Theo báo cáo từ Content Marketing Institute, 70% các nhà tiếp thị cho biết chiến lược content branding giúp họ tăng cường nhận diện thương hiệu và cải thiện sự kết nối với khách hàng mục tiêu. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp nổi bật giữa đám đông mà còn tạo dựng mối quan hệ bền chặt, từ đó thúc đẩy lòng trung thành và tăng trưởng bền vững. Vậy Content Branding là gì? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ cách xây dựng content branding hiệu quả, nâng cao giá trị thương hiệu.
1. Content Branding là gì?
Content Branding (xây dựng thương hiệu bằng nội dung) được biết đến là việc sử dụng các hình thức nội dung như bài viết, video, podcast, hình ảnh… nhằm truyền tải sứ mệnh và giá trị cốt lõi của thương hiệu đến khách hàng. Nói cách khác, Content Branding là tạo ra nội dung và góp phần làm nhiệm vụ định hình thương hiệu và thúc đẩy hành động của khách hàng.
Ví dụ,
Nike: Xây dựng hình ảnh thương hiệu thông qua tinh thần thể thao và sự nỗ lực
- Nike không chỉ bán sản phẩm mà còn bán phong cách sống. Họ tập trung vào việc truyền tải tinh thần thể thao, sự nỗ lực và khát khao vượt qua giới hạn thông qua các chiến dịch quảng cáo cũng như nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
- Tiêu biểu như câu tagline “Just do it” của Nike đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, khuyến khích họ thoát khỏi vùng an toàn, tự do đứng lên làm điều mình thích và không cần e ngại bất kỳ điều gì. Các video quảng cáo của Nike cũng thường xuyên có sự xuất hiện của các ngôi sao thể thao hàng đầu (Neymar, Ronaldo,…) và kể những câu chuyện cảm động về ý chí và sự quyết tâm.
Red Bull: Xây dựng hình ảnh thương hiệu thông qua thể thao mạo hiểm và sự năng động
- Red Bull không chỉ quảng cáo nước tăng lực mà còn xây dựng hình ảnh thương hiệu năng động, mạo hiểm và đầy cảm hứng thông qua các nội dung trên mạng xã hội. Ví dụ, thông điệp năm 2024 “Cứ tiến bước, húc tới đi” của thương hiệu đã thể hiện ý chí mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với khó khăn.
- Hay việc tổ chức hàng loạt sự kiện thể thao độc đáo, tiêu biểu là drone show “Húc tới đi” đã thu hút sự quan tâm của hàng chục nghìn người tham gia tại Việt Nam. Đặc biệt, Red Bull tập trung vào sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh phù hợp với sở thích của giới trẻ để khai thác đối tượng này – Thế hệ của những người yêu thích sự năng động và khám phá.
2. Mục tiêu của Content Branding
Content Branding là một quá trình lâu dài, đòi hỏi marketers sự kiên nhẫn và nhất quán. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm để bán hàng trong thời gian ngắn hạn, bạn cần tập trung vào xây dựng mối quan hệ với khách hàng thông qua nội dung giá trị, từ đó tạo sự gắn kết lâu dài và bền vững.
- Xây dựng nhận thức thương hiệu: Mục tiêu quan trọng nhất của Content Branding chính là đưa thương hiệu đến gần hơn với công chúng, khiến họ biết đến sự tồn tại của bạn.
- Tạo dựng sự hiểu biết về thương hiệu: Không chỉ dừng lại ở việc biết đến, khách hàng cần hiểu rõ về những thông tin liên quan, bao gồm giá trị, sản phẩm/dịch vụ cũng như câu chuyện thương hiệu. Trong giai đoạn này, Content Branding sẽ khiến khách hàng thấu hiểu về những điểm khác biệt và độc đáo của thương hiệu.
- Xây dựng lòng tin và tình yêu thương hiệu: Content Branding còn có nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ tin tưởng và gắn bó với khách hàng. Đây là giai đoạn “bồi đắp” mối quan hệ, khiến khách hàng yêu thích và trung thành với thương hiệu.
