Conversion Rate được coi là thước đo quan trọng để đánh giá sự thành công của mọi chiến dịch marketing online và trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Vậy Conversion Rate là gì? Làm thế nào để tối ưu hóa chỉ số này nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh thời đại số hóa hiện nay? Dưới đây là 8 phương pháp tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi mà SEONGON đề xuất, giúp các hoạt động kinh doanh của bạn đạt được kết quả tốt nhất.
1. Tìm hiểu về Conversion Rate (tỷ lệ chuyển đổi)
Conversion Rate (tỷ lệ chuyển đổi) là chỉ số đo lường hiệu quả không thể thiếu trong mọi hoạt động marketing của doanh nghiệp. Chỉ số này gắn liền với hành trình của người tiêu dùng. Cùng tìm hiểu chi tiết Conversion rate ngay sau đây.
1.1. Conversion (chuyển đổi) là gì?
Conversion (chuyển đổi) đề cập đến việc thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Đây là một khái niệm linh hoạt, có thể thay đổi tùy theo ngữ cảnh và lĩnh vực khác nhau.
Ví dụ về conversion trong marketing:
- Khách hàng hoàn tất đơn đặt hàng trên website. Ví dụ, khách hàng đặt đơn giỏ trái cây trên website Hoa quả Hàn.
- Khách hàng điền thông tin để dùng thử sản phẩm miễn phí. Ví dụ, khách hàng điền thông tin đăng ký test thử khóa học Tiếng Anh IELTS của một trung tâm.
- Khách hàng đăng ký thông tin để tải tài liệu miễn phí. Ví dụ, khách hàng để lại thông tin để trung tâm gửi tài liệu miễn phí qua email cá nhân.
Những hành động trên đều minh chứng cho conversion – chuyển đổi từ người chưa có hành động cụ thể thành người đã thực hiện mua hàng hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ.
1.2. Conversion Rate là gì?
Conversion Rate (tỷ lệ chuyển đổi) là chỉ số được dùng để đo lường hiệu quả chiến dịch marketing. Đây là tỷ lệ phần trăm giữa tổng số người thực hiện hoạt động chuyển đổi (đăng ký, mua hàng, điền form, ký kết, thanh toán,…) với tổng số người đã tương tác với doanh nghiệp thông qua chiến dịch marketing (xem quảng cáo, bỏ giỏ hàng, nhận tư vấn, theo dõi,…).
Ví dụ: Giả sử bạn quản lý một trung tâm Tiếng Anh cung cấp khóa học IELTS cho mọi trình độ. Trong một chiến dịch marketing dành riêng cho người mất gốc, bạn nhận được 10.000 lượt truy cập vào website trong một tháng. Sau khi khách hàng truy cập, có 500 người đăng ký khóa học và đóng học phí.
1.3. Cách tính Conversion Rate
Để tính tỷ lệ chuyển đổi, bạn có thể áp dụng công thức đơn giản sau:
Tỷ lệ chuyển đổi = (Số lượng chuyển đổi/ Tổng số người tương tác) x 100% |
Ví dụ:
1. Trong chiến dịch marketing về khóa học dành riêng cho người mất gốc trên, với 10.000 lượt truy cập/tháng cho website với 500 người đăng ký khóa học và đóng học phí. Ta có tỷ lệ chuyển đổi được tính là:
(500/10000) x 100% = 5%.
Kết quả này phản ánh 5% người vào website đã thực hiện chuyển đổi.
2. Giả sử một chiến dịch email được gửi đến 1.000 người và có tất cả 50 người điền form đăng ký dùng thử. Ta có tỷ lệ chuyển đổi sẽ là:
50/1000) x 100% = 5%.
Trong trường hợp này, 5% người nhận email đã thực hiện chuyển đổi.
2. Conversion Rate có ý nghĩa như thế nào?
Conversion Rate mang lại những giá trị tuyệt vời gồm có:
- Hiệu quả trong đánh giá: Dựa vào tỷ lệ chuyển đổi có thể đánh giá chính xác hiệu quả của chiến dịch Marketing của bạn, cụ thể chiến dịch có nhắm đúng đối tượng mục tiêu và thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng hay không. Ví dụ, bạn chạy quảng cáo khóa học trên website thông qua Google Ads, tỷ lệ chuyển đổi cao chứng tỏ khách hàng thực sự quan tâm khóa học và cảm thấy hấp dẫn với những gì bạn truyền tải.
- Tối ưu hóa: Nếu Conversion Rate thấp, điều này có nghĩa là chiến dịch marketing đang hoạt động không hiệu quả. Doanh nghiệp cần phải xem xét và cải thiện các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả như: Tối ưu hóa nội dung, cải thiện thiết kế trải nghiệm người dùng, điều chỉnh CTA thu hút hơn, thay đổi cách làm rõ thông tin sản phẩm,….
- So sánh chiến lược: Conversion Rate giúp so sánh mức độ hiệu quả của chiến lược marketing giữa các kênh khác nhau (bao gồm SEO, quảng cáo, email marketing, social marketing,…). Việc này giúp doanh nghiệp xác định xem kênh nào mang lại hiệu quả cao nhất và phân bổ ngân sách hợp lý.
3. Mối quan hệ giữa Conversion Rate và phễu Marketing
Dành cho những ai chưa biết, Conversion Rate và phễu Marketing có mối liên hệ mật thiết. Hai công cụ này giúp hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp trong quá trình đo lường, phân tích và tối ưu hiệu quả của hoạt động kinh doanh.
3.1. Phễu Marketing là gì?
Phễu Marketing (Marketing Funnel) là quy trình quan trọng mô tả hành trình khách hàng trải qua từ lúc biết đến doanh nghiệp cho đến khi họ thực hiện hành động chuyển đổi (mua hàng, đăng ký dịch vụ,…) cho đến khi trở thành khách hàng của doanh nghiệp. Hiểu rõ về phễu Marketing giúp cho doanh nghiệp dễ dàng đưa ra các phương án tối ưu hóa.
Phễu Marketing có 4 tầng chính, gồm:
- Nhận thức (Awareness): Lần đầu tiên khách hàng biết đến thương hiệu hoặc sản phẩm từ các kênh truyền thông của doanh nghiệp. Thời điểm này cũng là lúc doanh nghiệp dồn nguồn lực để tiếp cận và thu hút khách hàng mới.
- Quan tâm (Interest): Khách hàng dần có sự quan tâm và bắt đầu tìm hiểu về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Họ sẽ bắt đầu quan tâm đến chất lượng, lợi ích, tính năng của sản phẩm/dịch vụ.
- Cân nhắc (Consideration): Khách hàng so sánh, cân nhắc sản phẩm/dịch vụ và so sánh với các thương hiệu khác trước khi đưa ra quyết định mua hàng.
- Chuyển đổi (Conversion): Khách hàng thực hiện hành động chuyển đổi mà doanh nghiệp mong muốn, bao gồm mua hàng, điền form, đăng ký sử dụng dịch vụ, thanh toán,…
3.2. Conversion Rate và phễu Marketing
Sự kết hợp giữa Conversion Rate và phễu Marketing là hai yếu tố bổ trợ lẫn nhau nhằm xây dựng chiến lược marketing hiệu quả và bền vững.
3.2.1. Chỉ số đo lường hiệu quả của phễu Marketing
Conversion Rate là cơ sở giúp đánh giá hiệu quả của từng giai đoạn thuộc phễu Marketing. Tỷ lệ chuyển đổi trong từng giai đoạn của phễu cho doanh nghiệp biết chính xác tỷ lệ khách hàng chuyển từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau như thế nào. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có cái nhìn rõ nét về hiệu quả của các hoạt động marketing tại từng giai đoạn, bao gồm những điểm tốt và điểm cần cải thiện.
Ví dụ:
- Từ Awareness → Interest: Conversion Rate cho biết có bao nhiêu người thực sự quan tâm đến sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp so với tổng số người đã tiếp cận quảng cáo.
- Từ Interest → Consideration: Conversion Rate trong giai đoạn này đo lường tỷ lệ người dùng truy cập vào website, dành thời gian xem và tìm hiểu các sản phẩm/dịch vụ cụ thể.
- Từ Consideration → Conversion: Conversion Rate thể hiện tỷ lệ người thực sự mua hàng so với người cân nhắc.
3.2.2. Giảm tỷ lệ rò rỉ (Leakage) trong phễu Marketing
Tỷ lệ rò rỉ (Leakage) là thách thức lớn trong quá trình vận hành phễu Marketing, thể hiện số lượng khách hàng rời khỏi phễu mà không hoàn tất hành động mong muốn của doanh nghiệp. Conversion Rate sẽ là phương tiện giúp phát hiện và khắc phục các điểm yếu ở từng giai đoạn, giúp giảm thiểu Leakage.
