Mô hình AIDA là gì mà nhiều người làm Marketing kể cả mới vào nghề đến nhiều năm kinh nghiệm đều ứng dụng cho chiến dịch của mình. Bạn vẫn chưa nắm rõ công thức AIDA là gì và cách ứng dụng mô hình này như thế nào cho kế hoạch Marketing sắp tới? SEONGON sẽ hướng dẫn cho bạn trong bài viết này.
1. AIDA là gì? Vai trò của AIDA trong lĩnh vực Marketing
Mô hình AIDA ngày càng được sử dụng rộng rãi trong Marketing. Tuy nhiên, không phải Marketer nào cũng biết AIDA là gì. Dưới đây là giải thích của SEONGON về mô hình này và vai trò của nó trong lĩnh vực Marketing.
1.1. AIDA là gì?
AIDA là mô hình gồm 4 giai đoạn được ghép từ 4 chữ cái đầu tiên trong 4 từ gồm Attention, Interest, Desire và Action.
- Attention (sự chú ý): Giai đoạn đầu tiên có ý nghĩa là thu hút sự chú ý từ khách hàng mục tiêu. Điều này có thể đạt được thông qua các hình ảnh bắt mắt, tiêu đề hấp dẫn hoặc bất kỳ yếu tố nào có thể gây ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ.
- Interest (sự thích thú): Sau khi thu hút được sự chú ý, bước tiếp theo là khơi dậy sự thích thú của khách hàng thông qua việc cung cấp thông tin thú vị hoặc hữu ích. Nội dung ở giai đoạn này cần đánh vào nhu cầu hoặc vấn đề của khách hàng để khiến họ cảm thấy quan tâm.
- Desire (mong muốn): Khi khách hàng đã quan tâm, giai đoạn này nhằm tạo ra mong muốn hoặc nhu cầu thực sự về sản phẩm/dịch vụ. Bằng cách nhấn mạnh lợi ích hoặc giá trị của sản phẩm, các nhà tiếp thị giúp khách hàng hình dung được giá trị mà họ sẽ nhận được.
- Action (hành động): Đây là giai đoạn cuối, khi khách hàng được khuyến khích thực hiện những hành động cụ thể, như mua hàng, đăng ký, hoặc liên hệ. Những yếu tố như lời kêu gọi hành động (CTA) mạnh mẽ có thể thúc đẩy quyết định của khách hàng ở giai đoạn này.
Mô hình AIDA mô tả quá trình một người tiêu dùng đưa tới quyết định mua hàng. Mô hình này giúp marketers xây dựng các chiến lược để dẫn dắt khách hàng từ giai đoạn nhận thức đến quyết định mua hàng.
Ví dụ: Bạn muốn bán một chiếc điện thoại mới. Bạn sẽ:
- Thu hút sự chú ý: Đăng một bức ảnh chiếc điện thoại với thiết kế bắt mắt, màu sắc nổi bật.
- Tạo sự quan tâm: Nêu bật các tính năng nổi trội như camera siêu nét, pin siêu bền, màn hình lớn.
- Tạo mong muốn: So sánh sản phẩm, dịch vụ của bạn với đối thủ cạnh tranh và nhấn mạnh những ưu điểm vượt trội với mục đích cho người dùng biết được những ưu điểm đấy có thể mang lại giá trị gì cũng như giúp khách hàng giải quyết được vấn đề gì.
- Thúc đẩy hành động: Đưa ra một ưu đãi hấp dẫn như giảm giá, tặng quà, miễn phí vận chuyển để khách hàng quyết định mua ngay.
1.2. Vai trò của AIDA trong Marketing
Marketer thường dễ bỏ lỡ lợi ích từ AIDA vì không nắm được vai trò của nó trong kế hoạch Marketing của mình. Vậy vai trò của AIDA trong Marketing là gì?
- Hiểu rõ hành vi khách hàng: Bằng cách phân tích từng giai đoạn trong mô hình, các nhà marketing có thể nắm bắt được tâm lý, nhu cầu và hành vi của khách hàng ở từng giai đoạn khác nhau. Từ đó, họ có thể đưa ra những nội dung và thông điệp phù hợp, chạm đến cảm xúc của khách hàng.
