với sự phát triển của công nghệ, các hình thức quảng cáo online ngày càng đa dạng và hiệu quả hơn. Dưới đây là một số hình thức quảng cáo online phổ biến nhất hiện nay.

3.1. Email marketing

Email marketing là một hình thức tiếp thị trực tiếp, bằng cách gửi các thông điệp quảng cáo, thông tin sản phẩm, dịch vụ, khuyến mãi,… đến hộp thư điện tử của khách hàng tiềm năng hoặc khách hàng hiện tại. Đây là một trong những kênh marketing hiệu quả và được nhiều doanh nghiệp sử dụng để xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.

Ví dụ: Một cửa hàng trực tuyến gửi email với tiêu đề “Giảm giá 20% cho tất cả các sản phẩm! Chỉ trong hôm nay!” kèm theo một liên kết đến trang mua sắm của họ.

3.2. Quảng cáo hiển thị trên các website

Quảng cáo hiển thị (Display Advertising) là một hình thức quảng cáo trực tuyến sử dụng các yếu tố trực quan như hình ảnh, video, đồ họa để thu hút sự chú ý của người dùng. Những quảng cáo này thường xuất hiện trên các website, ứng dụng di động hoặc nền tảng mạng xã hội được  liên kết với các mạng hiển thị như của Google, Admicro,…

Kênh 14 thường có các quảng cáo hiển thị của các thương hiệu

Quảng cáo hiển thị được ứng dụng phổ biến ngày nay

3.3. Quảng cáo qua công cụ tìm kiếm

Trước khi quyết định mua một sản phẩm hay dịch vụ, chúng ta thường có thói quen tìm kiếm thông tin trên mạng, đặc biệt là Google. Hiểu được hành vi đó, loại hình quảng cáo trên công cụ tìm kiếm ra đời giúp doanh nghiệp tiếp cận những khách hàng đang tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. 

Ví dụ: Giả sử bạn sở hữu một cửa hàng bán giày thể thao và bạn muốn quảng cáo của mình xuất hiện khi người dùng tìm kiếm “giày thể thao nam”. Bạn có thể tạo một chiến dịch quảng cáo trên Google Ads.

  • Tìm kiếm từ khóa: “giày thể thao nam”
  • Kết quả tìm kiếm: Trên trang kết quả tìm kiếm của Google, quảng cáo của bạn có thể xuất hiện ở trên cùng, ngay dưới thanh tìm kiếm, hoặc ở cuối trang.

Tìm hiểu thêm: 9 hình thức quảng cáo Google Ads hiện nay

3.4. Quảng cáo Video

Quảng cáo video là xu hướng quảng cáo trực tuyến hiệu quả nhất hiện nay. Trọng tâm của loại hình này là sử dụng video để truyền tải thông điệp thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ đến khách hàng, giúp doanh nghiệp tạo ấn tượng mạnh mẽ và kết nối sâu sắc với người tiêu dùng.

Ví dụ: Khi bạn xem một video trên YouTube, bạn có thể thấy một quảng cáo video ngắn (15-30 giây) trước khi video chính bắt đầu. Ví dụ: Một quảng cáo từ Nike xuất hiện trước video hướng dẫn tập luyện trên YouTube.

3.5. Quảng cáo trên mạng xã hội (Social Media Ads)

Quảng cáo trên mạng xã hội là hình thức quảng cáo trực tuyến, sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, YouTube,… để tiếp cận và tương tác với đối tượng khách hàng mục tiêu. Thay vì hiển thị quảng cáo một cách ngẫu nhiên, các nền tảng này cho phép doanh nghiệp nhắm mục tiêu đến những người dùng có đặc điểm, sở thích và hành vi phù hợp với sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Ví dụ: Quảng cáo của Amazon tại Việt Nam với nội dung kêu gọi tham gia Hội nghị TMĐT xuyên biên giới.

Amazon sử dụng quảng cáo trên Facebook

Quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội của Amazon

3.6. Quảng cáo ứng dụng di động

Quảng cáo ứng dụng di động được thực hiện qua hai hình thức: 

  • Quảng cáo trong ứng dụng (In-app advertising): Đây là hình thức quảng cáo xuất hiện trực tiếp bên trong một ứng dụng di động. Bạn có thể bắt gặp chúng ở nhiều vị trí khác nhau như banner trên đầu hoặc cuối màn hình, hình ảnh hoặc video xen giữa nội dung, hoặc thậm chí là những màn hình giới thiệu sản phẩm riêng biệt.
  • Thông báo đẩy (Push notification): Là những thông báo được gửi trực tiếp đến thiết bị di động của người dùng, ngay cả khi ứng dụng không đang mở.

3.8. Quảng cáo thông qua người ảnh hưởng

Influencer Marketing là một hình thức quảng cáo dựa trên việc hợp tác với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) để quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu. Những người này thường có một lượng lớn người theo dõi và được xem như những chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định, nhờ đó họ có khả năng tác động đến quyết định mua hàng của người hâm mộ.

Ví dụ: Salim và Pam trở thành gương mặt đại diện của nhãn hàng Comfort.

Salim và Pam trở thành gương mặt đại diện của nhãn hàng Comfort.

Em bé Pam và mẹ Salim là gương mặt đại diện của Comfort

3.9. Quảng cáo bằng chatbot và tin nhắn tự động

Quảng cáo bằng chatbot và tin nhắn tự động là hình thức quảng cáo đang ngày càng phổ biến. Nó tận dụng công nghệ chatbot để tương tác tự động với khách hàng thông qua các nền tảng nhắn tin như Facebook Messenger, Zalo, hoặc ngay trên website của doanh nghiệp.

Ví dụ: Sử dụng tin nhắn tự động để hỗ trợ và tư vấn khách hàng về dịch vụ khám tổng quát cả eDoctor

3.10. Quảng cáo bằng Podcast

Podcast đang ngày trở thành một kênh truyền thông phổ biến, đặc biệt với những người trẻ. Việc quảng cáo bằng podcast đã trở thành một xu hướng mới, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp muốn tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn nhờ vào tính chân thực trong cách truyền tải thông điệp. 

Ví dụ: Một công ty bảo hiểm có thể tài trợ cho một podcast về tài chính cá nhân. Trong các tập của podcast, người dẫn chương trình có thể đề cập đến công ty bảo hiểm, nói về cách mà các sản phẩm của công ty có thể giúp người nghe quản lý tài chính tốt hơn. Ví dụ: “Tập hôm nay được tài trợ bởi ABC Insurance, nơi cung cấp các giải pháp bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của bạn. Hãy kiểm tra các gói bảo hiểm của họ tại website ABCInsurance.com.”

Trên đây là các hình thức quảng cáo phổ biến được áp dụng nhiều trên các kênh truyền thông hiện nay. Để có một chiến dịch quảng cáo thành công, doanh nghiệp cần kết hợp nhiều hình thức quảng cáo khác nhau. Hy vọng, bạn đã hiểu hơn về các hình thức quảng cáo truyền thống và hiện đại để từ đó có thể lựa chọn được chiến lược hiệu quả nhất cho chiến dịch của mình. 

Tìm hiểu thêm về dịch vụ quảng cáo Google tại SEONGON.

Thực hiện bởi: SEONGON – Google Marketing Agency

Tác giả

Bình luận

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Các bình luận khác
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bạn có thể liên hệ với chúng tôi, với kinh nghiệm triển khai thành công hàng nghìn chiến dịch quảng cáo chuyển đổi,
SEONGON tự tin có thể giúp bạn tối ưu hiệu quả và tiết kiệm chi phí tối đa với hoạt động quảng cáo.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN