EEAT là 4 yếu tố Google dùng để đánh giá chất lượng nội dung trên website. Vậy EEAT là gì? Tại sao lại ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng tìm kiếm? Trong bài viết này SEONGON sẽ giúp bạn hiểu rõ vai trò của EEAT trong SEO cũng như những cách áp dụng hiệu quả, đưa website vào TOP cao.
1. EEAT là gì?
EEAT là bộ tiêu chí được Google sử dụng để “chấm điểm” chất lượng nội dung trên website. Mục đích là để đảm bảo tất cả những nội dung được người dùng tìm thấy trên Google đều đáng tin cậy, hữu ích và có tính chuyên môn chính xác. Theo đó, EEAT là viết tắt của:
- Experience (Trải nghiệm)
- Expertise (Tính chuyên môn)
- Authoritativeness (Tính thẩm quyền)
- Trustworthiness (Độ tin cậy)
Lịch sử ra đời của EEAT – Các mốc thời gian quan trọng:
Vào năm 2014, Google lần đầu đưa ra khái niệm E-A-T (Expertise – Authoritativeness – Trustworthiness) trong tài liệu Search Quality Evaluator Guidelines.
- Bộ tiêu chí này được thiết kế để hỗ trợ đội ngũ đánh giá viên xác định đâu là nội dung đáng tin cậy, đặc biệt với các website thuộc nhóm YMYL – những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tài chính hoặc cuộc sống của người dùng.
- Có thể nói, đây chính là nền móng đầu tiên cho việc Google chuyển trọng tâm từ nội dung “đúng kỹ thuật SEO” sang nội dung “đúng và có giá trị với người đọc”.
Vào năm 2018, Google Medic Update được ra đời. Đây là bản cập nhật thuật toán cốt lõi khiến nhiều website thuộc nhóm YMYL (Your Money or Your Life) bị ảnh hưởng nặng nề.
- Những trang không thể hiện rõ yếu tố chuyên môn và độ tin cậy – đặc biệt trong lĩnh vực y tế, tài chính – chứng kiến sự sụt giảm thứ hạng đáng kể.
- Kể từ đó, E-A-T bắt đầu được cộng đồng SEO quan tâm sâu sắc, dù Google luôn nhấn mạnh rằng đây là yếu tố gián tiếp chứ không phải tín hiệu xếp hạng trực tiếp.
Vào tháng 12 năm 2022, Google đã cập nhật Nguyên tắc đánh giá chất lượng tìm kiếm (QRG) bằng cách thêm một chữ “E” mới – viết tắt của “Experience” (Trải nghiệm) – vào bộ tiêu chí E-A-T, tạo thành E-E-A-T.
- Sự bổ sung này cho thấy Google ngày càng đề cao những nội dung được viết từ trải nghiệm thực tế của người viết. Tức là, ngoài chuyên môn hay độ tin cậy, giờ đây Google còn muốn bạn thực sự đã từng “trải qua” điều mình chia sẻ – chẳng hạn như review sản phẩm sau khi dùng, hay kể lại chuyến đi bạn thật sự đã tham gia.
- Đây là yếu tố giúp nội dung trở nên sống động, thuyết phục và đáng tin cậy hơn với cả Google lẫn người đọc.
Từ năm 2023, E-E-A-T đã chính thức trở thành một yếu tố quan trọng trong cách Google đánh giá chất lượng tìm kiếm.
- Google không ngừng nhấn mạnh vai trò của E-E-A-T trong việc xác định các bài viết có giá trị và đáng tin cậy.
- Các bản cập nhật hướng dẫn (QRG) tiếp theo đã làm rõ thêm nhiều khía cạnh của E-E-A-T, giúp các nhà quản lý web dễ dàng hiểu và áp dụng tiêu chuẩn này.
2. Phân tích chi tiết các yếu tố trong EEAT
Để hiểu rõ hơn về cách Google đánh giá chất lượng nội dung, chúng ta sẽ cùng đi sâu vào phân tích chi tiết từng yếu tố quan trọng trong EEAT.
2.1. E – Experience (Trải nghiệm)
Experience (Trải nghiệm) đánh giá mức độ thực tế mà người viết nội dung đã từng trải qua với chủ đề họ đang chia sẻ. Liệu họ có trực tiếp tham gia, chứng kiến, hoặc sử dụng sản phẩm/dịch vụ, hay chỉ đơn thuần là người tổng hợp thông tin từ nguồn khác?