- Xây dựng chiến lược marketing hiệu quả: Công thức AIDA cung cấp một khuôn khổ để xây dựng những chiến dịch marketing toàn diện, từ việc thu hút sự chú ý ban đầu, tạo ra sự quan tâm, khơi gợi mong muốn cho đến thúc đẩy các hành động mua hàng.
- Đo lường hiệu quả chiến dịch: Bằng cách theo dõi và đánh giá hiệu quả của chiến dịch tại mỗi giai đoạn trong AIDA, các nhà marketing có thể xác định điểm mạnh, điểm yếu và từ đó điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.
- Tăng tỷ lệ chuyển đổi: Khi hiểu rõ hành trình của khách hàng và xây dựng các chiến dịch marketing tập trung vào từng giai đoạn, các nhà marketing có thể tăng khả năng chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực tế.
- Tạo ra mối quan hệ cùng khách hàng một cách lâu dài: Khi hiểu rõ các giai đoạn trong mô hình AIDA, các thương hiệu có thể xây dựng chiến lược chăm sóc khách hàng, tăng cường sự trung thành và tạo dựng mối quan hệ theo cách bền vững.
2. Cách ứng dụng mô hình AIDA
Để tiếp cận khách hàng mục tiêu hiệu quả, bạn có thể triển khai tất cả các giai đoạn mô hình AIDA ở mọi kênh truyền thông phù hợp đang có trong chiến dịch Marketing như Quảng cáo, Email, bài đăng Social Media, bài viết SEO,… Cách ứng dụng mô hình AIDA tương đối đơn giản, tuy nhiên, nếu không chú ý, bạn sẽ áp dụng chưa phù hợp, ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
2.1. Attention (Chú ý)
Đây là giai đoạn đầu tiên của AIDA. Để hiểu được cách ứng dụng giai đoạn Attention của AIDA là gì, bạn cần hiểu rõ vai trò của giai đoạn này và mục tiêu cần đạt được.
Vai trò: Đây là bước đầu tiên và quan trọng để thu hút đối tượng mục tiêu giữa vô số thông tin mà họ tiếp xúc hàng ngày.
Mục tiêu: Khiến khách hàng tiềm năng chú ý, biết đến sự tồn tại của thương hiệu hoặc sản phẩm. Bạn có thể thu hút bằng cách sử dụng các trang mạng xã hội để khiến họ dừng lại và chú ý đến sản phẩm/ dịch vụ của bạn.
Phương pháp:
- Hiểu rõ khách hàng: Biết họ là ai, quan tâm những vấn đề gì, sử dụng kênh nào để có thông điệp thu hút.
- Tạo ra sự khác biệt: Làm cho sản phẩm/dịch vụ của bạn nổi bật so với đối thủ cạnh tranh.
- Sử dụng hình ảnh hay video bắt mắt: Nhắm mục tiêu thu hút thị giác của khách hàng.
- Tiêu đề hấp dẫn, gây tò mò: Khơi gợi sự tò mò và muốn tìm hiểu thêm. Người làm Marketing có thể sử dụng câu hỏi, câu văn có vần hoặc từ ngữ gây sốc, hài hước hay các con số, động từ mạnh cho tiêu đề.
Ví dụ: Thương hiệu tung ra một quảng cáo trên mạng xã hội với hình ảnh nổi bật và câu tiêu đề hấp dẫn: “Làn da căng mịn, không tì vết chỉ sau 2 tuần!”.
2.2. Interest (Quan tâm)
Sau khi được khách hàng chú ý, giai đoạn tiếp theo là Interest. Dưới đây là vai trò, mục tiêu và phương pháp ứng dụng hiệu quả cho giai đoạn Interest này.
Vai trò: Giai đoạn này giúp khách hàng khám phá thêm về sản phẩm/dịch vụ, từ đó xây dựng mối quan tâm sâu sắc hơn và gắn kết với thương hiệu.
Mục tiêu: Kích thích sự quan tâm từ khách hàng bằng cách cung cấp những thông tin có giá trị, hữu ích, hoặc thú vị liên quan đến sản phẩm/thương hiệu. Bạn có thể gia tăng sự quan tâm của người xem bằng cách giới thiệu các điểm đặc biệt và công dụng của sản phẩm. Người xem bắt đầu có sự tò mò và thực sự muốn tìm hiểu thêm tới sản phẩm.