Ví dụ: Nếu nhiều khách hàng rời đi ở giai đoạn “Interest”, có thể do nội dung không đủ hấp dẫn hoặc không cung cấp giá trị rõ ràng. Còn nếu tỷ lệ rời đi cao ở “Consideration” thì nguyên nhân có thể đến từ giá cả, quy trình mua hàng phức tạp hoặc thiếu ưu đãi phù hợp kích thích khách hàng mua.
Với những tình huống này, doanh nghiệp cần phân tích dữ liệu khách hàng và áp dụng các biện pháp cải thiện như:
- Đầu tư nội dung hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu của đối tượng khách hàng hơn.
- Hình ảnh, video, thông điệp truyền tải rõ ràng
- Sử dụng các ưu đãi, chính sách hoàn tiền, dùng thử miễn phí,…
- Đảm bảo giá thành cạnh tranh
3.2.3. Tối ưu hóa từng phần của phễu
Việc tối ưu hóa từng phần của phễu giúp tăng cường hiệu quả của phễu Marketing, từ khi khách mới tiếp cận sản phẩm/dịch vụ cho đến khi hoàn tất giao dịch. Từng phần sẽ được tối ưu như sau:
- Tăng Awareness (Nhận thức): Tối ưu quảng cáo bằng cách sử dụng nội dung hấp dẫn, thông điệp rõ ràng, hình ảnh chất lượng cao và kênh quảng cáo phù hợp (Google Ads, Facebook Ads,…) nhằm tiếp cận chính xác tệp khách hàng tiềm năng, tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.
- Tăng Interest (Quan tâm): Trong giai đoạn này, việc cải thiện nội dung website cũng như các nền tảng mạng xã hội của doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Nội dung cần hấp dẫn, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng và giữ sự chú ý của họ.
- Tăng Consideration (Cân nhắc): Ở giai đoạn này, Marketer cần cung cấp thông tin chi tiết về từng sản phẩm/dịch vụ của mình. Khách hàng dễ dàng so sánh về giá trị bạn mang lại với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Hãy giúp họ nhìn thấy lợi thế khi lựa chọn bạn.
- Tăng Conversion (Chuyển đổi): Hãy làm rõ lời kêu gọi hành động (CTA) để kích thích khách hàng thực hiện hoạt động chuyển đổi bạn mong muốn. Đồng thời, hãy đảm bảo trải nghiệm thanh toán mượt mà, tiện lợi để loại bỏ mọi “rào cản” khách hàng phải đối mặt.
3.2.4. Hiểu rõ hành vi khách hàng trong từng giai đoạn
Bên cạnh việc đánh giá hiệu quả của các chiến dịch Marketing và tối ưu hóa từng phễu, Conversion Rate còn mang lại cái nhìn sâu sắc về hành vi của khách hàng ở từng giai đoạn. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hành vi khách hàng của mình để xây dựng được chiến lược tối ưu hiệu quả.
Ví dụ, giai đoạn “Awareness → Interest” thấp, nguyên nhân có thể đến từ thông điệp quảng cáo chưa hấp dẫn hoặc kênh quảng cáo chưa nhắm đúng đối tượng. Cụ thể, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thi công biệt thự ở phân khúc cao cấp với mức giá cao. Song, thông điệp quảng cáo lại là dịch vụ giá rẻ, điều này khiến kênh truyền thông không nhắm đúng đối tượng mục tiêu.
3.2.5. Liên kết giữa Conversion Rate và ROI (Return on Investment)
Conversion Rate và ROI (Return on Investment – chỉ số sinh lợi trên vốn đầu tư) có mối quan hệ khăng khít với nhau. Conversion Rate cao ở từng giai đoạn trong phễu Marketing sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí Marketing, tương ứng với ROI cao. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang tối ưu hóa hành trình khách hàng rất tốt và đạt được lợi nhuận cao nhất với chi phí tối thiểu.
4. Tỷ lệ chuyển đổi cao có phải là tốt?
Nhiều doanh nghiệp cho rằng Conversion Rate càng cao, càng tốt. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Để đánh giá xem tỷ lệ chuyển đổi có thực sự tốt hay không thì còn cần xem xét chỉ số ROI và mối quan hệ giữa hai chỉ số này.
- Tỷ lệ chuyển đổi cao không đồng nghĩa với lợi nhuận cao: Trong nhiều trường hợp, tỷ lệ chuyển đổi cao, khách hàng mua nhiều sản phẩm/dịch vụ cho doanh nghiệp áp dụng chiến lược khuyến mãi lớn nhằm thu hút khách hàng. Lúc này, tỷ lệ chuyển đổi tăng nhưng biên độ lợi nhuận trên mỗi đơn hàng giảm.
