Branding được hiểu là quá trình xây dựng hình ảnh và giá trị riêng cho doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng. Một chiến lược branding hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp nổi bật giữa đám đông, tạo lòng trung thành, tăng sức ảnh hưởng và thúc đẩy phát triển bền vững. Để hiểu hơn branding là gì và quy trình xây dựng thương hiệu thế nào, hãy cùng SEONGON tìm hiểu ngay sau đây.
1. Branding là gì?
Branding (xây dựng thương hiệu) là quá trình chủ động có chiến lược của doanh nghiệp nhằm tạo dựng, định hình và duy trì nhận thức tích cực về thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Ngoài việc thiết kế logo, tên gọi, màu sắc, slogan,… quá trình này còn bao gồm mọi trải nghiệm khách hàng có được khi tương tác với thương hiệu. Từ cách doanh nghiệp giao tiếp, bày trí sản phẩm/dịch vụ đến trải nghiệm xuyên suốt hành trình mua sắm.
Thuật ngữ “brand” bắt nguồn từ chữ “brandr” trong tiếng Bắc Âu cổ, được hiểu là “đốt cháy”. Cụ thể:
- Khoảng thế kỷ 15, từ này được dùng để mô tả hành động đánh dấu gia súc bằng sắt nung đỏ nhằm khẳng định quyền sở hữu và phân biệt giữa các chủ sở hữu. Nó được coi là một ký hiệu độc nhất, đóng vai trò nhận diện nguồn gốc. Do đó, brandr được xem là tiền thân sơ khai của logo thương hiệu trong thời hiện đại.
- Từ thế kỷ 13 – 17, khái niệm “brand” dần được áp dụng cho hàng hóa. Các thương nhân bắt đầu đánh dấu sản phẩm bằng ký hiệu riêng để thể hiện chất lượng và xuất xứ.
- Trong kinh tế hiện đại, brand không chỉ là một dấu hiệu nhận diện, mà còn bao hàm giá trị, cảm xúc và trải nghiệm gắn liền với sản phẩm hoặc doanh nghiệp đó.
Như vậy, có thể hiểu đơn giản “brand” là danh tiếng và nhận thức mà khách hàng có về một doanh nghiệp. Trong khi đó “branding” là tập hợp tất cả những hành động có chủ đích nhằm xây dựng, củng cố và duy trì những nhận thức tích cực ấy.
Trong thực tế, branding bao gồm các hoạt động như: thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, định hình tính cách thương hiệu, chiến lược truyền thông, trải nghiệm khách hàng và nhiều hoạt động khác.
2. Một số định nghĩa sai lầm về branding
Branding là một khái niệm rộng và đa chiều, tuy nhiên trong thực tế nhiều doanh nghiệp và cá nhân vẫn hiểu sai hoặc đơn giản hóa quá mức khái niệm này.
Branding chỉ là logo và bộ nhận diện
Đây là một trong những hiểu lầm thường gặp nhất về branding. Logo, màu sắc, kiểu chữ và thiết kế bộ nhận diện chỉ là phần hữu hình của thương hiệu mà. Trong khi đó, branding còn chứa những giá trị vô hình là:
- Giá trị cốt lõi – tầm nhìn chiến lược
- Tính cách và giọng điệu thể hiện
- Cảm nhận của khách hàng
- Lời hứa thương hiệu và mức độ thực hiện lời hứa đó
Do đó, branding không chỉ là cái “vỏ”, mà là cảm nhận tổng thể mà khách hàng có về doanh nghiệp bạn.
Branding là quảng cáo và marketing
Mặc dù branding, marketing và quảng cáo thường song hành trong các chiến dịch truyền thông, nhưng chúng không đồng nghĩa với nhau.
- Marketing là quá trình xác định những gì thị trường cần và giới thiệu những sản phẩm/dịch vụ phù hợp.
- Quảng cáo là hình thức truyền thông có trả phí nhằm giới thiệu và thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm.