Phương pháp:
- Cung cấp thông tin chi tiết: Giới thiệu các tính năng, lợi ích về sản phẩm.
- Kể câu chuyện: Tạo ra câu chuyện đủ hấp dẫn có sự liên quan tới sản phẩm. Đó có thể là video giới thiệu hay các câu câu chuyện thành công từ khách hàng.
- So sánh với đối thủ: Nhấn mạnh những điểm vượt trội về sản phẩm.
- Đảm bảo sự dễ đọc và thông tin quan trọng nhất được truyền tải: Nó sẽ giúp khách hàng ghi nhớ thông tin và quan tâm một cách dễ dàng.
Ví dụ: Trong quảng cáo, thương hiệu cung cấp thêm thông tin về sản phẩm: “Sản phẩm chứa chiết xuất từ thiên nhiên và công nghệ dưỡng ẩm tiên tiến giúp giảm nếp nhăn và làm sáng da an toàn.” Kèm theo đó là một video ngắn giải thích thành phần và lợi ích.
2.2. Desire (Mong muốn)
Khách hàng ở giai đoạn Desire của mô hình AIDA đều đã quan tâm đến sản phẩm/dịch vụ. Họ là nguồn khách hàng tiềm năng mà bất kỳ doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực cũng muốn thu hút.
Vai trò: Giai đoạn này làm cho khách hàng cảm thấy sản phẩm không chỉ cần thiết mà còn là giải pháp lý tưởng cho nhu cầu của họ, sẵn sàng tiến gần hơn đến quyết định mua hàng.
Mục tiêu: Biến sự quan tâm thành mong muốn trải nghiệm dịch vụ hoặc sở hữu sản phẩm. Bạn có thể kích thích mong muốn ở khách hàng tiềm năng bằng cách cho thấy hiệu quả thực tế của sản phẩm và cung cấp ưu đãi hấp dẫn. Khách hàng bắt đầu cảm thấy mình cũng cần sản phẩm này để có làn da như mong muốn.
Phương pháp:
- Nhấn mạnh lợi ích cá nhân: Giúp khách hàng hình dung ra cuộc sống của họ sẽ tốt hơn như thế nào khi sử dụng sản phẩm. Bạn có thể sử dụng chứng thực từ khách hàng đã sử dụng để cho khách hàng hiểu rõ hơn.
- Tạo ra những cảm xúc tích cực: Thông qua cách liên kết sản phẩm với các loại cảm xúc tích cực, ví dụ như niềm vui, hạnh phúc, tự tin.
- Khuyến khích thử nghiệm: Cho khách hàng cơ hội trải nghiệm sản phẩm miễn phí hoặc giảm giá.
- Kích thích mong muốn: Bằng sự khan hiếm và tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ).
Ví dụ: Thương hiệu đăng tải đánh giá tích cực từ những khách hàng đã trải nghiệm sản phẩm, kèm theo hình ảnh “trước và sau” sử dụng sản phẩm. Đồng thời, họ đưa ra chương trình khuyến mãi: “Giảm 20% cho 100 khách hàng đầu tiên trong tuần này!”
2.4. Action (Hành động)
Giai đoạn Action trong AIDA được đánh giá là rất quan trọng, quyết định xem mọi nỗ lực của bạn có thành công hay không. Vậy vai trò, mục tiêu, phương pháp thực hiện hiệu quả của giai đoạn quan trọng này trong mô hình AIDA là gì?
Vai trò: Đây là giai đoạn cuối cùng giúp chuyển đổi từ những người quan tâm trở thành các khách hàng thực sự. Nếu thực hiện tốt, nó không chỉ đem lại doanh số mà còn xây dựng được mối quan hệ với khách hàng một cách lâu dài.
Mục tiêu: Thúc đẩy khách hàng thực hiện hành động cuối cùng như mua hàng, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi hoặc đăng ký dịch vụ. Bạn có thể thúc đẩy bằng cách nhấn mạnh ưu đãi sắp kết thúc, khuyến khích họ không bỏ lỡ cơ hội.
