Content Facebook được biết đến là những nội dung đăng tải trên facebook với đa dạng hình thức khác nhau nhằm mục đích: Quảng cáo thương hiệu, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, kết nối và tạo dựng niềm tin với khách hàng tiềm năng. Vậy như thế nào là cấu trúc content facebook chuẩn? Làm thế nào để tạo nên những content thu hút trên facebook? Trong bài viết này, SEONGON sẽ giúp bạn khám phá tất tần tật nhé!
1. Cấu trúc content Facebook gồm những thành phần gì?
Để tạo ra một bài content Facebook hấp dẫn và thu hút người dùng, việc xây dựng cấu trúc rõ ràng là điều vô cùng quan trọng. Thông thường, bố cục viết content facebook chuẩn bao gồm các phần: Tiêu đề, nội dung, liên kết, kêu gọi hành động, hashtag và hình ảnh/video.
1.1. Tiêu đề
Mỗi ngày, người dùng lướt Facebook có thể tiếp cận hàng trăm ngàn nội dung khác nhau. Vậy điều gì giúp bài viết của bạn trở nên nổi bật giữa “biển” content ngoài kia? Câu trả lời chính là tiêu đề – ấn tượng đầu tiên quyết định việc người đọc có “dừng chân” để theo dõi nội dung bài viết hay không. Một tiêu đề hấp dẫn, bắt mắt và gợi sự tò mò sẽ ngay lập tức thu hút sự sự quan tâm của người đọc chỉ trong vài giây đầu tiên và khiến họ tiếp tục đọc xuống dưới.
Mục tiêu: Thu hút sự chú ý ngay từ dòng đầu tiên.
Cách viết:
- Đặt câu hỏi gợi mở, kích thích sự tò mò của người đọc, thôi thúc họ tiếp tục theo dõi để tìm kiếm câu trả lời
- Sử dụng số liệu thống kê hoặc sự thật thú vị để để tạo hiệu ứng bất ngờ và thu hút sự quan tâm.
- Đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ để khẳng định sự khác biệt.
Ví dụ minh họa:
- “90% content Facebook không được chú ý chỉ vì thiếu yếu tố này…”
- “Bạn đã từng viết bài trên Facebook nhưng chẳng ai tương tác chưa?”
- “10 sai lầm chí mạng khiến content Facebook bị “flop”.”
- “Tôi đã áp dụng cách này để khiến content Facebook thu hút khách hàng và x2 doanh thu chỉ trong 3 tháng.”
1.2. Nội dung
“Content is King” và điều này vẫn luôn đúng đối với content facebook. Nếu tiêu đề hấp dẫn là yếu tố thu hút người đọc ngay từ đầu, thì nội dung chính là giá trị cốt lõi, thứ khiến họ gắn bó đến phút cuối. Khi bài viết mang lại thông tin hữu ích, đúng thứ người dùng tìm kiếm, họ sẽ có xu hướng tương tác, liên hệ để tìm hiểu thêm về sản phẩm/dịch vụ cung cấp và thậm chí quay lại nhiều lần sau.
Mục tiêu: Giữ chân người đọc bằng cách cung cấp những giá trị hữu ích, đáp ứng đúng nhu cầu của người đọc.
Cách triển khai:
- Bắt đầu với việc đưa ra vấn đề và phân tích một cách ngắn gọn để dễ dàng thu hút sự chú ý.
- Cung cấp giải pháp hữu ích, khả thi để thực hiện và mang tính ứng dụng cao.
- Có thể chia bài viết thành các bullet points, đoạn nhỏ, dạng bảng hay bất kỳ cách trình bày nào khác để người đọc dễ theo dõi hơn.
Lưu ý:
- Bố cục cần rõ ràng, logic và dễ đọc. Tuyệt đối cần tránh lan man, lạc đề sẽ khiến người đọc cảm thấy chán nản, tốn thời gian.
- Tránh sử dụng thuật ngữ chuyên ngành và thay vào đó, hãy sử dụng ngôn ngữ gần gũi, phù hợp với đối tượng người đọc.