- Branding là nền tảng chiến lược giúp định hình cách doanh nghiệp được nhận diện và ghi nhớ, cung cấp định hướng cho marketing và quảng cáo về: Giọng điệu truyền thông (tone of voice), thông điệp cốt lõi, hình ảnh và tính cách thương hiệu.
Hiểu đúng vai trò này giúp các hoạt động quảng bá có sự nhất quán và tăng độ tin cậy trong mắt khách hàng.
Branding chỉ dành cho các công ty lớn
Một lầm tưởng khác về branding là chỉ các tập đoàn lớn mới cần xây dựng thương hiệu. Trên thực tế, bất kỳ doanh nghiệp nào từ công ty nhỏ, startup cho đến các doanh nghiệp lớn đều có thương hiệu. Điều khác biệt là bạn chủ động xây dựng hay để người khác tự hình thành nhận định về bạn.
Việc các doanh nghiệp đầu tư bài bản vào branding sẽ giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng trung thành và dễ tạo khác biệt với đối thủ. Do vậy, branding không phải là đặc quyền, mà là nền tảng cạnh tranh quan trọng cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Branding chỉ liên quan đến team marketing
Branding không phải là nhiệm vụ của riêng bộ phận marketing. Thương hiệu được hình thành từ mọi trải nghiệm mà khách hàng có với doanh nghiệp, từ sản phẩm, dịch vụ, cách nhân viên giao tiếp đến quy trình chăm sóc khách hàng. Do đó, Branding là trách nhiệm của toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm cả lãnh đạo và nhân viên. Mọi tương tác của khách hàng với công ty đều góp phần xây dựng hoặc phá vỡ hình ảnh thương hiệu.
3. Mục đích của làm Branding
Xây dựng thương hiệu được xem là yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển và bứt phá. Vì thế, khi xây dựng thương hiệu bài bản sẽ mang đến nhiều lợi ích nổi bật cho doanh nghiệp:
- Tạo sự khác biệt và nổi bật
Branding giúp doanh nghiệp tạo ra bản sắc riêng, khiến sản phẩm / dịch vụ của bạn trở nên dễ nhận biết, đáng nhớ và độc đáo trong mắt khách hàng. Sự khác biệt này có thể đến từ chất lượng, giá trị, trải nghiệm, câu chuyện thương hiệu hay bất kỳ yếu tố nào mà khách hàng coi trọng. Nó được coi là “vũ khí mềm” giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng mục tiêu và tránh khỏi cuộc đua giảm giá kém bền vững.
- Tạo nhận thức và ghi nhớ thương hiệu
Branding giúp thương hiệu xuất hiện nhất quán và chuyên nghiệp trước mắt công chúng, từ đó tăng mức độ nhận diện và ghi nhớ. Khi thương hiệu được xây dựng tốt, khách hàng sẽ dễ nhận ra sản phẩm của bạn, gắn liền thương hiệu với một giá trị cụ thể. Đồng thời, nó giúp gợi nhớ đến bạn khi họ phát sinh nhu cầu tương ứng.
- Tạo dựng lòng tin và uy tín
Ngoài tên gọi và logo, thương hiệu còn là lời hứa với khách hàng. Một thương hiệu chất lượng cần tạo được sự chuyên nghiệp, tin tưởng và uy tín. Khi tạo được lòng tin của khách hàng với thương hiệu, họ sẽ cảm thấy an tâm hơn khi chọn sản phẩm / dịch vụ của bạn, trung thành hơn và sẵn sàng giới thiệu cho người khác.
- Kết nối cảm xúc với khách hàng
Branding hiệu quả không chỉ bán sản phẩm nhiều mà còn chạm vào cảm xúc khách hàng. Thương hiệu có thể khơi dậy cảm giác tự hào, tin tưởng, yêu thích hoặc thậm chí là niềm cảm hứng – một trong những yếu tố khiến khách hàng gắn bó lâu dài. Điều này có thể thực hiện qua việc chia sẻ câu chuyện thương hiệu, trải nghiệm tích cực,….