Phương pháp:
- Lời kêu gọi hành động rõ ràng: “Mua ngay”, “Đăng ký ngay”, “Tìm hiểu thêm”…
- Tạo ra cảm giác cấp bách: Dựa vào việc sử dụng các từ như “Thời gian có hạn”, “Số lượng có hạn”.
- Giảm thiểu rủi ro: Cung cấp bảo hành, chính sách đổi trả.
Ví dụ: Trong bài đăng và trang sản phẩm, thương hiệu cung cấp nút “Mua ngay” với lời kêu gọi hành động rõ ràng: “Chỉ còn 2 ngày để nhận ưu đãi 20%! Mua ngay để trở thành kiểm toán viên hàng đầu.”
3. Case study áp dụng mô hình AIDA
Để hiểu rõ hơn về cách ứng dụng mô hình AIDA cho chiến dịch Marketing và nội dung truyền thông, bạn có thể tham khảo các case study thú vị dưới đây.
3.1. Áp dụng AIDA trong dự án
Để minh hoạ cho việc ứng dụng hiệu quả mô hình AIDA trong dự án, SEONGON sẽ đề cập tới 2 cái tên lớn, đó là Coca-Cola và Bitis. Vậy cách hai thương hiệu lớn này đã thực hiện AIDA như thế nào trong dự án của mình? Kết quả các chiến dịch ứng dụng AIDA là gì?
3.1.1. Share a Coke của Coca-Cola
Chiến dịch quảng cáo của Coca-Cola với tên gọi “Share a Coke” đã áp dụng mô hình AIDA rất thành công. Chiến dịch này không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ mà còn giúp tăng doanh số và mức độ nhận diện thương hiệu đáng kể:
- Attention (Sự chú ý): Coca-Cola đã gây chú ý khi in các tên riêng phổ biến lên vỏ chai và lon nước ngọt. Điều này tạo ra sự mới lạ và khiến mọi người chú ý ngay lập tức khi nhìn thấy các sản phẩm với tên riêng của họ hoặc của người thân.
- Interest (Sự thích thú): Sự độc đáo của việc có thể tìm thấy tên mình trên chai Coca-Cola hoặc mua tặng cho bạn bè đã tạo ra sự thích thú trong cộng đồng. Người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm các sản phẩm có tên người thân và chia sẻ trên mạng xã hội, tạo ra sự lan truyền tự nhiên.
- Desire (Mong muốn): Coca-Cola tạo ra mong muốn sở hữu bằng cách thúc đẩy tinh thần kết nối và chia sẻ. Những thông điệp như “Share a Coke with [tên người thân]” đã tạo ra một cảm giác gần gũi, cá nhân hóa và khiến người tiêu dùng muốn mua sản phẩm để chia sẻ niềm vui với người khác.
- Action (Hành động): Chiến dịch thúc đẩy hành động bằng cách khuyến khích những người tiêu dùng thực hiện hành vi mua sản phẩm, chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội với hashtag #ShareaCoke. Nhiều người đã tham gia tìm kiếm chai với tên của họ, và điều này giúp Coca-Cola lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, gia tăng doanh số bán hàng.
Chiến dịch “Share a Coke” của Coca-Cola đã thành công vượt mong đợi, tạo ra một trào lưu toàn cầu và chứng minh sự hiệu quả của việc sử dụng mô hình AIDA trong marketing.
3.1.2. Đi để trở về của Bitis
Một ví dụ thành công về ứng dụng mô hình AIDA là chiến dịch “Đi để trở về” của Biti’s – một thương hiệu giày dép nổi tiếng tại Việt Nam. Chiến dịch này đã giúp Biti’s chinh phục thị trường giới trẻ và tạo nên cơn sốt trong nước:
- Attention (Sự chú ý): Biti’s tạo sự chú ý mạnh mẽ khi hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng như Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn trong chiến dịch “Đi để trở về”. Những MV nhạc Tết có sự kết hợp của sản phẩm Biti’s Hunter, được quảng bá rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội và Youtube, đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới trẻ.
- Interest (Sự thích thú): Chiến dịch khơi gợi sự thích thú khi kết hợp hình ảnh của Biti’s Hunter với tinh thần tự do, khám phá và trải nghiệm qua các chuyến đi. Các MV được đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh và âm nhạc đã giúp Biti’s Hunter trở thành một biểu tượng cho sự năng động và phong cách của giới trẻ, tạo ra cảm giác muốn sở hữu đôi giày cho những chuyến phiêu lưu.