- Độ dài phù hợp, không quá dài hoặc quá ngắn tùy thuộc với đối tượng người đọc. Ví dụ, những bài trong lĩnh vực nghiên cứu, mang yếu tố chuyên gia chia sẻ thì có thể từ 700 – 900 từ. Còn những dạng bài thông tin đơn thuần thì nên từ 300 – 600 từ.
- Sử dụng danh sách, điểm đánh dấu và hình ảnh minh họa để tăng tính trực quan cho nội dung.
1.3. Liên kết
Một bài content fanpage có thể chứa các liên kết đến các nguồn uy tín nhằm mục đích xác thực thông tin bạn cung cấp hoặc cung cấp thêm các thông tin sâu hơn giúp người đọc nghiên cứu thêm.
Mục tiêu: Liên kết đến các nguồn uy tín, liên quan đến nội dung và phù hợp với nhu cầu người đọc
Cách triển khai:
- Chọn những liên kết từ các nguồn đáng tin cậy như trang thông tin chính phủ, cơ quan báo chí (Vnexpress, Báo Thanh Niên,…), tổ chức nghiên cứu uy tín, trường đại học, chuyên gia trong ngành…
- Ưu tiên những liên kết dẫn đến các nội dung trên nền tảng Facebook ngay trên bài viết. Nếu muốn dẫn link đến các mạng xã hội khác hay bài đăng trên Google, bạn nên để chúng ở phần bình luận để tránh bị Facebook “bóp” tương tác.
- Chọn những liên kết đến nội dung có liên quan đến nội dung bài viết nhằm tối ưu trải nghiệm của người đọc.
Lưu ý:
- Tránh dẫn liên kết đến các trang web không đáng tin cậy
- Tránh dẫn liên kết đến nền tảng khác ngay trên bài viết
- Tránh liên kết đến nguồn tin đã lỗi thời hay không liên quan trực tiếp đến chủ đề bài viết đang đề cập.
1.4. Kêu gọi hành động (CTA)
CTA (Call To Action) được biết đến là lời kêu gọi người đọc hành động, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy họ thực hiện hành động mà thương hiệu mong muốn, từ đó tăng tương tác, tỷ lệ chuyển đổi.
Yêu cầu: Rõ ràng, mạnh mẽ, điều hướng người dùng thực hiện hành động.
Cách viết CTA hiệu quả:
- Thông thường, CTA cần phải tạo ra sự khan hiếm, gấp gáp (FOMO – Fear Of Missing Out) để khiến người đọc có cảm giác nếu họ không hành động thì coi như đã bỏ lỡ cơ hội.
- Nhấn mạnh lợi ích, để cho người đọc thấy được họ nhận được những gì khi thực hiện hành động.
Ví dụ:
- “Ưu đãi chỉ kéo dài đến 23:59 hôm nay! Đừng bỏ lỡ!”
- “Mua 1 tặng 1 – Chỉ dành cho 100 khách hàng đầu tiên!”
- “Thời gian chỉ còn 1 ngày! Đăng ký ngay để không đánh mất cơ hội tham gia.”
- “Bạn có muốn gia nhập vào đội ngũ của những người chiến thắng? Đăng ký ngay để trải nghiệm miễn phí.”
- “Bây giờ hoặc không bao giờ! Liên hệ ngay hotline để được tư vấn lộ trình chi tiết và cá nhân hóa.”
1.5. Hashtag
Với hashtag, bài viết trên facebook sẽ được tối ưu khả năng hiển thị trên Facebook và tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mục tiêu.
Mục tiêu: Tăng sức tiếp cận cho bài viết
Yêu cầu:
- Sử dụng hashtag thông minh, có liên quan mật thiết đến từ khóa chính, thương hiệu hay sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp.
- Sử dụng những hashtag thịnh hành trong ngành, được nhiều bên sử dụng để tối ưu hóa cơ hội xuất hiện.
- Tránh lạm dụng hashtag, hãy nhớ là chất lượng hơn số lượng, chỉ nên chọn những hashtag thực sự phù hợp và mang lại giá trị. Ngoài ra, bạn có thể tạo những hashtag mang thương hiệu riêng.