- Thu hút và giữ chân khách hàng
Branding hấp dẫn giúp thu hút khách hàng mới thông qua hình ảnh chuyên nghiệp, nội dung rõ ràng. Đồng thời, nó cũng giúp giữ chân khách hàng hiện tại bởi họ cảm nhận được sự nhất quán và giá trị lâu dài. Họ dễ dàng chấp nhận giá cao hơn và ít bị cuốn hút bởi đối thủ, từ đó duy trì được lòng trung thành và sự ủng hộ của khách hàng.
- Tạo lợi thế cạnh tranh
Thương hiệu không thể sao chép dễ dàng như sản phẩm. Một thương hiệu mạnh sẽ giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Nó giúp doanh nghiệp dễ mở rộng sang sản phẩm mới, ít bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh giá cả và khó bị thay thế trong tâm trí khách hàng.
- Tăng giá trị thương hiệu
Branding đúng cách sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu – một chỉ số vô hình nhưng có ảnh hưởng lớn đến giá trị doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có vị thế cao hơn có thể định giá sản phẩm/dịch vụ cao hơn, thu hút nhân tài và gây ấn tượng tốt với nhà đầu tư, đối tác.
- Hỗ trợ marketing và truyền thông
Branding giúp tất cả các hoạt động marketing từ nội dung quảng cáo, kênh truyền thông đến trải nghiệm người dùng trở nên nhất quán, dễ nhận diện và thuyết phục hơn. Điều này giúp tăng hiệu quả của quảng cáo, định hướng rõ ràng cho nội dung, hình ảnh và thông điệp. Đồng thời giúp thương hiệu nổi bật và dễ đi vào tâm trí khách hàng.
4. Quy trình xây dựng thương hiệu
Xây dựng thương hiệu là cách doanh nghiệp tạo dựng một hình ảnh, cảm nhận và giá trị nhất quán trong tâm trí khách hàng. Sau đây là quy trình xây dựng thương hiệu bài bản mà mọi công ty đều có thể tham khảo và áp dụng.
4.1. Giai đoạn 1: Nghiên cứu thị trường và phân tích
Đây là bước nền tảng giúp thương hiệu hiểu rõ mình đang đứng ở đâu, khách hàng là ai và thị trường vận hành như thế nào. Một thương hiệu không thể vững mạnh nếu không hiểu được chính mình. Giai đoạn nghiên cứu thị trường sẽ gồm 3 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường là bước để bao quát toàn cảnh về ngành hàng, khách hàng và đối thủ. Đây là bước bắt buộc trong quy trình xây dựng thương hiệu, nhằm tránh xây dựng thương hiệu dựa trên giả định chủ quan.
- Đối tượng mục tiêu: Xác định chân dung khách hàng lý tưởng của bạn là ai, bao nhiêu tuổi, làm gì, sống ở đâu, hành vi mua sắm ra sao, nhu cầu và “nỗi đau” họ đang gặp phải là gì.
- Đối thủ cạnh tranh: Phân tích điểm mạnh – yếu, phong cách truyền thông và thị phần của các đối thủ. Điều này giúp tìm ra khoảng trống thị trường, từ đó định vị thương hiệu một cách khác biệt.
- Xu hướng thị trường: Nắm bắt các xu hướng tiêu dùng, công nghệ, xã hội hoặc môi trường có thể ảnh hưởng đến hành vi mua hàng và quyết định thương hiệu.
Bước 2: Xác định bản sắc thương hiệu (Brand Identity)
Bản sắc được xem như là “linh hồn” của thương hiệu. Nó giúp định hình mọi yếu tố từ thiết kế, ngôn ngữ cho đến cách giao tiếp với khách hàng.
- Giá trị cốt lõi (Core Values): Là các quy tắc, niềm tin mà thương hiệu cam kết duy trì trong mọi hoạt động.
- Sứ mệnh (Mission): Trả lời câu hỏi “Mục đích thương hiệu tồn tại là gì?”, “Thương hiệu mong muốn đạt được gì?”. Đây là kim chỉ nam hướng dẫn hành động và truyền cảm hứng cho nội bộ.