Với tiêu chí này, Google sẽ đánh giá cao những nội dung được viết bởi người đã thực sự có kinh nghiệm thực tế. Những bài viết này thường sâu sắc, chân thật và mang lại giá trị cao hơn cho người đọc, vì người viết có thể chia sẻ cảm nhận, bài học và góc nhìn cá nhân.
Ví dụ: Một người đã thực sự leo núi Fansipan chia sẻ bài viết “Hành trình leo Fansipan mùa đông” với hình ảnh, video thực tế và những bài học đúc kết từ chuyến đi. Điều này khác biệt hoàn toàn so với một bài viết chỉ đơn thuần tổng hợp thông tin từ internet mà người viết chưa từng thực sự trải nghiệm.
2.2. E – Expertise (Chuyên môn)
Chuyên môn (Expertise) thể hiện kiến thức sâu rộng và khả năng hiểu biết của người viết trong lĩnh vực mà họ đang chia sẻ với mọi người. Với Google yếu tố này rất quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực YMYL (Your Money or Your Life), như y tế, tài chính hay pháp lý. Nội dung không chính xác trong các lĩnh vực này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính hay cuộc sống của người đọc.
Ví dụ: Một bài viết về “Cách phòng tránh đột quỵ” được viết bởi bác sĩ/dược sĩ, có chứng chỉ hành nghề và đang công tác tại một bệnh viện lớn, sẽ được đánh giá cao về mặt chuyên môn. Ngược lại, một bài viết không rõ nguồn gốc, được tổng hợp từ các thông tin không xác thực và không do chuyên gia trong ngành y tế viết, sẽ không đủ độ tin cậy và không được Google ưu tiên.
2.3. A – Authoritativeness (Thẩm quyền)
Authoritativeness là tiêu chí đánh giá mức độ uy tín và tầm ảnh hưởng của người viết hoặc đơn vị xuất bản nội dung trong lĩnh vực đang được đề cập. Google xem đây là một dấu hiệu quan trọng để đánh giá liệu nội dung có đáng tin và nên được ưu tiên hiển thị hay không.
Khi nội dung đến từ một nguồn có tiếng nói chuyên môn trong ngành – ví dụ như chuyên gia được công nhận hay một thương hiệu lớn – thì cả người đọc và Google đều có xu hướng tin tưởng hơn. Điều này giúp cải thiện hiệu suất SEO và tăng uy tín cho website.
Ví dụ: Một bài viết phân tích về chính sách thuế đăng trên website của Thư viện Pháp Luật gần như ngay lập tức được xem là có thẩm quyền. Trong khi đó, cùng nội dung nhưng xuất hiện trên blog cá nhân không có chuyên môn rõ ràng và không được liên kết với bất kỳ tổ chức chuyên ngành nào, sẽ khó tạo được độ tin cậy tương đương.
2.4. T – Trustworthiness (Độ tin cậy)
Trustworthiness – độ tin cậy – là yếu tố quan trọng nhất trong bộ tiêu chí EEAT. Nó thể hiện mức độ mà người dùng và Google có thể tin tưởng vào nội dung bạn cung cấp, vào tác giả đứng sau bài viết cũng như toàn bộ website.
Google luôn ưu tiên bảo vệ người dùng khỏi những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng. Do đó, những nội dung minh bạch, có dẫn nguồn rõ ràng, và dễ xác thực luôn được đánh giá cao hơn. Việc xây dựng độ tin cậy không chỉ giúp tăng thứ hạng SEO mà còn tạo uy tín bền vững cho thương hiệu.
Ví dụ: Một trang thương mại điện tử đáng tin cậy sẽ có thông tin liên hệ rõ ràng, chính sách đổi trả minh bạch, đánh giá thực từ người mua và chứng chỉ bảo mật như SSL. Trái lại, một website thiếu thông tin pháp lý, nội dung chung chung, trích dẫn mơ hồ hoặc quảng cáo quá đà sẽ khiến cả người dùng và Google “quay xe”.
3. EEAT ảnh hưởng đến xếp hạng website như thế nào?
Mặc dù EEAT không phải là một yếu tố xếp hạng trực tiếp trong thuật toán của Google, nhưng lại là nền tảng quan trọng để đánh giá chất lượng tổng thể của một trang web. Trong bối cảnh người dùng ngày càng quan tâm đến độ tin cậy và tính xác thực của thông tin, Google buộc phải ưu tiên hiển thị những nội dung đáng uy tín nhất và đó chính là lúc EEAT phát huy vai trò của mình.