Ví dụ: “#tienganhgiaotiep”, “#khoahocSEO”, “#socialmediamarketing”, “#SEONGON”,…
1.6. Hình ảnh/video
Hình ảnh và video là những thành phần cần thiết để giúp bài viết trở nên sinh động, trực quan và thu hút sự chú ý của người đọc. Theo xu hướng hiện nay, người đọc thường xem hình ảnh trước khi đọc nội dung của bài viết.
Mục tiêu: Truyền tải thông điệp sinh động, trực quan, tăng tương tác
Yêu cầu:
- Hình ảnh sắc nét, chất lượng cao, không bị mờ nhòe
- Video có chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt – không bị vi phạm bản quyền
- Hình ảnh/video liên quan đến nội dung bài viết, truyền tải thông điệp trực quan
- Ưu tiên chèn logo, sử dụng màu sắc thương hiệu để tăng độ nhận diện
- Đảm bảo kích thước tối ưu đối với Facebook. Ví dụ như hình bài viết thông thường là 1080 x 1080 px
Bạn có biết? Không phải tất cả các dạng content Facebook hiện nay đều cần áp dụng đúng chuẩn theo cấu trúc SEONGON đề cập trên. Tùy vào mục đích, đối tượng người đọc cũng như loại bài viết, cách triển khai nội dung có thể tùy chỉnh linh hoạt.
Đối với dạng bài content bán hàng, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ hay chia sẻ kiến thức kinh nghiệm thì cấu trúc đầy đủ là điều cần thiết. Mục tiêu nhằm giúp người đọc dễ theo dõi, dễ tiếp thu và nền tảng cũng dễ đề xuất hơn. Với những dạng bài này, thứ tự các phần có thể điều chỉnh linh hoạt. Ví dụ: Liên kết có thể được chèn khéo léo ở ngay từ phần đầu bài. Vậy những dạng bài nào có thể tối giản cấu trúc? Đó là những bài viết tin tức giải trí, meme, câu chuyện vui, content viral theo trend,… |
2. Tại sao cần đảm bảo content Facebook chuẩn cấu trúc?
Việc xây dựng một bài content Facebook có bố cục rõ ràng mang lại nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm:
- Dễ tiếp thu thông tin – Với bố cục rõ ràng, người đọc dễ dàng nắm bắt thông tin chính chỉ trong vài giây. Họ hoàn toàn có thể lướt nhanh mà vẫn hiểu nội dung, tránh bị mất tập trung.
- Tăng tương tác & tiếp cận – Một bài viết sở hữu bố cục hợp lý, khoa học thì sẽ dễ giữ chân người đọc ở lại lâu hơn. Việc họ dành nhiều thời gian để đọc, tương tác (like, comment, share) sẽ khiến thuật toán Facebook hiểu rằng đây là nội dung được quan tâm và ưu tiên hiển thị.
- Tối ưu chuyển đổi – Cấu trúc content chuẩn sẽ giúp bạn dễ dàng lồng ghép CTA vào trong nội dung bài viết nhằm tạo cảm giác FOMO và khuyến khích người đọc hành động ngay.
- Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp – Cấu trúc bài viết gọn gàng, mạch lạc thể hiện sự đầu tư và chỉn chu về mặt nội dung. Điều này khiến thương hiệu trông chuyên nghiệp và đáng tin cậy hơn đối với người đọc.
3. Một số công thức viết content Facebook thu hút
Dưới đây là 8 công thức hiệu quả bạn nên nắm rõ để tạo nên những bài viết thực sự “chạm” đến khách hàng và khiến họ hành động, tăng tỷ lệ chuyển đổi cho sản phẩm/dịch vụ.
