Thanh toán Google Ads có vẻ phức tạp nhưng thực tế lại rất đơn giản nếu bạn nắm rõ các bước. Bài viết này sẽ là cẩm nang chi tiết, giúp bạn gỡ rối mọi thắc mắc về phương thức, cơ chế và cách thiết lập thanh toán, đảm bảo chiến dịch quảng cáo của bạn diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Cùng SEONGON tìm hiểu ngay!
1. Tổng quan về thanh toán Google Ads
Thanh toán Google Ads là quy trình nhà quảng cáo chi trả các chi phí quảng cáo của họ trên mạng lưới của nền tảng quảng cáo của Google. Mạng lưới này bao gồm Google Tìm kiếm (Search), hiển thị (Display Network – GDN), YouTube, các ứng dụng di động (Apps) và Google mua sắm (Shopping). Chi phí này được xác định dựa trên các hành động cụ thể như lượt nhấp (Pay-per-click – PPC), lượt hiển thị (Cost-per-mille – CPM) hoặc các tương tác khác, tùy thuộc vào loại chiến dịch và cài đặt giá thầu.
Về bản chất, thanh toán Google Ads là việc bạn trả tiền cho Google. Đổi lại, bạn có được cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua nền tảng quảng cáo của họ.
Vai trò của việc thanh toán Google Ads:
- Duy trì hoạt động quảng cáo liên tục: Thanh toán đúng hạn giúp quảng cáo không bị gián đoạn, tránh mất khách hàng và doanh thu. Nếu hết tiền hoặc thẻ bị từ chối, Google sẽ ngừng phân phối ngay.
- Kích hoạt tài khoản và chiến dịch: Với tài khoản thanh toán thủ công (phổ biến ở Việt Nam), cần nạp tiền trước thì quảng cáo mới được chạy, dù đã thiết lập đầy đủ.
- Kiểm soát ngân sách hiệu quả: Hình thức thanh toán (thủ công hay tự động) và phương thức sử dụng (thẻ, MoMo, chuyển khoản…) ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý chi tiêu và tránh phát sinh ngoài ý muốn.
2. Các phương thức thanh toán Google Ads được chấp nhận tại Việt Nam
Bảng so sánh nhanh các phương thức thanh toán Google Ads tại Việt Nam
Tiêu chí |
Thẻ Visa/Mastercard |
Ví điện tử MoMo |
Chuyển khoản Ngân hàng |
Loại cài đặt |
Tự động & Thủ công |
Chỉ thủ công |
Chỉ thủ công |
Tốc độ xử lý |
Nhanh |
Nhanh (liên kết/trừ tiền), có thể trễ cập nhật |
Chậm (2 – 5 ngày làm việc) |
Yêu cầu chính |
Thẻ quốc tế, kích hoạt online/QT |
TK Google Ads (VN, VND), TK MoMo liên kết |
Tài khoản ngân hàng |
Phí tiềm ẩn |
Forex (~1.1%), VAT, Phí thẻ (thường niên) |
VAT, (Không phí Forex/thẻ) |
VAT, Phí chuyển khoản (từ NH người gửi) |
Mức nạp tối thiểu |
Không quy định chung (tùy NH/thẻ) |
~160.000 – 170.000 VNĐ |
Có thể có (cần kiểm tra trong TK Ads) |
Ưu điểm |
Tiện lợi, tự động hóa, ngân sách lớn |
Phổ biến, không phí thẻ/Forex, kiểm soát tốt |
An toàn, không cần thẻ/ví |
Nhược điểm |
Phí Forex/thẻ, rủi ro bảo mật |
Chỉ thủ công, cần nạp tiền chủ động |
Chậm, chỉ thủ công, cần nạp tiền chủ động |
Lưu ý: VAT áp dụng cho tất cả các phương thức. Phí Forex có thể thay đổi/loại bỏ khi thanh toán cho Google Việt Nam bằng VNĐ.
Việc lựa chọn phương thức thanh toán Google Ads phù hợp là một bước quan trọng trong quá trình thiết lập và quản lý tài khoản Google quảng cáo tại Việt Nam. Google cung cấp nhiều lựa chọn khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà quảng cáo. Dưới đây là thông tin chi tiết của từng loại:
2.1. Thẻ tín dụng/Ghi nợ Quốc tế (Visa/Mastercard)
Đây là phương thức thanh toán Google Ads phổ biến trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Google Ads chấp nhận các loại thẻ chính như Visa và Mastercard. Cả thẻ tín dụng (Credit Card) và thẻ ghi nợ (Debit Card) có logo Visa/Mastercard đều có thể sử dụng.
Yêu cầu:
- Thẻ phải được kích hoạt chức năng thanh toán trực tuyến và quốc tế.