- Tầm nhìn (Vision): Miêu tả tương lai mà thương hiệu mong muốn tạo dựng, thường là mục tiêu dài hạn và mang tính lý tưởng.
- Tính cách thương hiệu (Brand Personality): Là cách thương hiệu “hành xử” và “giao tiếp” với khách hàng (ví dụ: trẻ trung, thân thiện, sang trọng hay chuyên nghiệp)
- Câu chuyện thương hiệu (Brand Story): Là hành trình của thương hiệu từ khi khởi đầu, thử thách đến thành công. Những điều này được xây dựng thành câu chuyện và kể thật khéo léo để chạm vào cảm xúc khách hàng.
Bước 3: Định vị thương hiệu (Brand Positioning)
Định vị thương hiệu là cách để xác định rõ thương hiệu sẽ “đứng ở đâu” trong tâm trí khách hàng so với đối thủ. Nó giúp thương hiệu tránh bị “hòa tan” và tạo chỗ đứng riêng biệt.
- Hãy trả lời câu hỏi: “Thương hiệu của bạn khác biệt như thế nào và mang lại lợi ích gì đặc biệt cho khách hàng mục tiêu?”
- Xây dựng tuyên bố định vị thương hiệu (Brand Positioning Statement) rõ ràng và súc tích với 4 yếu tố gồm: Đối tượng mục tiêu, danh mục sản phẩm, lợi ích khác biệt chính và lý do để tin.
4.2. Giai đoạn 2: Xây dựng và phát triển thương hiệu
Sau khi hoàn tất giai đoạn nghiên cứu và định vị, doanh nghiệp bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển thương hiệu.
Bước 4: Phát triển bộ nhận diện thương hiệu (Visual Identity)
Bộ nhận diện thương hiệu chính là “diện mạo” của thương hiệu, giúp người dùng dễ nhận biết và phân biệt. Một bộ nhận diện hiệu quả không chỉ có tính thẩm mỹ cao mà còn phản ánh đúng phong cách và thông điệp của thương hiệu.
- Tên thương hiệu (Brand Name): Tên thương hiệu cần dễ nhớ, dễ đọc, dễ phát âm và có khả năng tạo liên tưởng tích cực. Ngoài ra, tên phải phù hợp với định vị và có thể đăng ký bảo hộ.
- Logo: Là biểu tượng hình ảnh thể hiện tinh thần cốt lõi của doanh nghiệp. Logo cần đơn giản, dễ nhận diện, có thể ứng dụng linh hoạt. Logo có thể gồm biểu tượng (icon), chữ cái (wordmark) hoặc kết hợp cả hai.
- Màu sắc: Màu sắc quyết định một phần cảm xúc của khách hàng. Việc xây dựng bảng màu chính – phụ giúp thương hiệu truyền đạt thông điệp một cách cảm tính và tạo sự đồng nhất trong các thiết kế.
- Font chữ: Cần phù hợp với phong cách thương hiệu. Ví dụ, font sans-serif hiện đại phù hợp với thương hiệu công nghệ, còn font serif mang cảm giác truyền thống, đáng tin cậy.
- Hình ảnh và phong cách thiết kế: Phong cách đồ họa, hình ảnh, icon, bố cục cần nhất quán trên mọi nền tảng: website, mạng xã hội, bao bì, POSM…
- Hướng dẫn sử dụng bộ nhận diện (Brand Guidelines): Là tài liệu quy định cách sử dụng logo, màu sắc, font, hình ảnh… Qua đó đảm bảo sự thống nhất trong mọi hoạt động truyền thông và thiết kế.
Bước 5: Xây dựng thông điệp thương hiệu
Thông điệp thương hiệu là cách thương hiệu “nói chuyện” với khách hàng qua câu chữ, giọng điệu và nội dung truyền tải. Điều này giúp kết nối bản sắc thương hiệu và cảm xúc khách hàng.