3.1. AIDA – mô hình content kinh điển từ thu hút dẫn đến chuyển đổi
AIDA tập trung vào việc dẫn dắt khách hàng đi qua 4 giai đoạn tâm lý, từ bị thu hút đến hành động với công thức như sau:
- Attention (Thu hút sự chú ý)
- Interest (Gây sự thích thú)
- Desire (Khơi gợi mong muốn)
- Action (Kêu gọi hành động)
3.2. PAS – Nhắm đến nỗi đau khách hàng và đưa ra giải pháp
PAS không đi sâu vào hành trình tâm lý mà tập trung vào việc xác định “nỗi đau” của khách hàng và đưa ra giải pháp cho họ với công thức sau:
- Problem (Vấn đề)
- Agitate (Kích thích)
- Solution (Giải pháp)
3.3. BAB – So sánh trước và sau
BAB là công thức so sánh tình trạng “Before” (Trước) và “After” (Sau) khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu nhằm giúp khách hàng hiểu về lợi ích sản phẩm/dịch vụ mang lại. Công thức cụ thể như sau:
- Before (Trước)
- After (Sau)
- Bridge (Cầu nối)
3.4. 3S – Gây chú ý bằng nội dung gây sốc
Công thức 3S tạo sự chú ý mạnh mẽ bằng những nội dung gây sốc, khiến người đọc ngạc nhiên, từ đó đưa ra thông tin quảng bá sản phẩm mới theo cách bất ngờ. Công thức này như sau:
- Star (Ngôi sao)
- Story (Câu chuyện)
- Solution (Giải pháp)
3.5. ACCA – Từng bước thuyết phục khách hàng
Công thức ACCA dẫn dắt khách hàng đi qua 4 giai đoạn tâm lý nhưng hướng đến thuyết phục họ bằng sự tin tưởng với những bằng chứng cụ thể (thay vì thu hút sự chú ý và thúc đẩy hành động ngay). Công thức thực hiện như sau:
- Attention (Thu hút)
- Comprehension (Thấu hiểu)
- Conviction (Thuyết phục)
- Action (Hành động)
3.6. 3E – Tạo sự đồng cảm
Công thức 3E hướng đến mục tiêu tạo nên sự đồng cảm với khách hàng bằng cách cung cấp kiến thức, khuyến khích tương tác và thúc đẩy hành động với công thức như sau:
- Educate (Giáo dục)
- Engage (Kêu gọi tham gia)
- Empower (Tạo động lực)
3.7. 4U – Tạo nội dung khẩn cấp và hấp dẫn
Công thức 4U hướng đến việc tạo ra nội dung khẩn cấp và thúc đẩy khách hàng hành động ngay lập tức, bao gồm:
- Useful (Hữu ích)
- Urgent (Cấp bách)
- Unique (Độc đáo)
- Ultra-specific (Cực kỳ cụ thể)
3.8. HSO – Kể một câu chuyện lôi cuốn
HSO là công thức hữu hiệu trong việc tạo sự kết nối cảm xúc với khách hàng, từ đó thúc đẩy họ hành động (đăng ký, mua sản phẩm/dịch vụ) thông qua:
- Headline (tiêu đề gây sự chú ý)
- Story (Kể câu chuyện thuyết phục)
- Offer (Đưa ra ưu đãi hấp dẫn)
Như vậy, trên đây là cấu trúc content facebook chuẩn với đầy đủ các phần bao gồm: Tiêu đề, nội dung, liên kết, kêu gọi hành động (CTA), hashtag và hình ảnh/video. Việc áp dụng đúng cấu trúc sẽ tạo nên nội dung bài viết hoàn chỉnh và dễ tiếp cận với người đọc. Bên cạnh đó, việc lựa chọn công thức content phù hợp như AIDA, PAS, BAB hay 3E sẽ giúp bài viết chạm đúng nhu cầu, cảm xúc của khách hàng và thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi.
Song, để thực sự tạo dấu ấn mạnh mẽ và chinh phục khách hàng, việc xây dựng một chiến lược định vị thương hiệu với lộ trình bài bản là điều cần thiết. Nếu chưa biết cách, tham khảo ngay dịch vụ Digital Branding của SEONGON – Đây là giải pháp giúp bạn xây dựng nội dung thu hút, nâng tầm thương hiệu bền vững trên nền tảng số bởi chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của chúng tôi.