- Thông tin nhập vào Google Ads (số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV/CVC, tên chủ thẻ, địa chỉ thanh toán) phải trùng khớp tuyệt đối với thông tin đăng ký tại ngân hàng.
- Sai lệch dù nhỏ cũng có thể khiến giao dịch bị từ chối.
Quy trình thêm thẻ & nạp tiền:
- Việc thêm thẻ có thể thực hiện trong quá trình tạo tài khoản mới hoặc thêm vào tài khoản hiện có thông qua mục Thanh toán.
Tiếp theo, bạn chọn “Phương thức thanh toán” và chọn tiếp “Thêm phương thức thanh toán”.
- Chọn “Thêm thẻ ứng dụng hoặc thẻ ghi nợ”.
- Điền thông tin thẻ của bạn vào và bấm “Lưu thẻ” sau khi hoàn thành.
- Sau khi thêm thẻ thành công, bạn sẽ thấy có thông tin thẻ của bạn ở mục Phương thức thanh toán. Bạn điền số tiền muốn nạp vào (tối thiểu 160.000đ) -> Đồng ý với điều khoản và chính sách và Gửi.
- Khi thêm thẻ mới, Google thường thực hiện một khoản phí xác minh tạm thời (khoảng 1 USD, tương đương ~20.000 VNĐ) để kiểm tra tính hợp lệ của thẻ. Khoản phí này sẽ được hoàn lại vào tài khoản thẻ của bạn sau vài phút hoặc vài ngày.
Ưu điểm:
- Rất tiện lợi, giao dịch thường được xử lý nhanh chóng
- Phù hợp cho cả cài đặt thanh toán tự động và thủ công
- Cho phép chạy các chiến dịch với ngân sách lớn và ổn định.
Nhược điểm:
- Phí giao dịch quốc tế/chuyển đổi ngoại tệ: Nếu thanh toán cho Google Asia Pacific (Singapore) hoặc dùng đơn vị tiền tệ khác VNĐ, ngân hàng tại Việt Nam có thể thu thêm phí giao dịch quốc tế, thường khoảng 1.1% giá trị giao dịch. Tuy nhiên, từ tháng 4/2025, nếu thanh toán trực tiếp cho Google Việt Nam bằng VNĐ, khoản phí này có thể không còn áp dụng.
- Phí thẻ: Bao gồm phí phát hành thẻ ban đầu và phí thường niên để duy trì thẻ, mức phí này thay đổi tùy ngân hàng.
- Rủi ro bảo mật: Luôn tiềm ẩn rủi ro lộ thông tin thẻ nếu không bảo mật tốt.
Gợi ý ngân hàng: Các ngân hàng như Techcombank, Vietcombank, ACB, TPBank, BIDV, VIB và MBBank được cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam đánh giá cao nhờ tính ổn định và phí giao dịch hợp lý khi dùng thẻ Visa/Mastercard. Tuy nhiên, do chính sách và biểu phí có thể thay đổi, bạn nên kiểm tra trực tiếp với ngân hàng trước khi sử dụng.
2.2. Ví điện tử MoMo
MoMo là ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam và được Google chính thức tích hợp làm phương thức thanh toán Google Ads. Điều này thể hiện sự địa phương hóa của Google.
Điều kiện sử dụng:
- Để sử dụng MoMo, tài khoản Google Ads của bạn bắt buộc phải có địa chỉ thanh toán đặt tại Việt Nam và sử dụng đơn vị tiền tệ là Đồng Việt Nam (VNĐ).
- Đồng thời, tài khoản MoMo của bạn cần được liên kết thành công với tài khoản Google Ads.
- Trong quá trình liên kết lần đầu, bạn có thể cần phải tắt tính năng chặn cửa sổ bật lên (pop-up blocker) trên trình duyệt web.
Cơ chế hoạt động: Hiện tại, MoMo chỉ được hỗ trợ cho cài đặt thanh toán Google Ads thủ công. Điều này có nghĩa là bạn phải chủ động nạp tiền vào tài khoản Google Ads thông qua MoMo trước khi quảng cáo của bạn chạy.
Quy trình liên kết thẻ Momo/Nạp tiền:
- Đăng nhập vào tài khoản Google Ads, đi đến “Thanh toán” > “Thêm phương thức thanh toán” (Tương tự quy trình thêm thẻ đã được trình bày ở phần 2.1. Thẻ tín dụng/Ghi nợ Quốc tế (Visa/Mastercard))
- Chọn “Thêm Ví MoMo” (Add MoMo Wallet) làm phương thức thanh toán -> bấm Tiếp tục
- Một cửa sổ/tab mới của MoMo sẽ hiện ra yêu cầu xác nhận liên kết hoặc quét mã QR bằng ứng dụng MoMo trên điện thoại. Lưu ý thời gian quét mã QR thường có giới hạn (ví dụ: 4 phút).