- Slogan/Tagline: Là câu khẩu hiệu ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ. Một tagline hiệu quả phải thể hiện được lợi ích hoặc giá trị nổi bật mà thương hiệu cam kết mang lại.
- Tone of Voice: Là cách thương hiệu sử dụng ngôn ngữ theo các cách như trang trọng, thân thiện, vui tươi, truyền cảm hứng, hài hước hay nghiêm túc. Tone of voice phải nhất quán trong mọi điểm chạm từ email, mạng xã hội đến nội dung quảng cáo.
- Nội dung (Content): Nội dung là công cụ truyền thông kết nối và duy trì mối quan hệ với khách hàng. Nội dung nên giải quyết nhu cầu/thắc mắc thực tế, thể hiện tính cách và giá trị thương hiệu, phù hợp với nền tảng, đồng thời truyền tải thông điệp rõ ràng, nhất quán.
Bước 6: Xây dựng trải nghiệm thương hiệu (Brand Experience)
Trải nghiệm thương hiệu là cảm nhận của khách hàng về thương hiệu thông qua sản phẩm, dịch vụ, website đến tương tác với nhân viên. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt bền vững trong các bước xây dựng thương hiệu.
- Sản phẩm/Dịch vụ: Chất lượng là nền tảng, sản phẩm/dịch vụ không chỉ tốt mà còn phải nhất quán với định vị thương hiệu
- Dịch vụ khách hàng: Thương hiệu nên đầu tư vào hệ thống CSKH thân thiện, chuyên nghiệp, xử lý nhanh.
- Môi trường tương tác: Bao gồm website, cửa hàng, app, showroom, tất cả cần được thiết kế đồng bộ về giao diện và trải nghiệm người dùng, thể hiện được tính cách thương hiệu.
- Văn hóa doanh nghiệp: Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố duy trì bản sắc và lan tỏa thương hiệu từ nội bộ ra bên ngoài, đặc biệt qua chính nhân viên.
4.3. Giai đoạn 3: Truyền thông và duy trì thương hiệu
Sau khi đã định hình bản sắc và xây dựng hệ thống nhận diện, thương hiệu cần được truyền thông ra thị trường một cách hiệu quả. Đây là giai đoạn quan trọng, giúp thương hiệu chiếm lĩnh tâm trí khách hàng và tăng cường giá trị lâu dài.
Bước 7: Truyền thông thương hiệu (Brand Communication)
Truyền thông thương hiệu là quá trình doanh nghiệp tiếp cận, tương tác và tạo mối quan hệ với khách hàng mục tiêu thông qua các kênh và chiến lược phù hợp.
- Lựa chọn kênh truyền thông: Xác định các nền tảng khách hàng mục tiêu thường xuyên sử dụng để phân bổ ngân sách hợp lý và đạt hiệu quả tối đa (Ví dụ, kênh online, offline, mạng xã hội, PR…).
- Triển khai các hoạt động marketing: Đảm bảo thông điệp thương hiệu nhất quán trên tất cả các hoạt động với khách hàng, từ quảng cáo cho đến tương tác trên mạng xã hội. Việc đồng bộ các chiến dịch giúp khách hàng dễ nhận biết và ghi nhớ hơn.
- Quan hệ công chúng (PR): Xây dựng mối quan hệ tốt với giới truyền thông để truyền tải thông điệp, quảng bá thương hiệu một cách tốt nhất.
- Truyền thông nội bộ: Một thương hiệu mạnh phải bắt đầu từ bên trong. Cần đào tạo, truyền cảm hứng để nhân viên hiểu và lan tỏa giá trị thương hiệu trong mọi hành vi, giao tiếp và hoạt động hằng ngày.
Bước 8: Đo lường và đánh giá hiệu quả
Việc đo lường giúp doanh nghiệp hiểu rõ mức độ thành công của các hoạt động branding và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.
- Theo dõi các chỉ số quan trọng như nhận diện thương hiệu, mức độ yêu thích, lòng trung thành, mức độ tương tác….
