Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter là công cụ phân tích thị trường giúp doanh nghiệp hiểu rõ mức độ cạnh tranh trong ngành. Qua đó, doanh nghiệp dễ dàng nhận diện rủi ro, cơ hội, định hướng chiến lược để tối ưu lợi thế. Để hiểu rõ hơn mô hình 5 áp lực cạnh tranh là gì và ưu – nhược điểm của nó, hãy cùng SEONGON tìm hiểu chi tiết ngay sau đây.
1. Mô hình 5 áp lực cạnh tranh là gì?
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh (Porter’s Five Forces) là công cụ phân tích cấu trúc cạnh tranh của một ngành, nghề nhất định. Mô hình này được giáo sư Michael E. Porter (Đại học Harvard) giới thiệu lần đầu năm 1979 trên tạp chí Harvard Business Review. Qua đó, doanh nghiệp có thể xác định rõ 5 yếu tố ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của ngành, từ đó đưa ra được chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Các yếu tố trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Porter gồm: độ cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành, nguy cơ từ đối thủ mới, quyền lực của nhà cung cấp, quyền lực của khách hàng, nguy cơ từ sản phẩm thay thế.
Trước khi mô hình mới xuất hiện, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào các công cụ phân tích nội tại như SWOT, PEST,…. Tuy nhiên, Michael E. Porter nhận thấy rằng yếu tố bên ngoài cũng đóng vai trò then chốt trong cạnh tranh. Dựa trên nền tảng kinh tế học tổ chức công nghiệp, ông phát triển mô hình 5 áp lực cạnh tranh.
Thông qua mô hình, doanh nghiệp có thể nhìn nhận toàn diện môi trường ngành. Nó làm rõ rằng lợi nhuận không chỉ chịu ảnh hưởng từ đối thủ trực tiếp mà còn từ các lực lượng bên ngoài. Vì thế, mục tiêu của mô hình nhằm:
- Tìm hiểu và xác định đối thủ cạnh tranh trong ngành, từ đó xác định chiến lược định giá, quảng cáo hoặc cải tiến sản phẩm.
- Xác định mối quan hệ giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng xem khả năng thương lượng của hai bên trong việc giảm chi phí / tăng giá bán.
- Xác định các mối đe dọa tới sự phát triển trong tương lai như sản phẩm thay thế hay công nghệ mới có thể làm giảm thị phần.
- Xác định rủi ro khi gia nhập thị trường thế nào thông qua đánh giá rào cản gia nhập (chi phí, thương hiệu, quy mô) trước khi quyết định.
2. Sự hình thành mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Vào cuối những năm 1970, phần lớn các công cụ như SWOT, PEST hay ma trận BCG đều thiên về các yếu tố nội tại hoặc vĩ mô. Những mô hình này thường thiếu chiều sâu trong việc phân tích tính cạnh tranh của ngành. Vì thế không làm rõ được những yếu tố gây áp lực trong ngành và mức độ đe dọa với doanh nghiệp.
Ngoài ra, chương trình giảng dạy kinh doanh lúc bấy giờ vẫn cho rằng giá cả sẽ được quyết định bởi thị trường, không có công ty nào chi phối. Tuy nhiên, đây là một giả định phi thực tế trong kinh doanh hiện đại.
Trong bối cảnh đó, Michael E. Porter đã đưa ra một hướng tiếp cận mới. Bài viết “How Competitive Forces Shape Strategy” (1979) của ông đã chỉ ra 3 hạn chế chính của các mô hình truyền thống là:
- Tập trung quá mức vào nội bộ mà bỏ qua đối thủ, nhà cung cấp và khách hàng.
- Không có tính hệ thống và sự kết nối rõ ràng giữa phân tích và hành động chiến lược.
- Xa rời thực tiễn với các lý thuyết kinh tế về thị trường cân bằng, cạnh tranh hoàn hảo mà không phản ánh đúng tình trạng kinh doanh hiện tại.
Chính vì thế, Michael E. Porter đã “cách mạng hóa” tư duy chiến lược. Ông chuyển trọng tâm từ nội bộ sang phân tích cấu trúc ngành bằng việc mở rộng khái niệm “cạnh tranh” với 5 yếu tố tác động đến lợi nhuận của ngành gồm:
- Đối thủ cạnh tranh hiện hữu
- Mối đe dọa từ đối thủ tiềm năng
- Quyền lực của nhà cung cấp
- Quyền lực của khách hàng
- Mối đe dọa từ sản phẩm/dịch vụ thay thế
Ông đã đi sâu phân tích các yếu tố cạnh tranh của ngành như sau:
- Quyền lực của nhà cung cấp và khách hàng: Thay vì xem họ là đối tác, Porter coi họ là lực lượng có thể ép giá hoặc giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Mối đe dọa từ đối thủ tiềm năng và hiện tại: Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của rào cản gia nhập (vốn, công nghệ, thương hiệu) trong việc bảo vệ lợi thế cạnh tranh.