- Bạn xác nhận giao dịch trên ứng dụng MoMo để hoàn tất việc nạp tiền/liên kết.
- Sau khi bạn hoàn tất, bạn sẽ nhận được thông báo liên kết thành công.
- Khi thêm thẻ thành công, bạn sẽ thấy có thông tin ví MoMo của bạn ở mục Phương thức thanh toán. Bạn nhập số tiền muốn nạp vào (tối thiểu 160.000đ -> Đồng ý với điều khoản và chính sách và Gửi.
Ưu điểm:
- Rất tiện lợi cho người dùng đã quen thuộc với MoMo
- Không mất phí phát hành hay phí thường niên như thẻ ngân hàng, không chịu phí giao dịch quốc tế
- Giúp kiểm soát chi tiêu chặt chẽ do là hình thức trả trước.
Nhược điểm:
- Chỉ sử dụng được cho thanh toán thủ công, đòi hỏi phải chủ động theo dõi và nạp tiền thường xuyên để tránh gián đoạn quảng cáo.
- Có thể có độ trễ trong việc cập nhật số dư vào tài khoản Google Ads sau khi nạp tiền thành công (một số nguồn đề cập có thể mất đến 24 giờ sau khi nhận email xác nhận, dù việc trừ tiền trên MoMo có thể diễn ra ngay lập tức).
- Yêu cầu tài khoản Google Ads phải sử dụng đơn vị tiền tệ VNĐ.
2.3. Chuyển khoản ngân hàng (Chuyển tiền – Bank Transfer)
Chuyển khoản ngân hàng cũng là một cách thanh toán Google Ads được Google hỗ trợ. Đây là phương thức thanh toán Google Ads thủ công.
Quy trình:
- Khi chọn phương thức này, Google sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về một tài khoản ngân hàng ảo duy nhất, bao gồm tên ngân hàng, số tài khoản, tên người nhận.
- Bạn cần sử dụng thông tin này để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình, có thể thông qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến (Internet Banking/Mobile Banking) hoặc thực hiện tại quầy giao dịch của ngân hàng.
Ưu điểm:
- Mức độ an toàn cao
- Là lựa chọn thay thế tốt nếu bạn không có hoặc không muốn sử dụng thẻ tín dụng/ghi nợ hay ví điện tử.
Nhược điểm:
- Chỉ dùng cho thanh toán Google Ads thủ công.
- Thời gian để số tiền được cập nhật vào tài khoản Google Ads sau khi chuyển khoản thường khá chậm, có thể mất từ 2 đến 5 ngày làm việc, tùy thuộc vào ngân hàng và thời gian xử lý của Google. Điều này đòi hỏi bạn phải lập kế hoạch nạp tiền trước khá xa để tránh quảng cáo bị gián đoạn.
- Ngân hàng của bạn có thể thu phí chuyển khoản.
3. 2 cơ chế thanh toán Google Ads
Google cung cấp hai hình thức chính: thanh toán tự động và thanh toán thủ công. Việc hiểu rõ sự khác biệt, ưu nhược điểm của từng loại giúp bạn chọn cách thanh toán phù hợp với mô hình kinh doanh và chiến lược ngân sách.
Bảng so sánh cơ chế thanh toán Google Ads tự động và thủ công
Tiêu chí |
Thanh toán tự động |
Thanh toán thủ công |
Cơ chế |
Trả sau khi chi tiêu tích lũy |
Trả trước khi chi tiêu |
Thời điểm trả tiền |
Khi đạt ngưỡng hoặc ngày đầu tháng |
Khi chủ động nạp tiền |
Phương thức chính (thường) |
Thẻ tín dụng/ghi nợ quốc tế |
Thẻ, MoMo, Chuyển khoản Ngân hàng |
Kiểm soát ngân sách |
Thấp hơn (có thể vượt ngưỡng, bị trừ nhiều lần) |
Cao (chỉ tiêu trong số dư đã nạp) |
Tính liên tục của quảng cáo |
Cao (ít gián đoạn nếu thẻ OK) |
Thấp hơn (dừng nếu hết tiền) |
Mức độ quản lý cần thiết |
Thấp (hệ thống tự động) |
Cao (phải theo dõi, nạp tiền chủ động) |
Rủi ro chính |
Chi tiêu bất ngờ, lỗi thẻ |
Gián đoạn quảng cáo do quên nạp tiền |
Phù hợp với ai |
Doanh nghiệp ngân sách ổn định, ưu tiên liên tục, dùng thẻ |
Doanh nghiệp/Cá nhân ngân sách hạn chế, muốn kiểm soát, dùng MoMo/chuyển khoản |
3.1. Thanh toán tự động (Automatic Payments)
Cơ chế hoạt động: Với cài đặt này, bạn sẽ bị tính phí sau khi quảng cáo của bạn đã chạy và tích lũy chi phí. Google sẽ tự động trừ tiền từ phương thức thanh toán Google Ads chính mà bạn đã chỉ định (thường là thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ quốc tế). Việc trừ tiền xảy ra theo một trong hai điều kiện đến trước:
- Khi tổng chi phí chưa thanh toán của bạn đạt đến một mức nhất định, gọi là ngưỡng thanh toán (payment threshold).