- Desire (Mong muốn): Biti’s đã tạo ra mong muốn sở hữu sản phẩm bằng cách gắn kết với thông điệp ý nghĩa “Đi để trở về” – khám phá thế giới nhưng luôn nhớ về gia đình, quê hương. Điều này giúp khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, không chỉ cảm thấy Biti’s Hunter là đôi giày thời trang mà còn mang giá trị tinh thần.
- Action (Hành động): Chiến dịch đã thúc đẩy khách hàng thực hiện hành động mua hàng thông qua nhiều chương trình khuyến mãi và các kênh bán hàng đa dạng. Sự thành công của Biti’s Hunter được thể hiện qua việc sản phẩm liên tục “cháy hàng” trong thời gian chiến dịch diễn ra, và các khách hàng hào hứng chia sẻ hình ảnh đôi giày của mình trên mạng xã hội.
Nhờ chiến dịch “Đi để trở về”, Biti’s không chỉ tăng trưởng về doanh số mà còn tái định vị thương hiệu, trở thành lựa chọn yêu thích của giới trẻ.
3.2. Áp dụng mô hình AIDA trong bài viết (Bài viết theo công thức AIDA)
Không chỉ đem tới cho bạn case study áp dụng trong dự án, SEONGON còn đưa tới những bài học hữu ích khi áp dụng công thức AIDA cho các bài viết Marketing.
3.2.1. Trong bài viết Blog
Mỗi phần của bài viết sẽ đóng một vai trò quan trọng để đưa người đọc từ chỗ không biết gì về chủ đề đến lúc thực hiện hành động mong muốn.
- Tiêu đề (Attention): Tiêu đề chính là yếu tố đầu tiên thu hút, hấp dẫn sự chú ý người đọc. Nếu tiêu đề không đủ ấn tượng, họ sẽ bỏ qua bài viết của bạn ngay lập tức.
- Phần giới thiệu (Interest): Sau khi đã thu hút được sự chú ý, phần giới thiệu sẽ giữ chân người đọc bằng cách đưa ra những câu hỏi thú vị, chia sẻ những thông tin hữu ích hoặc kể một câu chuyện hấp dẫn liên quan đến chủ đề chính.
- Nội dung chính (Desire): Đây là phần quan trọng nhất, nơi bạn giải quyết các vấn đề mà người đọc đang gặp phải và đưa ra những giải pháp cụ thể. Bạn cần làm cho người đọc cảm thấy rằng bài viết của bạn thực sự có giá trị và hữu ích đối với họ.
- Lời kêu gọi hành động (Action): Cuối cùng, bạn cần hướng người đọc thực hiện một hành động cụ thể, chẳng hạn như đăng ký nhận bản tin, mua sản phẩm, để lại bình luận, v.v. Đây là bước cuối cùng để biến người đọc trở thành người theo dõi hoặc khách hàng của bạn.
3.2.2. Trong mẫu thư bán hàng
Không chỉ áp dụng công thức AIDA cho bài viết Blog, người làm Marketing có thể áp dụng cho các mẫu thư bán hàng. Cách khéo léo lồng ghép AIDA như sau:
- Phần tiêu đề: Thể hiện lời hứa, lời cam kết khi sử dụng sản phẩm để hấp dẫn khách hàng bấm vào thư.
- Lời dẫn dắt: Để khiến người đọc cảm thấy quen thuộc và hữu ích, có thể tiếp tục tìm hiểu thông tin.
- Triển khai mô hình AIDA: Nhằm mục đích dẫn dắt khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ với những gạch đầu dòng và câu từ xúc tích, cô đọng, có nội dung hữu ích cho khách hàng.
- Các gạch đầu dòng diễn giải chi tiết: Để giải thích kỹ càng hơn về các thông tin quan trọng về sản phẩm/dịch vụ.
- Đưa ra bằng chứng chứng minh: Giúp khách hàng thêm tin tưởng vào sản phẩm/dịch vụ và sẵn sàng thực hiện hành động.
