Mã Facebook Pixel được tích hợp vào website nhằm mục đích theo dõi hành vi người dùng và báo cáo dữ liệu về Facebook để tối ưu quảng cáo. Facebook Pixel hoạt động như thế nào và cách gắn Pixel vào trang web sao cho thu thập thông tin chính xác nhất sẽ được SEONGON giải thích chi tiết trong bài viết này. Cùng tìm hiểu nhé!
1. Facebook Pixel là gì? Công dụng của Pixel
Để có thể ứng dụng Facebook Pixel vào công việc tiếp thị, bạn cần hiểu rõ Facebook Pixel là gì cũng như công dụng của nó.
1.1. Pixel Facebook là gì?
Theo Meta, Facebook Pixel là một mã được gắn vào trang web để thu thập và đo lường dữ liệu, xây dựng và tối ưu tệp đối tượng cho các chiến dịch quảng cáo. Nói một cách dễ hiểu, Facebook Pixel là “mắt thần” với nhiệm vụ hỗ trợ Facebook theo dõi những gì đang diễn ra trên website của bạn. Chính vì hoạt động của Pixel Facebook mà những gì bạn tìm kiếm trên Website thường hiển thị trên newfeed của bạn. Nhiệm vụ chính của Pixel là:
- Theo dõi người dùng: Facebook Pixel bí mật ghi lại hành vi của khách hàng khi họ truy cập vào trang web. Pixel đọc vị nhanh chóng nguồn khách hàng truy cập, thời gian họ ở lại, danh mục họ xem và theo dõi toàn bộ động thái của họ trên trang web như thêm sản phẩm vào giỏ hàng, bấm nút mua ngay, đăng ký,…
- Báo cáo cho Facebook: Những dữ liệu mà Pixel thu thập được sẽ được “báo cáo” đầy đủ và chi tiết cho Facebook. Nền tảng sẽ dựa vào thông tin từ mắt thần để tối ưu hóa quảng cáo, định vị tệp người dùng, đo lường hiệu quả chiến dịch, giúp bạn tiếp thị hiệu quả đồng thời tiết kiệm chi phí.
1.2. Công dụng của Facebook Pixel
Pixel Facebook được phát triển bởi Meta có nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong các chiến dịch quảng cáo. Dữ liệu từ “mắt thần” chỉ điểm cho Facebook đối tượng nào nên hiển thị quảng cáo để mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Hiển thị quảng cáo đến đúng người là công dụng quan trọng nhất của Facebook Pixel. Bằng việc ghi nhớ đối tượng đã ghé thăm trang, hành vi xem sản phẩm và mua hàng của họ, Facebook nắm rõ nhu cầu của từng người và ưu tiên hiển thị quảng cáo phù hợp với người đó.
- Tìm khách hàng mới hoặc khách hàng có hành vi tương tự với đối tượng mục tiêu bạn đề ra. Facebook Pixel giúp doanh nghiệp “bám đuôi” khách hàng tiềm năng (target audience) và khách hàng giống với đối tượng đã tương tác (lookalike audience) và tích cực hiển thị quảng cáo đến họ. Nhờ vậy, quảng cáo sẽ hiển thị đến đúng người có nhu cầu, tăng khả năng mua hàng và giảm thiểu đáng kể tiền quảng cáo.
- Cải thiện doanh số thông qua tính năng tự động đặt giá thầu của Facebook. Facebook sẽ phân tích hàng ngàn người dùng từ dữ liệu Pixel, sau đó ước tính giá thầu cho mỗi lần hiển thị đến đối tượng có khả năng mua hàng cao nhất. Nhờ vậy, cơ hội bán được hàng, tăng doanh số và sâu xa hơn là lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ cao hơn.
- Đo lường hiệu quả quảng cáo bằng cách cho người dùng biết số lượng đơn hàng, lượt chuyển đổi và doanh thu của từng chiến dịch quảng cáo. Ngoài ra, mắt thần còn gửi cho nền tảng các dữ liệu về hành trình của người dùng trên website. Hơn thế nữa, Facebook Pixel hỗ trợ so sánh các nhóm quảng cáo để bạn đầu tư vào chiến dịch tối ưu nhất.
2. Cách hoạt động của Facebook Pixel
Để đạt được yêu cầu của Meta, Facebook Pixel Code phải làm việc chăm chỉ thông qua các nhiệm vụ sau:
2.1. Theo dõi hành vi người dùng
Khi bạn cài đặt Facebook Pixel (nay gọi là Meta Pixel) trên website, công cụ này ngay lập tức ghi lại các hành vi mà người dùng thực hiện trên trang web, cụ thể là:
- Nhấp vào và xem thông tin một sản phẩm.