- Vào một ngày cố định trong tháng (thường là ngày đầu tiên của tháng) cho bất kỳ chi phí nào đã phát sinh nhưng chưa đạt đến ngưỡng thanh toán Google Ads.
Ưu điểm:
- Tiện lợi và tiết kiệm thời gian: Bạn không cần phải thực hiện thao tác thanh toán thủ công lặp đi lặp lại. Hệ thống tự động xử lý việc thanh toán.
- Đảm bảo tính liên tục của quảng cáo: Giảm thiểu nguy cơ quảng cáo bị tạm dừng do quên nạp tiền hoặc thanh toán Google Ads trễ.
Nhược điểm:
- Khó kiểm soát chi tiêu tức thời: Nếu chiến dịch chi tiêu nhanh, bạn có thể bị trừ tiền nhiều lần trong tháng mỗi khi đạt ngưỡng, điều này có thể gây bất ngờ nếu không theo dõi sát sao.
- Ngưỡng thanh toán có thể tự động tăng: Google có thể tự động nâng ngưỡng thanh toán của bạn dựa trên lịch sử chi tiêu và thanh toán Google Ads thành công, dẫn đến các khoản phí lớn hơn dự kiến trong một lần trừ tiền.
- Yêu cầu phương thức thanh toán ổn định: Thường yêu cầu thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ quốc tế có đủ hạn mức/số dư và thông tin cần cập nhật liên tục.
- Bạn có thể chuyển đổi cài đặt thanh toán trong -> “Thanh toán” -> “Cài đặt”.
- Tìm mục “Cách thức thanh toán” và chọn “Thanh toán tự động” (nếu có sẵn).
3.2. Thanh toán thủ công (Manual Payments)
Cơ chế hoạt động: Với cài đặt thanh toán Google Ads thủ công, bạn cần nạp tiền vào tài khoản Google Ads của mình trước khi quảng cáo bắt đầu chạy. Khi quảng cáo hoạt động, chi phí sẽ được trừ dần vào số dư bạn đã nạp. Nếu số dư về 0, quảng cáo sẽ tự động dừng lại cho đến khi bạn nạp thêm tiền.
Ưu điểm:
- Kiểm soát ngân sách tuyệt đối: Bạn chỉ chi tiêu số tiền đã có trong tài khoản, không bao giờ lo lắng về việc bị trừ tiền vượt quá số dư hoặc các khoản phí bất ngờ.
- Phù hợp với ngân sách hạn chế/không ổn định: Rất thích hợp cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân mới bắt đầu hoặc những người có dòng tiền không đều, cho phép quản lý chi tiêu một cách thận trọng.
Nhược điểm:
- Nguy cơ gián đoạn quảng cáo cao: Nếu bạn quên theo dõi số dư và nạp tiền kịp thời, quảng cáo sẽ bị dừng, làm lỡ cơ hội tiếp cận khách hàng.
- Đòi hỏi quản lý chủ động: Bạn phải thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản và thực hiện thao tác nạp tiền. Mặc dù Google có thể gửi email thông báo khi số dư sắp cạn (ví dụ: còn 30%), trách nhiệm chính vẫn thuộc về bạn.
Lưu ý với tài khoản Google Ads tại Việt Nam:
- Tài khoản mới thường được mặc định thanh toán thủ công, phản ánh nỗ lực giảm rủi ro chi tiêu và phù hợp với thói quen dùng ví điện tử như MoMo (chỉ hỗ trợ thủ công).
- Thiết lập này giúp người dùng mới chủ động kiểm soát ngân sách ngay từ đầu.
- Bạn vẫn có thể chuyển đổi giữa hai hình thức thanh toán nếu tài khoản và quốc gia đủ điều kiện.
Vậy nên chọn cơ chế thanh toán Google Ads nào?
- Nên chọn thanh toán tự động khi: Bạn là doanh nghiệp có ngân sách quảng cáo ổn định, dòng tiền tốt, muốn tối ưu hóa thời gian quản lý, ưu tiên cao nhất là đảm bảo quảng cáo chạy liên tục không bị gián đoạn và có sẵn thẻ tín dụng/ghi nợ quốc tế đáng tin cậy.
- Nên chọn thanh toán thủ công khi: Bạn có ngân sách hạn chế, muốn kiểm soát chi tiêu một cách chặt chẽ nhất, muốn sử dụng MoMo hoặc chuyển khoản ngân hàng, là người mới bắt đầu và muốn làm quen dần với việc chi tiêu trên Google Ads, hoặc đơn giản là muốn tránh mọi khoản phí tự động bất ngờ.