- ROI là thước đo hiệu quả thực sự: ROI đánh giá lợi nhuận thực tế của một hoạt động kinh doanh so với chi phí đầu tư bỏ ra. Conversion Rate cao nhưng ROI thấp chứng tỏ doanh nghiệp đang “bán rẻ” sản phẩm/dịch vụ của mình, không hiệu quả về mặt kinh tế. Ví dụ, chiến dịch quảng cáo tiêu tốn 15 triệu đồng, bán được 100 đơn hàng. Song lợi nhuận thu về sau khi trừ đi các chi phí sản phẩm thì chỉ còn 10 triệu đồng. Như vậy ROI âm trong khi Conversion Rate cao.
Tóm lại, thay vì chỉ tập trung vào Conversion Rate thì doanh nghiệp cần chú trọng vào tối ưu hóa ROI để tỷ lệ chuyển đổi và lợi nhuận đều cao. Một số cách các doanh nghiệp có thể áp dụng để xây dựng chiến lược cân bằng giữa CR và ROI bao gồm:
- Đảm bảo giá sản phẩm/dịch vụ ở mức phù hợp
- Chỉ khuyến mãi hoặc giảm giá khi thực sự cần thiết
- Khuyến khích khách hàng mua theo gói combo để được ưu đãi giảm giá hay giao hàng miễn phí,…
- Theo dõi và phân tích dữ liệu liên tục nhắm phát hiện và tối ưu hóa chiến dịch kịp thời, hiệu quả.
5. 8 cách tối ưu hoá Conversion Rate nâng cao hiệu quả kinh doanh
Làm thế nào để khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thực sự của bạn? Tham khảo ngay những yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng cũng như 8 cách tối ưu hóa Conversion Rate dưới đây.
5.1. Cải thiện trải nghiệm khách hàng
Trải nghiệm khách hàng có ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ lệ chuyển đổi với những yếu tố gồm:
- Chất lượng nội dung: Nội dung cần được trình bày chính xác, rõ ràng, hấp dẫn, đồng thời tập trung làm nổi bật giá trị cốt lõi của sản phẩm hoặc dịch vụ. Những yêu cầu này nhằm mục đích gia tăng khả năng chuyển đổi, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Thiết kế website/landing page: Giao diện website/landing page cần trực quan, rõ ràng, đẹp mắt và truyền tải thông điệp rõ ràng. Thiết kế đẹp mắt, dễ sử dụng và thể hiện rõ thông điệp sẽ tạo ấn tượng tốt với khách hàng, giúp họ dễ dàng thực hiện các hành động mà doanh nghiệp mong muốn
- Lời kêu gọi hành động (CTA): CTA là một trong những yếu tố hàng đầu trong Marketing và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hành động của khách hàng. Yếu tố này cần được thiết kế nổi bật, dễ nhận biết và sử dụng ngôn từ mang tính khích lệ cao, bao gồm “Đăng ký ngay”, “Mua ngay”, “Tư vấn ngay”,…
- Trải nghiệm người dùng (UX): Tốc độ tải trang nhanh, giao diện dễ sử dụng và quy trình mượt mà là những yếu tố thúc đẩy trải nghiệm người dùng. Việc này không chỉ giữ chân khách hàng lâu hơn trên website mà còn giúp họ mua hàng/đăng ký dịch vụ nhanh chóng hơn, từ đó Conversion Rate cũng tăng đáng kể.
- Mục tiêu quảng cáo: Các chiến dịch quảng cáo cần phải được thiết kế nhắm vào đúng khách hàng tiềm năng của sản phẩm/dịch vụ. Thông điệp truyền tải trong quảng cáo phải phù hợp và nhất quán, thu hút được những khách hàng thực sự có nhu cầu với sản phẩm/dịch vụ.
5.2. Cách tối ưu Conversion Rate hiệu quả
Để tối ưu tỷ lệ chuyển đổi, việc thực hiện các lưu ý dưới đây là vô cùng quan trọng.
5.2.1. Cải thiện trải nghiệm người dùng (UX – User Experience)
Đầu tiên, để tối ưu hóa Conversion Rate, bạn cần cải thiện chính trải nghiệm của người dùng (UX) bằng cách:
- Tăng tốc độ tải trang: Bạn có thể sử dụng công cụ như Google PageSpeed Insights để đánh giá và cải thiện tốc độ tải trang. Ngoài ra, những biện pháp khác như nén hình ảnh, tối ưu mã nguồn hay dùng mạng CDN (Content Delivery Network) cũng sẽ giúp cải thiện tốc độ tải trang đáng kể.