- Thu thập phản ứng của khách hàng qua khảo sát định kỳ, đánh giá (review), chatbot, phản hồi trên mạng xã hội hoặc dịch vụ khách hàng.
- Đánh giá hiệu quả của các hoạt động branding dựa trên KPI ban đầu như: chi phí trên mỗi lần chuyển đổi (CPA), doanh thu theo kênh, ROI của chiến dịch branding…
Bước 9: Duy trì và phát triển thương hiệu
Xây dựng thương hiệu không là quá trình dài hạn cần được nuôi dưỡng, bảo vệ và nâng tầm theo thời gian.
- Đảm bảo sự nhất quán trong tất cả các hoạt động như: truyền thông, thiết kế, hành vi nhân viên, sản phẩm, dịch vụ… Điều này giúp xây dựng niềm tin và sự tin tưởng lâu dài từ khách hàng.
- Lắng nghe và thích ứng với sự thay đổi của thị trường và khách hàng bằng cách cập nhật xu hướng, công nghệ và hành vi tiêu dùng mới.
- Không ngừng cải thiện trải nghiệm thương hiệu từ sản phẩm đến chương trình hậu mãi. Mỗi vấn đề đều cần chú trọng và tối ưu để mang đến sự hài lòng cho khách hàng.
- Tìm kiếm cơ hội để mở rộng và phát triển thương hiệu mở rộng phân khúc khách hàng, ra mắt dòng sản phẩm mới hay xây dựng thương hiệu con hoặc mở rộng thị trường quốc tế (nếu phù hợp).
Lưu ý:
|
5. Ví dụ về cách làm Branding của Vinamilk
Để hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng thương hiệu, bạn có thể tham khảo ví dụ về xây dựng thương hiệu của Vinamilk dưới đây:
1. Tên thương hiệu và logo
- Tên thương hiệu “Vinamilk” là sự kết hợp giữa “Vina” (viết tắt của “Việt Nam”) và “milk” (sữa), mang ý nghĩa “sữa Việt Nam”. Cái tên này ngắn gọn, dễ nhớ và dễ phát âm, thể hiện rõ nguồn gốc và niềm tự hào dân tộc của thương hiệu.
- Logo cũ: Logo trước đây của Vinamilk có dạng phù hiệu (emblem) với hình giọt sữa cách điệu kết hợp cùng tên thương hiệu màu xanh dương và trắng. Thiết kế này tạo cảm giác tươi mát, tự nhiên và đáng tin cậy, thể hiện định vị thương hiệu trong giai đoạn đó.
- Logo mới (từ năm 2023): Ngày 6/7/2023, Vinamilk công bố bộ nhận diện thương hiệu mới. Logo mới được viết tay mạnh mẽ, phóng khoáng với điểm nhấn là nụ cười trên chấm chữ “i”, tạo cảm giác thân thiện và gần gũi. Hình ảnh giọt sữa được tích hợp vào phần bụng của chữ “a” gợi nhớ về giá trị cốt lõi của thương hiệu. Dòng chữ “Est 1976” giúp khẳng định sự bền vững của thương trong suốt 47 năm qua.
2. Câu khẩu hiệu (Slogan)
- Các khẩu hiệu trước đây như “Chất lượng quốc tế, chất lượng Vinamilk” nhấn mạnh vào chất lượng sản phẩm, khẳng định Vinamilk cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng thể hiện chất riêng của thương hiệu.
- Khẩu hiệu “Vươn cao Việt Nam” được dùng từ năm 2008, gắn liền cùng các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) nhằm phát triển thể chất trẻ em Việt Nam. Khẩu hiệu này được sử dụng để thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh của Vinamilk trong việc nâng cao tầm vóc và sức khỏe của người Việt.
- Khẩu hiệu mới “Hành trình mới” thể hiện sự đổi mới và phát triển không ngừng của Vinamilk. Nó phản ánh khát khao vì tầm vóc và hạnh phúc quốc gia với nét chữ viết tay đầy mạnh mẽ, phóng khoáng.