4. Hướng dẫn thiết lập thanh toán Google Ads từ A đến Z
Thiết lập thông tin thanh toán Google Ads là một bước bắt buộc và quan trọng để kích hoạt tài khoản và bắt đầu chạy quảng cáo Google. Quy trình này có thể thực hiện ngay trong lúc tạo tài khoản mới hoặc cập nhật cho tài khoản đã có.
4.1. Chuẩn bị cần thiết
Trước khi bắt đầu, hãy đảm bảo bạn đã chuẩn bị sẵn các thông tin sau:
- Tài khoản Google Ads: Đã đăng ký hoặc đang trong quá trình đăng ký.
- Phương thức thanh toán Google Ads hợp lệ:
- Thẻ Visa/Mastercard: Số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV/CVC, tên chủ thẻ, địa chỉ thanh toán đã đăng ký với ngân hàng.
- Tài khoản MoMo: Đã đăng ký, xác thực và liên kết với số điện thoại.
- Thông tin tài khoản ngân hàng: Nếu chọn phương thức chuyển tiền.
- Thông tin Doanh nghiệp/Cá nhân: Tên đầy đủ, địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ nhà riêng hợp pháp, chính xác.
- Mã số thuế (MST): Nếu bạn là doanh nghiệp và muốn nhận hóa đơn VAT hợp lệ để kê khai thuế, việc cung cấp MST là bắt buộc (đặc biệt với quy định mới từ Google Việt Nam).
4.2. Thiết lập lần đầu (Trong quá trình tạo tài khoản Google Ads mới)
Quy trình này thường diễn ra sau khi bạn đã nhập thông tin cơ bản về doanh nghiệp và thiết lập chiến dịch đầu tiên.
1 – Truy cập trang Thanh toán: Hệ thống sẽ tự động chuyển bạn đến trang “Nhập thông tin tài khoản và thông tin thanh toán”.
2 – Chọn Quốc gia và Múi giờ:
- Trong mục “Quốc gia thanh toán”, chọn “Việt Nam”. Lựa chọn này sẽ quyết định các phương thức thanh toán và đơn vị tiền tệ khả dụng (thường là VNĐ).
- Kiểm tra và đảm bảo “Múi giờ” được chọn là “(GMT+07:00) Giờ Đông Dương” (hoặc múi giờ phù hợp với Việt Nam). Múi giờ ảnh hưởng đến báo cáo và lịch trình quảng cáo.
3 – Tạo Hồ sơ thanh toán (Payment Profile):
- Nhấp vào “Tạo hồ sơ thanh toán mới”.
- Chọn “Loại hồ sơ”: “Tổ chức” (Organization) nếu bạn là doanh nghiệp, hoặc “Cá nhân” (Individual) nếu bạn là cá nhân kinh doanh. Lựa chọn này quan trọng cho mục đích thuế và hóa đơn.
- Nhập “Tên và địa chỉ”: Điền tên pháp lý (tên công ty trên giấy phép kinh doanh hoặc tên cá nhân) và địa chỉ đăng ký chính xác.
- Nhập “Thông tin thuế tại Việt Nam”: Nếu là Tổ chức, bạn sẽ thấy mục để nhập Mã số thuế. Hãy điền MST của doanh nghiệp bạn vào đây.
- Nhấp “Tạo” hoặc “Lưu”: Để hoàn tất hồ sơ.
4 – Thêm Phương thức thanh toán Google Ads (Payment Method):
- Nhấp vào “Thêm phương thức thanh toán”.
- Chọn phương thức thanh toán Google Ads bạn muốn sử dụng: “Thêm thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ” hoặc “Thêm Ví MoMo” (nếu bạn chọn cài đặt thanh toán thủ công và quốc gia là Việt Nam).
5 – Nhập chi tiết Phương thức thanh toán:
- Nếu chọn thẻ: Nhập số thẻ, tháng/năm hết hạn, mã CVV/CVC.
- Nếu chọn MoMo: Làm theo các bước hướng dẫn để liên kết tài khoản MoMo (thường là quét mã QR hoặc xác nhận trên ứng dụng MoMo).
6 – Đồng ý Điều khoản và Gửi: Đánh dấu vào ô đồng ý với các Điều khoản và Điều kiện của Google Ads và nhấp “Gửi” hoặc “Hoàn tất”.
7 – Nạp tiền (Nếu chọn Thanh toán Thủ công): Sau khi thiết lập thành công, nếu bạn chọn thanh toán Google Ads thủ công, bạn cần thực hiện “Nạp tiền” lần đầu để tài khoản có số dư và quảng cáo có thể bắt đầu chạy.