- Sản phẩm thay thế: Porter cho rằng nguy cơ lớn nhất không đến từ đối thủ trực tiếp, mà từ những sản phẩm đáp ứng cùng nhu cầu bằng cách khác.
Chính sự đổi mới trong tư duy này đã khiến mô hình 5 áp lực cạnh tranh trở thành một bước ngoặt trong tư duy chiến lược. Qua đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường một cách thực tế và toàn diện hơn.
3. Phân tích chi tiết 5 yếu tố trong mô hình của Porter
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh Porter bao gồm 5 yếu tố là đối thủ hiện tại và tiềm năng, khách hàng, nhà cung cấp và sản phẩm thay thế. Mỗi khía cạnh sẽ tương ứng với những yếu tố cạnh tranh riêng trong môi trường kinh doanh. Cụ thể như sau:
3.1. Yếu tố 1: Áp lực đến từ đối thủ hiện tại
Cạnh tranh giữa các đối thủ hiện hữu trong ngành là yếu tố trung tâm của mô hình 5 áp lực cạnh tranh Michael Porter. Mức độ cạnh tranh cao sẽ làm giảm lợi nhuận ngành, khiến các công ty phải đầu tư nhiều hơn để giữ thị phần hoặc chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Các hình thức cạnh tranh có thể là giảm giá, tăng chi phí tiếp thị, cải tiến sản phẩm / dịch vụ,… để lôi kéo khách hàng.
Các áp lực đến từ đối thủ trong ngành là:
- Số lượng đối thủ cạnh tranh: Đối thủ tương đương càng nhiều thì mức độ cạnh tranh càng khốc liệt. Các doanh nghiệp phải liên tục tung khuyến mãi, tăng chi phí marketing để giữ chân khách hàng.
- Tốc độ tăng trưởng ngành: Khi ngành tăng trưởng chậm hoặc bão hòa, các công ty không thể dựa vào tăng trưởng tự nhiên. Họ cần giành khách hàng từ đối thủ, dẫn đến cạnh tranh gia tăng.
- Chi phí cố định và chi phí thay đổi: Ngành có chi phí cố định lớn sẽ buộc các doanh nghiệp phải duy trì sản lượng cao để đạt điểm hòa vốn. Từ đó dẫn đến cạnh tranh mạnh mẽ nhằm tận dụng tối đa khả năng sản xuất.
- Khả năng phân biệt sản phẩm: Nếu sản phẩm trong ngành khó phân biệt hoặc dễ thay thế, người dùng sẽ không ngần ngại chuyển đổi nhà cung cấp. Điều này khiến doanh nghiệp phải đưa ra các chiến lược cạnh tranh giá hoặc chất lượng cho sản phẩm / dịch vụ.
- Rào cản thoát khỏi ngành: Khi chi phí rút lui khỏi ngành cao (do hợp đồng dài hạn, tài sản chuyên dụng, lao động cam kết dài hạn…), doanh nghiệp buộc phải tiếp tục hoạt động dù lợi nhuận thấp. Qua đó làm tăng áp lực cạnh tranh với các công ty đang hoạt động.
3.2. Yếu tố 2: Áp lực đến từ đối thủ mới gia nhập ngành
Mối đe dọa từ các đối thủ mới tham gia thị trường cũng ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của ngành. Sự gia nhập của doanh nghiệp mới thường dẫn đến áp lực giảm giá, tăng chi phí tiếp thị hoặc chia sẻ kênh phân phối. Mức độ này dựa theo các rào cản gia nhập và phản ứng của các công ty hiện hữu.
Các yếu tố ảnh hưởng từ áp lực từ đối thủ mới gia nhập gồm:
- Tính kinh tế theo quy mô: Các doanh nghiệp lớn đạt được chi phí đơn vị thấp nhờ quy mô sản xuất lớn. Điều này khiến các doanh nghiệp mới khó cạnh tranh nếu không đầu tư ngay từ đầu ở quy mô lớn.