- Đơn giản hóa giao diện: Trực quan, dễ sử dụng là những yếu tố cần thiết để đơn giản hóa giao diện website nhằm giúp người dùng dễ dàng tìm thấy thông tin cần thiết. Việc loại bỏ các yếu tố gây phân tâm như quảng cáo không cần thiết hoặc pop-up cũng là điều cần thiết.
- Tối ưu trên mọi thiết bị: Trang web của bạn cần phải tương thích với mọi thiết bị, gồm điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính,… Ngoài ra, quy trình trên mobile cần được rút ngắn (ví dụ như các form điền đăng ký) để người dùng dễ dàng thực hiện với thao tác trên điện thoại.
5.2.2. Tối ưu trang đích (Landing Page Optimization)
Tối ưu hóa trang đích là một quá trình cần thiết để thu hút khách hàng và tăng tỷ lệ chuyển đổi với các yêu cầu sau:
- Thông điệp rõ ràng và nhất quán: Tiêu đề và nội dung cần có sự liên quan đến nhau và cùng tập trung thể hiện một giải pháp hoặc giá trị nào đó mà khách hàng cần ở sản phẩm/dịch vụ của trang web.
- Thêm CTA mạnh mẽ: CTA cần thu hút, nổi bật và sử dụng nội dung thúc đẩy hành động như “Mua ngay”, “Dùng thử miễn phí”,…
- Sử dụng bằng chứng xã hội (Social Proof): Việc hiển thị các nhận xét, đánh giá thực tế từ khách hàng hoặc các con số thống kê đo lường ấn tượng sẽ giúp nội dung trang đích thuyết phục hơn. Ví dụ, “Đã có 15.000 khách hàng sử dụng sản phẩm này, bạn thì sao?”
- Đưa ra đề xuất giá trị độc đáo (Unique Value Proposition – UVP): Bạn hoàn toàn có thể đưa ra các UPV – Những giá trị độc đáo khiến sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp bạn vượt trội hơn so với đối thủ. Điều này nhằm mục đích thuyết phục khách hàng chuyển đổi theo mong muốn.
5.2.3. Đơn giản hóa quy trình chuyển đổi
- Giảm số bước cần thiết: Hãy đơn giản hóa các bước trong quy trình thanh toán sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Ví dụ, người dùng chỉ cần dùng thao tác cơ bản để mua sản phẩm như: Chọn sản phẩm → nhập thông tin → thanh toán.
- Loại bỏ các rào cản không cần thiết: Việc tạo tài khoản, yêu cầu để lại thông tin hay bất kỳ thao tác phức tạp nào thì hãy chủ động loại bỏ. Điều này nhằm giúp khách hàng cảm thấy thoải mái, hạn chế tốn thời gian vào các thao tác không cần thiết.
- Đơn giản hóa các form điền thông tin: Chỉ yêu cầu khách hàng điền thông tin quan trọng, cần thiết cho quá trình mua sắm. Điều này giúp người dùng tiết kiệm thời gian thao tác, đồng thời giảm tỷ lệ bỏ qua (Leakage).
5.2.4. Tối ưu hóa nội dung
Nội dung luôn là yếu tố hàng đầu để giải quyết vấn đề của khách hàng và thúc đẩy họ mua sản phẩm/dịch vụ. Một số biện pháp để tối ưu hóa nội dung bao gồm:
- Tạo nội dung thuyết phục: Ngôn từ gần gũi, đơn giản, dễ hiểu và tập trung vào lợi ích mà khách hàng nhận được.
- Sử dụng hình ảnh và video chất lượng cao: Mục đích nhằm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và hình dung hơn về sản phẩm/dịch vụ. Nhờ thế, họ quyết định mua hàng nhanh chóng mà ít khi bỏ qua.
- Thử nghiệm tiêu đề (Headline): Hãy sử dụng các tiêu đề khác nhau để tìm ra tiêu đề hấp dẫn nhất đối với khách hàng, tăng CTR cho trang web.
- Cá nhân hóa nội dung: Hãy sản xuất nội dung dựa theo hành vi mua sắm hoặc sở thích của khách hàng để tăng tính cá nhân hóa và tối ưu hóa hiệu quả chuyển đổi.
- Tạo ưu đãi phù hợp: Khuyến khích khách hàng hành động ngay lập tức với email hoặc quảng cáo với thông điệp tùy chỉnh cho từng nhóm đối tượng.