- Thúc đẩy hành động mua hàng (gián tiếp và dài hạn): Mục tiêu cuối cùng của Content Branding chính là biến khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thực sự. Thông qua nội dung chất lượng hay hệ thống chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, thương hiệu có thể tác động đến quyết định mua hàng theo cách tự nhiên, bền vững và lâu dài. Đây cũng là giai đoạn “thu hoạch” những nỗ lực xây dựng thương hiệu trước đó.
3. Như thế nào là một Content Branding thành công?
Trong thời đại số đầy cạnh tranh, không phải thương hiệu nào cũng có thể tạo ra dấu ấn bền vững và khắc sâu trong tâm trí khách hàng. Vậy như thế nào là Content Branding thành công?
3.1. Người dùng nghĩ về thương hiệu thay vì sản phẩm
Đầu tiên, Content Branding thành công giúp khách hàng nhớ đến sản phẩm và tạo dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ trong tâm trí, khiến họ liên tưởng đến giá trị, câu chuyện và cá tính độc đáo của thương hiệu. Ví dụ khi nhắc đến smartphone, người ta nghĩ ngay đến iPhone, hay khi nhắc đến “nước tăng lực”, người ta nghĩ đến Red Bull.
Khi Content Branding đạt đến cấp độ này, thương hiệu xây dựng được sự kết nối cảm xúc với khách hàng, khiến họ cảm thấy đồng cảm, tin tưởng và yêu thích thương hiệu. Điều này cũng khiến khách hàng có xu hướng gắn bó và trung thành với thương hiệu đó.
3.2. Cung cấp giá trị đích thực cho khách hàng mục tiêu
Bên cạnh việc quảng bá thương hiệu, Content Branding thành công còn cần phải mang lại giá trị thực sự cho khách hàng. Giá trị không chỉ giới hạn ở thông tin hữu ích mà có thể bao gồm: Kiến thức chuyên môn, giải pháp sáng tạo cho các vấn đề, cộng đồng kết nối hay những nội dung giải trí và truyền cảm hứng.
Ví dụ: Abode cung cấp Adobe Learn & Support – Nền tảng với các hướng dẫn chi tiết và diễn đàn trao đổi, hỗ trợ cho các sản phẩm của hãng, bao gồm: Photoshop, Illustrator hay Premiere. Với việc cung cấp những thông tin hữu ích và tối ưu hóa trải nghiệm, khách hàng sẽ cảm thấy được hỗ trợ, tin tưởng và có xu hướng gắn bó lâu dài hơn với thương hiệu.
3.3. Tạo ra các giá trị cảm xúc, kết nội với khách hàng
Cuối cùng, Content Branding thành công còn cần tạo ra kết nối cảm xúc mạnh mẽ nhằm xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng. Có rất nhiều cách để Content Branding thực hiện điều này, bao gồm: Storytelling những câu chuyện giàu cảm xúc, chia sẻ giá trị nhân văn trong cuộc sống hay tạo trải nghiệm tương tác thú vị.
Ví dụ: Quảng cáo “Tình như Chocopie” vào năm 2010 của hãng bánh Chocopie đã khai thác chủ đề tình cảm gia đình với những thước phim cảm động về sự quan tâm giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, bạn bè. Điều này khiến người xem không chỉ nhớ đến sản phẩm mà còn ghi nhớ giá trị thương hiệu muốn truyền tải: “Tình như ChocoPie”.
Có thể thấy rằng, khi thương hiệu khai thác được câu chuyện chạm đến cảm xúc, mang đến những giá trị nhân văn hay trải nghiệm sâu sắc, khách hàng sẽ cảm thấy đồng cảm, yêu thích và gắn bó với thương hiệu hơn.
4. So sánh Content Branding và Content quảng cáo
Content Branding và Content quảng cáo là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau với mục đích, hình thức cũng như mục tiêu riêng. Thương hiệu cần phân biệt rõ hai loại content này nhằm mục đích tối ưu hiệu quả marketing.