3.1. EEAT là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nội dung
Google sử dụng EEAT như một khung tiêu chuẩn để xác định một nội dung có đáng để người dùng tin tưởng và tham khảo hay không. Các bài viết thể hiện rõ trải nghiệm thực tế, chuyên môn sâu và được xuất bản bởi những nguồn uy tín luôn có lợi thế trong việc chinh phục công cụ tìm kiếm. Nói cách khác, EEAT giúp Google phân biệt nội dung chất lượng cao với những nội dung hời hợt, thiếu xác thực trên thị trường.
3.2. EEAT ảnh hưởng đến hiệu suất SEO
Việc áp dụng đúng các nguyên tắc EEAT sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt cho chiến lược SEO:
- Nội dung có cấu trúc EEAT vững chắc thường có khả năng đạt thứ hạng cao hơn trên các trang kết quả tìm kiếm (SERP).
- Dễ được Google lựa chọn để hiển thị ở các vị trí nổi bật như featured snippet hay mục “People Also Ask”.
- Tăng sức hút đối với người dùng, nhờ đó cải thiện các chỉ số quan trọng như thời gian ở lại trang (dwell time), tỷ lệ nhấp chuột (CTR) và giảm tỷ lệ thoát (bounce rate).
3.3. EEAT hỗ trợ xây dựng niềm tin và tăng tương tác
Việc đầu tư vào nội dung chuẩn EEAT phục vụ mục tiêu SEO. Trên thực tế, đây còn là chiến lược bền vững để nuôi dưỡng niềm tin của người đọc và tạo ra nhiều điểm chạm chất lượng cho thương hiệu.
Khi người dùng cảm nhận được sự chuyên sâu, đáng tin và nhất quán trong nội dung, họ sẽ có xu hướng quay lại website, theo dõi thương hiệu lâu dài, chứ không dừng lại ở một lượt truy cập ngẫu nhiên. Đồng thời, những nội dung được đánh giá cao về mặt chất lượng cũng dễ dàng được chia sẻ trên mạng xã hội, được trích dẫn bởi các trang uy tín khác, từ đó tăng độ phủ tự nhiên cho thương hiệu.
Quan trọng hơn, niềm tin chính là yếu tố thúc đẩy hành vi chuyển đổi. Người dùng chỉ sẵn sàng để lại thông tin, đăng ký dịch vụ hay thực hiện giao dịch khi họ thực sự tin tưởng doanh nghiệp đứng sau nội dung đó.
4. Chiến lược tối ưu website đáp ứng tiêu chuẩn EEAT
Để xây dựng một website tốt, không chỉ cần đảm bảo yếu tố chuẩn SEO mà còn phải thuyết phục được người dùng và công cụ tìm kiếm. Vì vậy, doanh nghiệp cần tối ưu website đáp ứng tiêu chuẩn EEAT một cách toàn diện.
4.1. Tối ưu theo tiêu chí Experience (Trải nghiệm)
Trong bối cảnh người dùng ngày càng khắt khe khi tiếp nhận nội dung và thông tin ngày càng dư thừa, thì Google ngày càng ưu tiên những nội dung phản ánh trải nghiệm thực tế – thay vì chỉ dừng lại ở lý thuyết hoặc thông tin tổng hợp lại. Do đó, tối ưu yếu tố “Experience” không còn là lựa chọn, mà là tiêu chuẩn bắt buộc cho những website muốn xây dựng niềm tin và giữ chân người đọc lâu dài.
Chiến lược triển khai hiệu quả gồm có:
- Tạo nội dung từ góc nhìn thực tế: Ưu tiên bài viết được xây dựng từ trải nghiệm trực tiếp của người viết hoặc khách hàng. Điều này giúp nội dung chân thực, dễ đồng cảm và tăng tính thuyết phục.
- Khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm cá nhân: Thiết kế hệ thống đánh giá, bình luận mở hoặc các chiến dịch thu thập feedback để làm giàu nội dung bằng chính tiếng nói từ người dùng.