- Thêm sản phẩm vào giỏ hàng.
- Bắt đầu thanh toán.
- Hoàn tất mua sắm.
Chuỗi hành động này được gọi với thuật ngữ “sự kiện” (events). Doanh nghiệp có thể theo dõi các sự kiện này trong Trình quản lý sự kiện trên Meta. Qua đó, bạn dễ dàng nắm bắt hành vi của khách hàng trên website và tận dụng thông tin này để điều chỉnh quảng cáo, bao gồm thay đổi đối tượng, tăng giảm ngân sách,…
2.2. Xử lý dữ liệu đo lường được
Không chỉ thu thập, Facebook Pixel còn cung cấp những kết quả phân tích từ những số liệu thu được.
- Đo lường hiệu quả quảng cáo: Facebook Pixel sẽ cho bạn biết về lượt chuyển đổi cũng như khả năng đáp ứng mục tiêu của một quảng cáo, chẳng hạn mua hàng, đăng ký, truy cập trang đích.
- Tối ưu quảng cáo: Thông qua dữ liệu từ Pixel, Meta liên tục cải thiện hiểu biết về tệp khách hàng tiềm năng và phác họa chân dung người dùng cụ thể hơn. Nhờ vậy, quảng cáo sẽ hiển thị đến đúng người có tiềm năng mua hàng với chi phí tốt nhất cho doanh nghiệp.
- Nhắm lại mục tiêu (remarketing): Pixel ghi nhớ “tất tần tật” dữ liệu của khách hàng sau đó phân chia họ thành từng nhóm có cùng hành vi. Dựa vào đó, bạn triển khai nội dung phù hợp và chạy quảng cáo tới từng nhóm đối tượng. Ví dụ nhóm người đã bỏ vào giỏ hàng nhưng chưa thanh toán sẽ bị thu hút ngay bởi một quảng cáo khuyến mãi. Đó là cách Pixel giúp bạn nhắm lại mục tiêu.
2.3. Kết hợp với API chuyển đổi
Pixel gửi dữ liệu cho Facebook qua trình duyệt như Chrome, Safari, Cốc Cốc, Firefox. Những trình duyệt này sẽ chặn pixel, tức cookie của bên thứ ba (third-party) nhằm bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu người dùng. Như vậy, dữ liệu Pixel chuyển về Facebook sẽ không đầy đủ, dẫn đến khó phân tích và tối ưu quảng cáo.
Để tăng độ chính xác khi chia sẻ dữ liệu về Meta, người ta ứng thêm API Chuyển đổi (Conversions API). Khác với Pixel, API chuyển đổi gửi dữ liệu về thẳng máy chủ mà không qua trình duyệt. Nhờ sự kết hợp này mà:
- Hạn chế nguy cơ mất dữ liệu khi người dùng chặn cookie hoặc giới hạn theo dõi trên các thiết bị (như trên iOS).
- Đảm bảo tính chính xác khi đo lường kết quả chiến dịch nhờ thu thập đầy đủ thông tin.
- Đảm bảo khả năng theo dõi và ghi nhận dữ liệu khi Pixel bị vô hiệu quả hoặc bị ngăn chặn khả năng hoạt động.
Lưu ý về chính sách
|
3. Cách cài đặt Facebook Pixel chuyên nghiệp
Trước khi tiến hành cài đặt Facebook Pixel cho website, bạn phải có toàn quyền truy cập và kiểm soát hồ sơ doanh nghiệp. Sau đó, bạn thực hiện các bước tạo tập dữ liệu và thiết lập Pixel Facebook Code.
3.1. Cách tạo tập dữ liệu cho Pixel
Để tạo tập dữ liệu cho Pixel, bạn cần truy cập vào Trình quản lý kinh doanh trên Meta và thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Truy cập vào mục Cài đặt cho doanh nghiệp và chọn Doanh nghiệp của bạn.
- Bước 2: Trong thanh menu ở bên trái, bạn chọn Nguồn dữ liệu, sau đó nhấp vào Tập dữ liệu.
- Bước 3: Nhấp vào nút + Thêm gần thanh tìm kiếm.
- Bước 4: Điền tên tập dữ liệu để dễ lựa chọn và quản lý.
- Bước 5: Chỉ định người quản lý, đối tác và kết nối các tài sản khác vào tệp dữ liệu (không bắt buộc).
3.2. Các bước thiết lập Pixel Facebook
- Bước 1: Truy cập vào Meta và đi đến Trình quản lý sự kiện.