- Phân biệt sản phẩm: Thương hiệu mạnh, lòng trung thành của khách hàng hoặc sản phẩm độc quyền sẽ là những yếu tố làm giảm khả năng cạnh tranh của đối thủ mới. Ví dụ, ngành nước giải khát tại Việt Nam có sự chi phối mạnh của Coca-Cola và Pepsi, khiến doanh nghiệp mới khó tiếp cận người tiêu dùng.
- Yêu cầu về vốn: Một số ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn cho hạ tầng, máy móc hoặc công nghệ (ví dụ viễn thông, hàng không, sản xuất dược phẩm). Điều này khiến các doanh nghiệp khó gia nhập.
- Tiếp cận kênh phân phối: Nếu các kênh phân phối bị kiểm soát bởi các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mới sẽ gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.
- Quy định: Giấy phép, tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về an toàn thực phẩm hay kiểm định chất lượng… đều là những yếu tố pháp lý làm chậm quá trình gia nhập ngành.
- Chi phí chuyển đổi: Nếu người dùng phải mất nhiều chi phí, công sức hoặc thời gian để chuyển sang dùng sản phẩm của doanh nghiệp mới sẽ khiến rào cản gia nhập sẽ cao hơn.
3.3. Yếu tố 3: Sức mạnh từ nhà cung cấp
Quyền lực của nhà cung cấp là 1 trong 5 yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Khi nhà cung cấp có vị thế mạnh, họ có thể ép giá cao hơn, giảm chất lượng hàng hóa / dịch vụ hoặc hạn chế nguồn cung. Lúc này, doanh nghiệp sẽ khó để kiểm soát chi phí và lợi nhuận, nhất là khi họ phụ thuộc vào một nhà cung cấp hoặc sản phẩm độc quyền.
Sức mạnh của nhà cung cấp gồm:
- Số lượng nhà cung cấp: Khi có ít nhà cung cấp, doanh nghiệp sẽ có rất ít lựa chọn thay thế. Lúc này họ sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn và dễ bị ép giá hơn.
- Tính độc đáo: Nhà cung cấp có thể nắm giữ công nghệ riêng, bằng sáng chế hoặc tài sản vô hình khiến sản phẩm của họ khó bị thay thế. Điều này tạo lợi thế độc quyền và doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn chọn nhà cung cấp khác.
- Chi phí chuyển đổi: Khi doanh nghiệp đầu tư sâu vào một chuỗi cung ứng cụ thể, việc chuyển sang nhà cung cấp khác sẽ gặp nhiều khó khăn. Lý do là bởi nó sẽ gây tốn kém thời gian, chi phí và rủi ro, làm tăng quyền lực của nhà cung cấp hiện tại.
- Khả năng tích hợp xuôi (forward integration): Nếu nhà cung cấp có đủ năng lực trực tiếp sản xuất / phân phối sản phẩm đến tay khách hàng cuối cùng, họ sẽ có lợi thế lớn trong đàm phán. Lý do là bởi họ đã có nguồn cung cấp cần thiết và có thể cạnh tranh trực tiếp với những khách hàng trước đây.
- Tầm quan trọng của ngành: Nếu nhà cung cấp không phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp và có thể bán sản phẩm cho nhiều ngành khác nhau, quyền lực của họ càng cao. Tuy nhiên, nếu họ là khách hàng lớn và chiếm tỷ trọng doanh thu lớn thì quyền lực của nhà cung cấp sẽ bị hạn chế.
3.4. Yếu tố 4: Sức mạnh của khách hàng
Khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lớn thường có thể gây áp lực lên doanh nghiệp bằng cách yêu cầu giảm giá, tăng chất lượng hoặc cải thiện dịch vụ. Khi quyền lực của khách hàng tăng đồng nghĩa với biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm nếu không có khả năng duy trì sự khác biệt hoặc lòng trung thành.
Sức mạnh của khách hàng gồm các yếu tố:
- Số lượng khách hàng: Nếu doanh nghiệp phụ thuộc vào một số lượng nhỏ khách hàng, những khách hàng này có thể yêu cầu mức giá thấp và các điều kiện có lợi cho họ.
- Số lượng đơn hàng: Những khách hàng mua hàng với số lượng lớn (ví dụ: Walmart) thường có ưu thế đàm phán hơn. Bởi họ đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nên có thể yêu cầu mức giá thấp hơn, thời gian thanh toán linh hoạt hoặc điều kiện dịch vụ tốt hơn.