- Lồng ghép case study, ví dụ cụ thể, hình ảnh thực tế: Các dẫn chứng từ trải nghiệm thực sẽ làm tăng tính xác thực của nội dung, đồng thời giúp người đọc dễ hình dung và liên hệ với chính nhu cầu của họ.
Ví dụ: Một phòng khám nha khoa có thể đăng tải bài viết do chính bác sĩ thực hiện ca điều trị thực hiện, trong đó bao gồm hình ảnh trước và sau của bệnh nhân thật, đi kèm mô tả chi tiết về quá trình chăm sóc. Đây là minh chứng rõ ràng về chuyên môn và trải nghiệm thực tế.
4.2. Tối ưu theo tiêu chí Expertise (Chuyên môn)
Trong hệ thống EEAT, yếu tố Expertise không chỉ đòi hỏi kiến thức, mà còn yêu cầu người viết phải thực sự hiểu sâu và truyền tải đúng bản chất của vấn đề. Đây là nền tảng quan trọng để nội dung có thể tạo dựng niềm tin, thuyết phục người đọc, đặc biệt trong bối cảnh người dùng ngày càng khắt khe với những thông tin họ tiếp nhận.
Cách áp dụng tiêu chí này vào nội dung của bạn:
- Lựa chọn người viết có năng lực chuyên môn thực sự trong lĩnh vực đang khai thác. Việc này giúp đảm bảo thông tin được trình bày chính xác, có chiều sâu và mang lại giá trị thực cho người đọc.
- Xây dựng hồ sơ tác giả rõ ràng và minh bạch, bao gồm bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc. Trang tác giả là nơi khẳng định uy tín cá nhân, đồng thời góp phần tăng độ tin cậy cho toàn bộ nội dung trên website.
- Khai thác nội dung chuyên sâu, không dừng lại ở mức độ khái quát. Sử dụng số liệu, nghiên cứu, tài liệu chuyên ngành, báo cáo từ các tổ chức uy tín để củng cố lập luận và tăng tính thuyết phục.
- Đối với những chủ đề thuộc nhóm YMYL (Your Money, Your Life) – như tài chính, sức khỏe, pháp lý – nội dung cần được kiểm chứng bởi chuyên gia hoặc đội ngũ có thẩm quyền nhằm đảm bảo độ chính xác và an toàn cho người đọc.
Ví dụ thực tiễn:
- Một website y tế muốn chia sẻ kiến thức điều trị tiểu đường sẽ thuyết phục hơn nhiều nếu bài viết được biên soạn bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết, có trích dẫn từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tạp chí y học đầu ngành.
4.3. Tối ưu theo tiêu chí Authoritativeness (Tính thẩm quyền)
Trong bộ tiêu chí EEAT, Authoritativeness đóng vai trò là minh chứng cho vị thế của thương hiệu trong lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động. Google đánh giá cao những website, tác giả hoặc doanh nghiệp không chỉ có chuyên môn, mà còn được cộng đồng thừa nhận là nguồn tham khảo đáng tin cậy.
Để xây dựng và củng cố tính thẩm quyền, bạn cần thực hiện những chiến lược có tính dài hạn và gắn liền với thương hiệu như sau:
- Xuất bản những nội dung chuyên sâu, mang lại giá trị thực sự cho người đọc, qua đó dần tạo dựng uy tín và danh tiếng trong ngành.
- Thiết lập mối quan hệ với các website có độ tin cậy cao để nhận được backlink tự nhiên – đây là một chỉ báo mạnh mẽ cho thấy thương hiệu của bạn được công nhận bởi các nguồn uy tín.
- Tích cực tham gia các hoạt động như guest post trên các trang cùng lĩnh vực, phát biểu tại hội thảo chuyên môn, hoặc chia sẻ quan điểm thông qua các bài báo, ấn phẩm có sức ảnh hưởng.
Ví dụ: Một website chuyên về pháp luật khi nhận được liên kết từ các trường đại học, hiệp hội luật sư hoặc diễn đàn chuyên ngành – đó chính là tín hiệu rõ ràng cho thấy tính thẩm quyền đã được ghi nhận.
4.4. Tối ưu theo tiêu chí Trustworthiness (Độ tin cậy)
Trustworthiness yêu cầu bắt buộc đối với các website hoạt động trong lĩnh vực YMYL (Your Money or Your Life), và cũng là yếu tố nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín bền vững với cả người dùng lẫn công cụ tìm kiếm.