- Bước 2: Tại menu bên trái, nhấp vào
Nguồn dữ liệu, chọn tên và ID của tập dữ liệu.
- Bước 3: Click chuột vào Thiết lập Meta Pixel.
- Bước 4: Lựa chọn phương thức cài đặt mã Pixel bằng cách thủ công hoặc tích hợp đối tác.
Khi chọn phương pháp thủ công, bạn tiến hành các bước sau:
- Bước 1: Sao chép mã cơ sở Pixel.
- Bước 2: Dán mã cơ sở đã sao chép vào phần cuối tiêu đề và bên trên thẻ đóng tiêu đề (</head>) và nhấp vào ô tiếp tục.
- Bước 3: Kéo chấm tròn sang xanh bên trái để bật tính năng So khớp nâng cao tự động và chọn tiếp tục.
- Bước 4: Chọn mục thêm sự kiện.
- Bước 5: Sao chép URL sự kiện và dán vào ô theo hướng dẫn.
Khi chọn phương pháp thủ công, bạn tiến hành các bước sau
- Bước 1: Chọn một đối tác mà bạn muốn hợp tác lấy dữ liệu thông qua API.
- Bước 2: Trên giao diện của đối tác, bạn nhấp vào mục kết nối tài khoản.
- Bước 3: Chọn tập dữ liệu có sẵn hoặc tạo tập dữ liệu mới và nhấp vào ô tiếp.
- Bước 4:. Nhấp chuột vào đi đến Shopify.
- Bước 5: Khi tab mới hiện lên, đăng nhập vào Shopify.
- Bước 6: Vào phần cài đặt trong nền tảng, sau đó chọn Customer Events.
- Bước 7: Ở giao diện kết nối tài khoản, chọn tiếp.
- Bước 8: Thêm URL của trang web và xác nhận.
4. Một số câu hỏi thường gặp về Facebook Pixel
Phải có website tôi mới sử dụng được Pixel Facebook?
Đúng. Facebook Pixel chỉ hoạt động khi bạn có một website để gắn mã. Nếu bạn chưa có website riêng, bạn có thể tham khảo các nền tảng có tích hợp Pixel như Shopify, WordPress để gắn mã Pixel. Thế nhưng, khả năng thu thập và đo lường có thể bị hạn chế.
Một tài khoản Facebook có thể tạo bao nhiêu Pixel?
Mỗi tài khoản Trình quản lý doanh nghiệp có thể tạo đến 100 Pixel khác nhau. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cài đặt một Pixel duy nhất cho mỗi Website để quản lý dữ liệu tập trung, tránh tình trạng loạn dữ liệu và tối ưu sai quảng cáo.
Một mã Pixel có thể gắn được vào bao nhiêu website?
Facebook cho phép một mã Pixel hoạt động trên không giới hạn số lượng website. Thế nhưng, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn tạo Pixel riêng để quản lý cho các website phục vụ cho mục đích khác nhau.
Tài khoản quảng cáo Facebook cá nhân có thể tạo Pixel Facebook không?
Mỗi tài khoản Facebook cá nhân chỉ được phép tạo 1 Pixel. Nếu có nhu cầu tạo nhiều Pixel, bạn chuyển sang Trình quản lý doanh nghiệp Trình quản lý doanh nghiệp (Business Manager).
Nuôi Pixel là gì?
Là quá trình gắn Pixel lên Website và chạy ads để Pixel thực hiện nhiệm vụ thu thập dữ liệu người dùng. Số lượng dữ liệu thu thập được càng lớn, khả năng tối ưu quảng cáo càng hiệu quả.
Có thể thấy, Facebook Pixel có vai trò then chốt trong việc tối ưu Facebook Ads. Không chỉ theo dõi hành vi người dùng 24/7, công cụ này còn cung cấp dữ liệu chính xác và giá trị để doanh nghiệp thấu hiểu người dùng cũng như tái tiếp thị hiệu quả. Tận dụng Facebook Pixel là phương án cần thiết để doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong cách chiến dịch quảng cáo.
Hy vọng với những diễn giải về Facebook Pixel đến từ SEONGON, bạn đã hiểu hơn về công cụ thu thập dữ liệu này. Nếu có bất kỳ câu hỏi gì về Facebook Pixel nói riêng cũng như dịch vụ Facebook Ads nói chung, vui lòng liên hệ SEONGON để được giải đáp cụ thể từ đội ngũ chuyên viên với kinh nghiệm thực chiến qua 5000 doanh nghiệp.