5.2.5. Tận dụng yếu tố tâm lý học
Một số yếu tố tâm lý học áp dụng vào nội dung có thể thúc đẩy khách hàng mạnh mẽ và tăng tỷ lệ chuyển đổi, bao gồm:
- Tạo cảm giác khan hiếm (Scarcity): Hãy sử dụng những cụm từ tạo cảm giác khan hiếm như “Chỉ còn 10 sản phẩm”, “Chỉ còn 16 suất đăng ký khóa học”, “Chỉ còn 24h dành cho ưu đãi” nhằm thúc đẩy khách hàng hành động ngay để không bỏ lỡ cơ hội.
- Hiệu ứng miễn phí (Free Effect): Doanh nghiệp có thể cung cấp các quà tặng miễn phí hoặc ưu đãi thử nghiệm free để gia tăng sự hứng thú của khách hàng. Ví dụ như “Miễn phí học thử khóa học IELTS trị giá 15 triệu đồng”, “Quà tặng miễn phí suất thi IELTS trị giá 4.500.000 đồng.”
- Bằng chứng xã hội (Social Proof): Hãy hiển thị số lượng khách hàng đã chọn sản phẩm/dịch vụ để tăng độ tin cậy và thúc đẩy quyết định mua sắm. Ví dụ như “Đã 100 người đăng ký tham gia sự kiện, chỉ còn lại 30 suất cuối cùng.”
5.2.6. Thử nghiệm A/B Testing
Thử nghiệm A/B Testing không ngừng là cách để nghiên cứu, phân tích về tỷ lệ chuyển đổi hiệu quả, bao gồm:
- Kiểm tra các yếu tố: Bạn có thể thử nghiệm các yếu tố khác nhau như màu sắc, vị trí nút CTA, chất lượng hình ảnh, mô tả ảnh, tiêu đề,… nhằm tìm được phiên bản có tỷ lệ chuyển đổi cao nhất.
- Theo dõi và phân tích kết quả: Hãy sử dụng các công cụ giúp đo lường và phân tích như Google Optimize hoặc Optimizely để tối ưu hóa chiến lược.
5.2.7. Remarketing và nhắc nhở khách hàng
Hiển thị quảng cáo đến những khách hàng đã ghé từng thăm website là điều cần thiết để nhắc nhở và kích thích họ quay lại mua sản phẩm/dịch vụ nếu chưa thực hiện chuyển đổi. Hãy gửi email cá nhân nhắc nhở giỏ hàng bị bỏ quên với ưu đãi hấp dẫn (giảm giá, quà tặng, vận chuyển miễn phí,…) kích thích khách hàng hoàn thành giao dịch.
5.2.8. Đo lường và tối ưu dựa trên dữ liệu
- Sử dụng công cụ phân tích: Theo dõi hành vi của khách hàng và phân tích điểm mạnh/điểm yếu của chiến dịch Marketing bằng các công cụ Google Analytics, Hotjar, hoặc Crazy Egg,…Mục đích nhằm giúp doanh nghiệp tìm ra hướng xử lý phù hợp nhất.
- Theo dõi các chỉ số quan trọng: Tất cả những chỉ số cần được thu thập để đánh giá hiệu quả của trang gồm tỷ lệ thoát trang (Bounce Rate), tỷ lệ nhấp vào CTA, thời gian trung bình trên trang,…
- Lắng nghe phản hồi khách hàng: Việc thu thập ý kiến của khách hàng thông qua khảo sát trực tuyến hoặc phản hồi trực tiếp sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ tại sao khách hàng không thực hiện chuyển đổi và tìm cách cải thiện.
Tóm lại, tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate) là chỉ số quan trọng đánh giá mức độ hiệu quả của chiến dịch marketing. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện hiệu quả kinh doanh, tỷ lệ chuyển đổi cần được kết hợp với ROI (Lợi tức đầu tư). Có thể nói đây là một quá trình liên tục và tốn kém nhiều công sức của doanh nghiệp.
Nếu chưa tìm được hướng đi phù hợp, hãy liên hệ ngay với SEONGON – Agency với hơn 12 năm kinh nghiệm trong nghề, luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn với các giải pháp hiệu quả về Google Ads, Facebook Ads,…Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay qua hotline 090 1707 090 – 097 5155 856 để khám phá tiềm năng tăng trưởng vượt bậc với tỷ lệ chuyển đổi tối ưu cho doanh nghiệp của bạn!