4.3. Thêm/Chỉnh sửa/Xóa Phương thức thanh toán (Cho tài khoản Google Ads hiện có)
Bạn có thể quản lý các phương thức thanh toán Google Ads của mình bất cứ lúc nào.
1 – Truy cập mục phương thức thanh toán:
- Đăng nhập vào tài khoản Google Ads.
- Chọn Thanh toán
- Đi đến mục Phương thức thanh toán.
2 – Thêm phương thức mới: Các bước chi tiết đã được trình bày ở phần 2.1. Thẻ tín dụng/Ghi nợ Quốc tế (Visa/Mastercard) và 2.2. Ví điện tử MoMo.
3 – Cập nhật biệt hiệu hoặc ngày hết hạn của thẻ:
- Trong tài khoản Google Ads, hãy nhấp vào biểu tượng Thanh toán -> Nhấp vào Cài đặt.
- Tìm mục “Phương thức thanh toán” rồi làm theo hướng dẫn trong mục đó để cập nhật.
- Lưu ý: Nếu số thẻ tín dụng hoặc số tài khoản ngân hàng của bạn thay đổi, bạn sẽ cần thêm số mới làm phương thức thanh toán mới và xóa phương thức thanh toán Google Ads cũ.
4 – Xóa phương thức thanh toán:
- Tìm phương thức thanh toán Google Ads bạn muốn xóa và nhấp vào “Xóa bỏ” (Remove).
- Lưu ý:
- Bạn cần thêm phương thức thanh toán mới rồi mới có thể xóa phương thức thanh toán.
- Bạn không thể xóa phương thức thanh toán Google Ads đang được đặt làm phương thức chính nếu không có phương thức chính nào khác thay thế.
4.4. Thiết lập phương thức thanh toán chính và dự phòng
Việc có một phương thức thanh toán Google Ads dự phòng (Backup payment method) là rất quan trọng. Nếu phương thức thanh toán chính của bạn gặp lỗi (ví dụ: thẻ hết hạn, không đủ tiền), Google Ads sẽ tự động thử tính phí vào phương thức dự phòng, giúp quảng cáo của bạn không bị gián đoạn.
Cách thiết lập:
- Trong trang “Phương thức thanh toán”, bạn sẽ thấy danh sách các phương thức đã thêm (cách truy cập tương tự như những phần trước)
- Bên cạnh mỗi phương thức thanh toán Google Ads thường sẽ có một trình đơn thả xuống hoặc tùy chọn để đặt nó làm “Chính” (Primary) hoặc “Dự phòng” (Backup).
- Bạn cần có ít nhất một phương thức thanh toán Google Ads chính. Nên thêm ít nhất một phương thức dự phòng nếu có thể.
Lưu ý – Phân biệt Hồ sơ thanh toán và Phương thức thanh toán:
- Hồ sơ thanh toán chứa thông tin pháp lý và thuế (tên, địa chỉ, loại tài khoản, mã số thuế).
- Phương thức thanh toán là công cụ cụ thể để chi trả (Visa, Mastercard, MoMo…).
- Một hồ sơ có thể liên kết với nhiều phương thức. Việc khai báo đúng loại tài khoản và mã số thuế giúp đảm bảo tuân thủ quy định và nhận hóa đơn VAT hợp lệ, đặc biệt khi Google chuyển sang pháp nhân tại Việt Nam.
- Google tách biệt hai khái niệm để quản lý thuế và pháp lý hiệu quả theo từng quốc gia.
5. Hướng dẫn xử lý các vấn đề thanh toán Google Ads phổ biến
Ngay cả khi đã thiết lập cẩn thận, các vấn đề liên quan đến thanh toán Google Ads vẫn có thể xảy ra trong quá trình chạy quảng cáo. Hiểu rõ các sự cố phổ biến, nguyên nhân và cách khắc phục kịp thời sẽ giúp nhà quảng cáo giảm thiểu tác động tiêu cực đến chiến dịch và tài khoản của mình.
5.1. Thanh toán bị từ chối (Payment Declined / Failed Payment)
Đây là sự cố thường gặp nhất. Khi Google cố gắng thực hiện một khoản thanh toán Google Ads (tự động hoặc thủ công) nhưng không thành công, bạn sẽ nhận được thông báo lỗi.
Nguyên nhân phổ biến:
- Thông tin thẻ/tài khoản không chính xác: Sai số thẻ, ngày hết hạn đã qua, sai mã CVV/CVC, tên chủ thẻ không khớp, địa chỉ thanh toán nhập vào Google Ads không trùng khớp với địa chỉ đăng ký với ngân hàng.
- Không đủ tiền/hạn mức tín dụng: Số dư trong tài khoản ghi nợ hoặc hạn mức tín dụng còn lại không đủ để chi trả khoản phí.