3.2.3. Áp dụng AIDA trong bài đăng Facebook
Không phải bài đăng Facebook nào cũng cần có đủ 4 yếu tố của mô hình AIDA, mà có thể chỉ chứa 1 – 3 giai đoạn. Bạn cần áp dụng linh hoạt, tuỳ thuộc vào mục đích của bài đăng. Dưới đây là một số ví dụ áp dụng AIDA trong content trên Facebook.
- Attention: Tiêu đề ngắn gọn, thu hút sự chú ý bằng câu bắt trend, đúng với nhu cầu khách hàng là make up phong cách Trung Hoa
- Interest: Tạo sự thích thú khi thu hút người đọc bằng nhu cầu cấp thiết khi muốn tìm dòng sữa giống sữa mẹ nhất để an toàn và tốt nhất cho con yêu của mình.
- Desire: Khơi gợi khao khát mong muốn sử dụng sản phẩm của khách hàng bằng cách đánh vào tâm lý lo sợ, những nguy hại của béo
- Action: Thúc đẩy hành động với khách hàng bằng những ưu đãi hấp dẫn
4. Những hạn chế trong mô hình AIDA
Để quyết định rằng chiến dịch Marketing của bạn có nên sử dụng AIDA hay không, người làm Marketing nên hiểu rõ về hạn chế của mô hình này.
4.1. Không bao hàm hành trình khách hàng phi tuyến tính
Hành trình và quyết định mua hàng không được mô hình AIDA mô tả đầy đủ và thực tế.
- AIDA giả định một hành trình mua hàng tuyến tính: Khách hàng trải qua các giai đoạn theo thứ tự: chú ý, quan tâm, mong muốn và hành động. Tuy nhiên, trong thực tế, hành trình của khách hàng thường phức tạp hơn, có thể bỏ qua một số giai đoạn hoặc quay trở lại giai đoạn trước.
- Quyết định mua hàng của khách hàng còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như cảm xúc, kinh nghiệm cá nhân, ảnh hưởng từ người khác, v.v… mà mô hình AIDA không thể giải thích đầy đủ.
4.2. Không phù hợp với tất cả sản phẩm, dịch vụ
Không phải sản phẩm/dịch vụ nào cũng phù hợp áp dụng mô hình AIDA. Vì vậy, bạn cần hết sức cẩn thận khi áp dụng công thức này.
- Sản phẩm giá trị lớn: Đối với các sản phẩm/dịch vụ giá cao như nhà, xe, chọn trường đại học,… đòi hỏi nhiều cân nhắc, mô hình AIDA có thể không đủ để mô tả toàn bộ quá trình ra quyết định của khách hàng.
- Mua hàng khẩn cấp: Trong trường hợp mua hàng khẩn cấp, khách hàng có thể bỏ qua một số giai đoạn của mô hình và đi thẳng đến quyết định mua hàng.
4.3. Không tính đến yếu tố thời gian
Quan điểm và hành vi của khách hàng có thể thay đổi theo thời gian, do đó, một chiến dịch marketing dựa trên mô hình AIDA có thể không còn hiệu quả sau một thời gian nhất định. Vì vậy, nếu bạn kỳ vọng về độ hiệu quả lâu dài, mô hình AIDA sẽ khó đáp ứng.
4.4. Không tính đến trải nghiệm khách hàng toàn diện
Mô hình AIDA tập trung chủ yếu vào các tương tác trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng đến khi mua hàng thành công, nhưng lại bỏ qua các yếu tố liên quan đến trải nghiệm khách hàng như dịch vụ hậu mãi, chất lượng sản phẩm, v.v… Trong khi, các yếu tố này đều rất quan trọng và ảnh hưởng tới quyết định của khách hàng.
Bài viết này đã đem tới kiến thức hữu ích về AIDA là gì, vai trò và cách ứng dụng hiệu quả mô hình này cho nội dung truyền thông cũng như các dự án Marketing của doanh nghiệp. Mong rằng dựa trên các kiến thức này, bạn sẽ ứng dụng được mô hình AIDA hiệu quả và đạt kết quả tốt. Nếu gặp nhiều khó khăn, dịch vụ digital Branding của SEONGON sẽ hỗ trợ bạn với các chiến lược quảng cáo chất lượng theo cách tổng thể.