- Chi phí chuyển đổi: Trong các ngành mà khách hàng có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các nhà cung cấp và tốn ít chi phí (ví dụ: thương mại điện tử, viễn thông) thì họ sẽ có quyền lực lớn hơn. Ví dụ như yêu cầu các điều kiện tốt hơn từ các nhà cung cấp, vì thế doanh nghiệp phải không ngừng cạnh tranh để thu hút khách hàng.
- Nhạy cảm với giá cả: Khi khách hàng nhạy cảm về giá (ví dụ ngành thời trang nhanh, hàng tiêu dùng…), doanh nghiệp buộc phải giảm giá hoặc khuyến mãi nhiều để giữ chân họ.
- Khách hàng thông thái: Với sự phát triển của công nghệ, người dùng ngày càng dễ tiếp cận thông tin sản phẩm, so sánh giá, đánh giá dịch vụ. Điều này khiến họ có lợi thế hơn trong đàm phán và có thể tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp.
3.5. Yếu tố 5: Mối đe dọa từ sản phẩm thay thế
Sản phẩm thay thế là những sản phẩm có thể đáp ứng cùng một nhu cầu như sản phẩm của ngành đang phân tích nhưng đến từ ngành khác. Khi sản phẩm này có sẵn và hấp dẫn, khách hàng sẽ sẵn sàng sử dụng chúng. Điều này làm giảm nhu cầu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành hiện tại vì khách hàng có thêm lựa chọn thay thế khi giá cả hoặc chất lượng không phù hợp.
Các yếu tố ảnh hưởng đến mối đe dọa từ sản phẩm/dịch vụ thay thế là:
- Hiệu suất và giá cả tương đối: Nếu sản phẩm thay thế có giá rẻ hơn mà hiệu quả hoặc chất lượng tương đương (hoặc tốt hơn), người tiêu dùng sẽ dễ dàng chuyển sang. Ví dụ, dịch vụ phát trực tuyến như Netflix đã thay thế truyền hình cáp nhờ mức giá thấp hơn, gây áp lực cho ngành truyền hình cáp.
- Khả năng sẵn sàng chuyển sang sản phẩm thay thế của khách hàng: Khi khách hàng không gặp khó khăn về chi phí hay thao tác để sử dụng sản phẩm thay thế thì khả năng dịch chuyển là rất lớn. Ví dụ, khách hàng dễ dàng chuyển từ taxi sang các ứng dụng gọi xe như Uber hoặc Grab vì giá rẻ và tiện lợi hơn.
- Cảm nhận sự tương đồng giữa các sản phẩm: Dù có sự khác biệt về bản chất, nếu người tiêu dùng cảm nhận sản phẩm thay thế là tương đương, họ vẫn có thể lựa chọn chúng.
- Sự sẵn có của các sản phẩm thay thế gần tương tự: Khi sản phẩm thay thế dễ tìm và phân phối rộng rãi, mối đe dọa càng cao, áp lực với doanh nghiệp cũng lớn hơn. Ví dụ, thuốc generic có thể thay thế gần giống với thuốc chính hãng, làm tăng mối đe dọa đối với các thương hiệu nổi tiếng.
4. Ưu – nhược điểm của mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Porter ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, mô hình này cũng tồn tại những ưu và nhược nhất định. Cụ thể:
4.1. Ưu điểm
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh nổi bật với những ưu điểm sau:
- Nắm bắt tổng quan thị trường: Cung cấp cái nhìn toàn diện về cấu trúc ngành, bao gồm đối thủ hiện tại, nhà cung cấp, khách hàng, sản phẩm thay thế và đối thủ tiềm năng. Qua đó, doanh nghiệp hiểu rõ những ảnh hưởng đến lợi nhuận và vị thế cạnh tranh.
- Nhận diện cơ hội và thách thức: Mô hình giúp doanh nghiệp phát hiện điểm mạnh để tận dụng (ví dụ: rào cản gia nhập cao). Đồng thời nhìn ra được điểm yếu cần khắc phục (ví dụ: áp lực từ sản phẩm thay thế) để giúp doanh nghiệp phát triển và trụ vững.
- Đánh giá sức hấp dẫn của thị trường: Thông qua mô hình này, doanh nghiệp có thể đánh giá được thị trường có đáng đầu tư không dựa trên mức độ cạnh tranh. Nếu ngành dễ gia nhập và lợi nhuận cao thường thu hút nhiều công ty. Trong khi những ngành cạnh tranh khốc liệt với nhiều sản phẩm thay thế sẽ kém hấp dẫn hơn.