Đặc điểm | Content Branding | Content Quảng cáo |
Mục đích | Xây dựng hình ảnh thương hiệu, tăng nhận diện và mức độ uy tín của doanh nghiệp. | Giới thiệu, quảng bá sản phẩm/dịch vụ nhằm tăng tỷ lệ chuyển đổi và tối ưu doanh số, lợi nhuận bán hàng. |
Tính chất | Tập trung vào việc cung cấp giá trị, bao gồm những thông tin hữu ích, câu chuyện truyền cảm hứng hay sự tương tác để xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. | Tập trung vào việc giới thiệu sản phẩm/dịch vụ và thúc đẩy khách mua hàng ngay lập tức. |
Nội dung | Nội dung thường là câu chuyện thương hiệu, giá trị cốt lõi, thông tin hữu ích, kiến thức chuyên môn, nội dung giải trí,… để tạo trải nghiệm độc đáo cho khách hàng. | Nội dung thường tập trung vào đặc điểm, lợi ích, công dụng của sản phẩm/dịch vụ. Đi kèm đó là sử dụng các khuyến mãi, CTA, review từ khách hàng, hướng dẫn mua hàng,… để thôi thúc khách hàng hành động. |
Thời gian | Dài hạn, duy trì liên tục theo thời gian để tạo dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng. | Ngắn hạn, tập trung vào các chiến dịch, chương trình khuyến mãi cụ thể với mục tiêu tăng doanh số trong khoảng thời gian nhất định. |
Mục tiêu | Xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, tăng nhận diện và tăng giá trị thương hiệu. | Tăng doanh số bán hàng, thu hút khách hàng tiềm năng, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. |
Đo lường hiệu quả | Độ nhận diện thương hiệu (brand awareness), độ phủ sóng (reach), độ tương tác (engagement), lòng trung thành của khách hàng (customer loyalty),… | Doanh số bán hàng, tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate), ROI (lợi tức đầu tư), chi phí nhấp chuột (CPC), chi phí chuyển đổi (CPA),… |
Ví dụ Content Branding: Video trên mạng xã hội của một hãng thời trang
- Nội dung: Các video tập trung vào câu chuyện thương hiệu, giá trị cốt lõi với thông tin hữu ích về quá trình sản xuất quần áo bền vững, giới thiệu về nhà thiết kế tài năng, chia sẻ về phong cách thời trang cá nhân,…
- Mục đích: Truyền tải giá trị cốt lõi của thương hiệu (bền vững, sáng tạo, cá tính), tạo sự kết nối cảm xúc với khách hàng thông qua những câu chuyện hấp dẫn. Từ đó tăng độ nhận diện thương hiệu và khẳng định vị thế trên thị trường.
Ví dụ Content quảng cáo: Quảng cáo trên Facebook của một cửa hàng điện thoại
- Nội dung: Video tập trung vào việc giới thiệu về sản phẩm mới, bao gồm các tính năng nổi bật và lợi ích mà sản phẩm mang lại. Đi kèm đó là lời kêu gọi hành động (CTA) với chương trình khuyến mãi giảm giá và thông qua nút “Mua ngay”.
- Mục đích: Thúc đẩy doanh số bán hàng trong thời gian ngắn, thu hút khách hàng tiềm năng quan tâm đến sản phẩm và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.
5. Một số chiến lược Content Branding thành công
Có không ít thương hiệu đã thành công trong việc xây dựng những nội dung có giá trị và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khách hàng với đa dạng chiến lược áp dụng khác nhau. Dưới đây là 4 chiến lược hữu hiệu giúp thương hiệu trở nên lan tỏa trên thị trường và thu hút khách hàng tiềm năng.
5.1. Content branding định vị thương hiệu theo chất lượng sản phẩm
Chiến lược tập trung vào việc khẳng định chất lượng của sản phẩm, khiến cho thương hiệu trở nên nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh. Nội dung thường được xây dựng xoay quanh các yếu tố như: Quy trình sản xuất nghiêm ngặt, nguyên liệu cao cấp, công nghệ tiên tiến kèm những chứng nhận và giải thưởng cam kết về chất lượng.
Mục tiêu của chiến lược này nhằm tạo dựng hình ảnh thương hiệu cao cấp và đáng tin cậy trên thị trường. Điều này khiến cho khách hàng tin tưởng và sẵn sàng chi trả để sử dụng sản phẩm.
Ví dụ: Mercedes-Benz – Hãng xe hơi nổi tiếng toàn cầu xây dựng hình ảnh thương hiệu cao cấp, sang trọng với công nghệ tiên tiến hàng đầu. Các chiến dịch quảng cáo của hãng không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn khéo léo truyền tải thông điệp về chất lượng đỉnh cao và trải nghiệm đẳng cấp đi kèm. Điều này giúp Mercedes-Benz luôn duy trì vị thế dẫn đầu trong phân khúc xe hơi hạng sang.