3. Nhận diện thị giác (Visual Identity)
- Màu sắc chủ đạo: Trước năm 2023, Vinamilk sử dụng hai màu xanh dương và trắng trong logo, tạo cảm giác tin tưởng, an toàn và tinh khiết, phù hợp với ngành sữa. Từ năm 2023, bộ nhận diện mới bổ sung các gam màu tươi sáng, lấy cảm hứng từ văn hóa và ẩm thực Việt Nam, nhằm thể hiện sự đa dạng, trẻ trung và năng động của thương hiệu.
- Thiết kế bao bì: Vinamilk áp dụng phong cách thiết kế tối giản và hiện đại cho bao bì sản phẩm. Điều này giúp thương hiệu nổi bật trên kệ hàng và truyền tải câu chuyện về nguồn gốc từ các trang trại xanh, thân thiện với môi trường
- Hình ảnh và phông chữ: Vinamilk sử dụng hình ảnh gia đình, trẻ em và thiên nhiên trong quảng cáo nhằm củng cố hình ảnh thương hiệu quan tâm đến sức khỏe và cộng đồng. Bộ nhận diện mới bao gồm 3 kiểu chữ tùy chỉnh là VNM Display, VNM Standard và VNM Text, kết hợp giữa phong cách viết tay và thiết kế kỹ thuật số. Điều này thể hiện sự hiện đại và chuyên nghiệp của Vinamilk.
4. Giá trị thương hiệu
- Chất lượng: Vinamilk luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu từ việc chọn lọc nguyên liệu đến quy trình sản xuất hiện đại. Các nhà máy và trang trại của công ty tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, FDA (Hoa Kỳ), HALAL, Organic EU và GMP.
- Sức khỏe: Sản phẩm của Vinamilk cung cấp giá trị dinh dưỡng cao cho cộng đồng với sự tôn trọng, tình yêu và trách nhiệm, hướng đến việc cải thiện sức khỏe cho người tiêu dùng.
- Gia đình và cộng đồng: Vinamilk tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tập trung vào các giá trị gia đình, tình yêu thương và trách nhiệm xã hội. Các chương trình như “Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam” là ví dụ điển hình cho cam kết của công ty đối với cộng đồng.
- Niềm tự hào Việt Nam: Là thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam, Vinamilk không chỉ được người tiêu dùng trong nước tin tưởng mà còn vươn ra thị trường quốc tế, khẳng định vị thế và niềm tự hào dân tộc.
5. Hoạt động truyền thông và marketing
- Quảng cáo: Vinamilk liên tục triển khai các chiến dịch quảng cáo trên TV, báo chí và mạng xã hội với thông điệp gần gũi, dễ nhớ. Một số quảng cáo nổi bật gồm “Con bò cười té ghế”, “Sữa tươi 100%” và “Vươn cao Việt Nam”.
- Quan hệ công chúng (PR): Vinamilk tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tài trợ giáo dục, thể thao và văn hóa, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trách nhiệm. Chiến dịch “Vinamilk est.1976, how about you?” là ví dụ cho cách tiếp cận sáng tạo trong tái định vị thương hiệu.
- Truyền thông số: Công ty đẩy mạnh hiện diện trên website, mạng xã hội và YouTube, chú trọng tạo nội dung hấp dẫn, phù hợp từng phân khúc để tăng tương tác và xây dựng cộng đồng.
- Hợp tác với người nổi tiếng và KOLs: Vinamilk đã hợp tác với nhiều người nổi tiếng và KOLs để quảng bá sản phẩm và tăng cường nhận diện thương hiệu.
Bài viết trên đây đã chia sẻ các thông tin chi tiết giúp bạn hiểu branding là gì, mục đích và quy trình xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp. Để giúp quá trình này được thực hiện bài bản và hiệu quả nhất, bạn có thể tham khảo dịch vụ Branding Ads của SEONGON. Với kinh nghiệm dày dạn qua nhiều dự án, chúng tôi tự tin có thể mang đến những giải pháp marketing phù hợp nhất. Hãy liên hệ với SEONGON ngay để được hỗ trợ.