- Thẻ bị khóa/hạn chế: Thẻ bị ngân hàng khóa do nghi ngờ gian lận, hết hạn, bị báo mất, hoặc bị giới hạn giao dịch trực tuyến/quốc tế.
- Ngân hàng/Công ty phát hành thẻ từ chối: Ngân hàng có thể từ chối giao dịch vì lý do bảo mật, chính sách nội bộ, giới hạn giao dịch hàng ngày/hàng tháng hoặc lỗi kỹ thuật từ phía họ. Điều quan trọng cần nhớ là Google không phải là bên từ chối thanh toán, mà là ngân hàng hoặc tổ chức phát hành thẻ của bạn.
- Vấn đề với thẻ ảo/thẻ dùng một lần: Sử dụng sai cách, hết hạn sử dụng, hoặc vượt quá số tiền/số lần giao dịch được phép.
Cách kiểm tra:[d][e] Bạn có thể xem thông tin chi tiết về các khoản thanh toán bị từ chối trong phần Tóm lược thanh toán trong Google Ads. Thông tin này bao gồm:
- Ngày thanh toán bị từ chối
- Số tiền của khoản thanh toán bị từ chối
- Lý do từ chối (nếu có)
Cách khắc phục:
- Kiểm tra và cập nhật thông tin thanh toán: Rà soát lại kỹ lưỡng thông tin thẻ/MoMo trong mục “Phương thức thanh toán” của Google Ads. Đảm bảo mọi thứ đều chính xác và cập nhật (đặc biệt là ngày hết hạn thẻ).
- Liên hệ ngân hàng/công ty thẻ: Đây là bước quan trọng nhất. Gọi điện thoại hoặc liên hệ trực tiếp với ngân hàng/tổ chức phát hành thẻ của bạn. Cung cấp thông tin về giao dịch bị từ chối và yêu cầu họ cho biết lý do cụ thể. Họ có thể cần bạn xác nhận giao dịch hoặc gỡ bỏ các hạn chế trên thẻ/tài khoản.
- Thử thanh toán lại: Sau khi đã khắc phục vấn đề với ngân hàng và cập nhật thông tin trong Google Ads (nếu cần), bạn có thể thử thực hiện lại thanh toán thủ công (nếu dùng cài đặt thủ công) hoặc chờ Google tự động thử lại (thường sau một khoảng thời gian nhất định đối với cài đặt tự động). Bạn cũng có thể kích hoạt lại phương thức thanh toán bị từ chối trong cài đặt.
- Sử dụng phương thức thanh toán Google Ads dự phòng: Nếu có sẵn, hãy thử thanh toán bằng phương thức dự phòng hoặc thêm một phương thức mới đáng tin cậy hơn.
5.2. Tài khoản bị tạm ngưng do vấn đề thanh toán (Account Suspension due to Billing/Payment Issues)
Đây là tình huống nghiêm trọng hơn, khi Google tạm dừng toàn bộ hoạt động của tài khoản quảng cáo do các vấn đề liên quan đến thanh toán Google Ads.
Nguyên nhân:
- Số dư chưa thanh toán (Unpaid Balance): Không thanh toán các khoản phí quảng cáo đã tích lũy và quá hạn.
- Hoạt động thanh toán đáng ngờ (Suspicious Payment Activity): Hệ thống của Google phát hiện các hành vi thanh toán bất thường, có dấu hiệu gian lận hoặc rủi ro cao (ví dụ: sử dụng thẻ bị đánh cắp, thông tin thanh toán không nhất quán, thay đổi phương thức thanh toán Google Ads liên tục một cách đáng ngờ). Đây là lý do tạm ngưng rất phổ biến, đặc biệt với các tài khoản mới hoặc có thay đổi lớn gần đây.
- Lạm dụng mã khuyến mãi (Promotional Code Abuse): Cố gắng sử dụng mã khuyến mãi nhiều lần, bán lại mã hoặc vi phạm các điều khoản của chương trình khuyến mãi.
- Yêu cầu hoàn tiền không hợp lệ (Chargeback Request): Yêu cầu ngân hàng hoàn lại một khoản phí đã thanh toán cho Google mà không có lý do chính đáng hoặc không thông qua quy trình khiếu nại của Google trước.
Cách xác định:
- Bạn sẽ thấy một thông báo lớn màu đỏ ngay trên giao diện tài khoản Google Ads khi đăng nhập, nêu rõ tài khoản bị tạm ngưng và lý do (ví dụ: “Tài khoản của bạn bị tạm ngưng do chúng tôi phát hiện hoạt động thanh toán đáng ngờ”).
- Google cũng sẽ gửi email thông báo đến địa chỉ email quản trị tài khoản.
Cách khắc phục/Khiếu nại:
- Đọc kỹ thông báo: Xác định chính xác lý do tạm ngưng được Google nêu ra.