Để nội dung đạt mức tin cậy cao, doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ các yếu tố cả về mặt kỹ thuật, giao diện lẫn thông tin minh bạch. Cụ thể:
- Đảm bảo an toàn truy cập: Website cần sử dụng giao thức HTTPS và tích hợp các giải pháp bảo mật phù hợp để bảo vệ dữ liệu người dùng.
- Minh bạch thông tin: Các chính sách liên quan đến quyền riêng tư, hoàn trả, điều khoản sử dụng… cần được trình bày rõ ràng và dễ truy cập. Bên cạnh đó, thông tin liên hệ như địa chỉ, số điện thoại, email phải hiển thị đầy đủ và chính xác.
- Tăng độ xác thực: Những đánh giá thực từ khách hàng, phản hồi trực tiếp từ người dùng hoặc các chứng nhận uy tín sẽ giúp tăng thêm độ tin cậy cho thương hiệu.
- Liên tục cập nhật nội dung: Nội dung lỗi thời, thiếu kiểm chứng sẽ nhanh chóng làm giảm uy tín. Việc cập nhật thường xuyên các thông tin mới, số liệu mới và dịch vụ mới là điều cần thiết.
- Thiết kế chỉn chu, không gây khó chịu: Giao diện website cần chuyên nghiệp, dễ đọc và không lạm dụng quảng cáo. Các yếu tố pháp lý như mã số thuế, giấy phép kinh doanh nên được công khai minh bạch.
Ví dụ: Một website bán hàng được tối ưu tốt sẽ có đầy đủ thông tin liên hệ, chính sách bảo hành, mã số thuế doanh nghiệp, thông tin thanh toán và thường xuyên cập nhật các dịch vụ mới hoặc kiến thức liên quan đến sản phẩm đáng tin cậy.
5. Câu hỏi thường gặp về EEAT
5.1. Yếu tố nào quan trọng nhất trong EEAT?
Trustworthiness – độ tin cậy chính là nền tảng quan trọng nhất trong bộ tiêu chí EEAT. Dù nội dung có chuyên sâu hay tác giả có kinh nghiệm đến đâu, nếu website không tạo được cảm giác tin cậy với người dùng, mọi nỗ lực đều khó phát huy hiệu quả. Đây là yếu tố cần được ưu tiên củng cố đầu tiên khi tối ưu nội dung chuẩn EEAT.
5.2. EEAT có phải là yếu tố xếp hạng trực tiếp không?
EEAT không phải là bộ yếu tố mà Google đưa vào hệ thống xếp hạng trực tiếp. Bạn sẽ không thể đo được “điểm EEAT” trên bất kỳ công cụ nào. Tuy nhiên, đây là nguyên tắc cốt lõi được Google sử dụng trong tài liệu Search Quality Rater Guidelines – nơi hướng dẫn các chuyên gia đánh giá chất lượng tìm kiếm. Vì vậy, EEAT tác động mạnh mẽ đến cách Google nhìn nhận giá trị của một website, từ đó ảnh hưởng gián tiếp nhưng rõ rệt đến vị trí xếp hạng.
5.3. Tại sao EEAT đặc biệt quan trọng với website YMYL?
YMYL (Your Money or Your Life) là nhóm nội dung liên quan đến các lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe, tài chính và sự an toàn của người dùng. Với nhóm này, Google yêu cầu mức độ kiểm chứng thông tin rất nghiêm ngặt. Những website thuộc nhóm YMYL cần thể hiện rõ ràng kinh nghiệm thực tế, chuyên môn đáng tin cậy, sự thẩm định từ các nguồn uy tín và tính minh bạch tuyệt đối. Chỉ khi đáp ứng được các tiêu chí đó, nội dung mới có khả năng đạt được thứ hạng cao và giữ chân người đọc một cách bền vững.
Xem chi tiết: 6 Tiêu chuẩn EEAT trong dự án y dược và kinh nghiệm triển khai
EEAT không chỉ là bộ nguyên tắc mà còn là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp xây dựng nội dung chất lượng, tạo niềm tin với người dùng và được Google đánh giá cao. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp SEO bền vững và đảm bảo 100% theo tiêu chí EEAT, SEONGON – Google Marketing Agency hàng đầu Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng bạn. Liên hệ ngay để được tư vấn chiến lược SEO bài bản phù hợp với mục tiêu kinh doanh của bạn.