5.2. Content branding định vị thương hiệu dựa trên giá thành sản phẩm
Chiến lược tập trung vào giá thành của sản phẩm để định vị thương hiệu thường nhấn mạnh về các chương trình khuyến mãi, so sánh giá cả với đối thủ cạnh tranh, truyền tải thông điệp về sự tiết kiệm để hướng đến nhóm khách hàng nhạy cảm về giá cả. Thông qua các nội dung này, thương hiệu tạo dựng hình ảnh là một lựa chọn tiết kiệm, đáng tin cậy.
Ví dụ: Thành công của Thế giới di động khi đã liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá sốc kèm truyền thông mạnh mẽ về giá cả cạnh tranh. Nhờ đó, họ xây dựng được hình ảnh thương hiệu bán lẻ điện thoại giá tốt, thu hút đông đảo khách hàng quan tâm đến giá cả.
5.3. Content brand định vị thương hiệu theo công dụng sản phẩm
Đây là chiến lược tập trung vào việc làm nổi bật công dụng thực tế của sản phẩm để định vị thương hiệu, giúp khách hàng hiểu rõ giá trị mà thương hiệu mang lại thông qua các nội dung: Giải quyết vấn đề của khách hàng, hướng dẫn sử dụng sản phẩm hiệu quả hay chia sẻ review – đánh giá thực tế từ người dùng.
Ví dụ: OMO là một nhãn hiệu bột giặt nổi tiếng luôn tập trung vào công dụng sản phẩm là đánh bật vết bẩn cứng đầu, giúp quần áo trắng sạch như mới. Hầu hết các chiến dịch quảng cáo của OMO đều xoay quanh công dụng này và khéo léo lồng ghép hình ảnh gắn liền với thực tế như những bà mẹ đảm đang cùng trẻ em vui chơi thoải mái nhờ sự hỗ trợ tuyệt vời từ bột giặt OMO.
5.4. Content brand định vị thương hiệu theo biểu tượng văn hóa
Chiến lược sử dụng các giá trị văn hóa truyền thống hoặc xu hướng xã hội để tạo dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng nhấn mạnh vào: Những câu chuyện truyền cảm hứng khơi gợi cảm xúc, các sự kiện văn hóa truyền thống,… Điều này giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi, thân thiện với người Việt và thể hiện rõ bản sắc văn hóa mà khách hàng dễ dàng đồng cảm.
Ví dụ: Nhãn hàng dầu ăn Neptune đã khéo léo lồng ghép hình ảnh gia đình đoàn viên vào sản phẩm của mình với những TVC đầy cảm xúc trong dịp tết đến xuân về với thông điệp: “Về nhà đón Tết, gia đình trên hết” năm 2010. Điều này giúp Neptune lúc bấy giờ trở thành một phần không thể thiếu trong bữa cơm gia đình Việt.
Tiếp nối thành công này, rất nhiều thương hiệu đã sử dụng hình ảnh quen thuộc của ngày Tết truyền thống nhằm tạo cảm giác gần gũi với người tiêu dùng Việt như Lifebuoy với MV “Tết Ổn Rồi”, Mirinda Vietnam với MV “Chuyện cũ bỏ qua” hay Bitis Hunter với series ăn khách “Đi để trở về”.
Như vậy, Content Branding không chỉ đơn thuần là việc tạo ra nội dung mà còn là chiến lược để quảng bá thương hiệu, xây dựng lòng tin và sự trung thành của khách hàng. Các thương hiệu lớn như Chocopie, Neptune, Mercedes-Benz,… đều đã thành công nhờ cách họ kể những câu chuyện chạm đến cảm xúc và giá trị của khách hàng.
Giờ là lúc để doanh nghiệp của bạn tự tạo nên dấu ấn riêng cho thương hiệu của mình với dịch vụ Branding Ads tại SEONGON – Giải pháp chuyên nghiệp để định vị thương hiệu bài bản trên nền tảng số. Liên hệ ngay để được SEONGON hỗ trợ tư vấn, giải đáp nhé!