- Khắc phục vấn đề gốc: Nếu là số dư chưa thanh toán, hãy thực hiện thanh toán Google Ads ngay lập tức. Nếu là hoạt động đáng ngờ, hãy rà soát lại tất cả các phương thức thanh toán, thông tin hồ sơ, lịch sử giao dịch gần đây xem có gì bất thường không. Đảm bảo thông tin là chính xác và hợp lệ.
- Chuẩn bị thông tin/giấy tờ: Sẵn sàng cung cấp các giấy tờ xác minh danh tính (CMND/CCCD, hộ chiếu), giấy phép kinh doanh (nếu là tổ chức), sao kê ngân hàng/thẻ tín dụng liên quan đến phương thức thanh toán Google Ads, hóa đơn tiện ích để chứng minh địa chỉ,…
- Gửi đơn khiếu nại (Appeal): Trong thông báo tạm ngưng thường có nút “Liên hệ với chúng tôi” hoặc đường dẫn để gửi khiếu nại. Điền vào biểu mẫu khiếu nại một cách cẩn thận, trung thực và chi tiết. Giải thích rõ ràng tình huống, các bước bạn đã thực hiện để khắc phục vấn đề và cung cấp bằng chứng (tệp đính kèm) để chứng minh tài khoản của bạn hợp lệ và tuân thủ chính sách.
- Kiên nhẫn chờ đợi: Google sẽ xem xét đơn khiếu nại của bạn. Quá trình này có thể mất từ vài ngày đến vài tuần. Tránh gửi nhiều đơn khiếu nại cho cùng một vấn đề vì có thể làm chậm quá trình xử lý. Google sẽ phản hồi kết quả qua email. Nếu khiếu nại thành công, tài khoản sẽ được kích hoạt lại. Nếu không thành công, tài khoản có thể bị tạm ngưng vĩnh viễn.
5.3. Xác minh phương thức thanh toán Google Ads (Payment Method Verification)
Đôi khi, Google sẽ yêu cầu bạn xác minh rằng bạn là chủ sở hữu hợp pháp của phương thức thanh toán Google Ads mà bạn đang sử dụng.
Lý do yêu cầu: Thường xảy ra khi bạn thêm phương thức thanh toán Google Ads mới, thay đổi phương thức chính, thực hiện thanh toán lớn hoặc khi hệ thống phát hiện hoạt động có vẻ bất thường cần xác thực thêm để đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định.
Quy trình: Google sẽ thông báo cho bạn qua email (từ địa chỉ noreply-payments@google.com) hoặc hiển thị cảnh báo trong tài khoản Google Ads. Quy trình xác minh có thể bao gồm một hoặc cả hai hình thức sau:
- Xác minh bằng mã (Verification Code): Google thực hiện một khoản phí nhỏ (dưới 1.95 USD hoặc tương đương VNĐ) vào thẻ/tài khoản của bạn với nội dung “GOOGLE”. Bạn cần kiểm tra sao kê giao dịch của mình, tìm khoản phí này và nhập 6 chữ số cuối cùng của mã giao dịch vào Google Ads để xác minh. Khoản phí này chỉ là tạm thời và sẽ được hoàn lại sau đó. Quá trình nhận mã có thể mất đến 7 ngày.
- Xác minh bằng giấy tờ (Document Upload): Google yêu cầu bạn tải lên hình ảnh hoặc bản quét các giấy tờ chứng minh danh tính và quyền sở hữu phương thức thanh toán. Các giấy tờ thường được yêu cầu bao gồm: giấy tờ tùy thân có ảnh (CMND/CCCD, hộ chiếu, bằng lái xe), sao kê ngân hàng gần đây có tên và địa chỉ của bạn hoặc hình ảnh mặt trước của thẻ tín dụng (cần che đi một phần số thẻ để bảo mật). Giấy tờ phải còn hiệu lực, rõ ràng, đầy đủ thông tin và chụp đủ 4 góc.
Cách thực hiện: Nhấp vào đường dẫn “Xác minh ngay” hoặc “Khắc phục vấn đề” trong email/thông báo và làm theo hướng dẫn chi tiết để nhập mã hoặc tải lên giấy tờ được yêu cầu. Quá trình xem xét giấy tờ có thể mất vài ngày.
Thanh toán Google Ads không còn là rào cản khi bạn đã hiểu rõ các phương thức, cơ chế và cách xử lý vấn đề. Việc thiết lập và quản lý thanh toán đúng cách là nền tảng vững chắc cho mọi chiến dịch quảng cáo thành công. Nếu bạn muốn chiến dịch quảng cáo tiếp cận tối đa khách hàng tiềm năng, tối ưu chi phí hoặc quản lý tài khoản “chuẩn” quy định, đừng ngần ngại tìm đến dịch vụ quảng cáo Google của SEONGON!