- Xây dựng chiến lược cạnh tranh: Có thể sử dụng kết quả phân tích từ mô hình để đưa ra chiến lược phù hợp. Từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nâng cao lợi nhuận mà vẫn được khách hàng tin tưởng, ủng hộ.
- Áp dụng linh hoạt nhiều ngành nghề: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh không bị giới hạn trong một ngành cụ thể, mà có thể ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ, thương mại, công nghệ….
4.2. Nhược điểm
Tuy có những ưu điểm nổi bật như trên, nhưng mô hình này vẫn tồn tại những hạn chế nhất định:
- Bỏ qua các yếu tố bên ngoài: Mô hình này hướng đến phân tích các yếu tố cạnh tranh trong nội bộ ngành nhưng lại ít quan tâm đến các yếu tố vĩ mô PESTEL. Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, những yếu tố này có thể tác động mạnh đến chiến lược doanh nghiệp.
- Không chú trọng đến sự đổi mới: Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và các mô hình kinh doanh đột phá có thể làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc ngành. Tuy nhiên, mô hình 5 áp lực cạnh tranh lại không đánh giá đầy đủ vai trò của đổi mới sáng tạo, khiến phân tích dễ trở nên lỗi thời nếu không cập nhật.
- Thiếu sự tương tác giữa các yếu tố: Mỗi áp lực được phân tích một cách độc lập, trong khi thực tế chúng có mối liên hệ chặt chẽ. Ví dụ, sự xuất hiện của đối thủ mới có thể ảnh hưởng đến quyền lực của khách hàng hoặc sản phẩm thay thế có thể làm giảm rào cản gia nhập ngành.
- Khó khăn trong việc định lượng: Việc đo lường mức độ ảnh hưởng của từng áp lực thường mang tính chủ quan, phụ thuộc vào kinh nghiệm người phân tích. Không có thước đo cụ thể để lượng hóa các yếu tố như “mức độ đe dọa từ sản phẩm thay thế” hay “sức mạnh thương lượng của nhà cung cấp”.
- Không tập trung vào khách hàng: Dù mô hình có đề cập đến sức mạnh của khách hàng, nhưng lại không đi sâu vào hành vi, nhu cầu hay sự thay đổi trong kỳ vọng của khách hàng. Trong khi đó đây là yếu tố đang ngày càng giữ vai trò chủ chốt trong môi trường kinh doanh hiện đại.
5. Các mô hình hỗ trợ phân tích 5 áp lực cạnh tranh
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter được dùng để đánh giá sự cạnh tranh trong ngành. Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn diện và ra quyết định chính xác hơn, doanh nghiệp cần kết hợp mô hình này với các công cụ phân tích bổ trợ khác. Dưới đây là 4 mô hình hỗ trợ thường được kết hợp:
5.1. Ma trận SWOT (Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats)
Ứng dụng: Ma trận SWOT là công cụ phân tích nổi tiếng trong quản trị chiến lược. SWOT sẽ giúp đánh giá nội lực (Strengths – điểm mạnh, Weaknesses – điểm yếu) và nhận diện ngoại lực (Opportunities – cơ hội, Threats – thách thức) từ môi trường bên ngoài.
Khi kết hợp với mô hình 5 áp lực cạnh tranh, SWOT sẽ hỗ trợ:
- Liên kết điểm mạnh/điểm yếu nội bộ với khả năng ứng phó trước các áp lực.
- Xác định cơ hội khi tận dụng sự thay đổi thị trường hay khoảng trống cạnh tranh.
- Dự báo các mối đe dọa, ví dụ như rào cản gia nhập ngành thấp hoặc xu hướng khách hàng chuyển sang đối thủ.
Lợi ích:
- Giúp doanh nghiệp tự đánh giá vị thế trong ngành.
- Dễ dàng thích nghi trước những biến động từ mô hình 5 áp lực cạnh tranh.
- Ra quyết định linh hoạt, tối ưu hóa điểm mạnh để khai thác cơ hội và cải thiện điểm yếu nhằm giảm thiểu rủi ro.
5.2. Mô hình PESTEL (Political, Economic, Social, Technological, Environmental, Legal)
Ứng dụng: Mô hình PESTEL giúp mở rộng góc nhìn của doanh nghiệp ra khỏi nội bộ ngành. Thay vào đó sẽ tập trung phân tích các yếu tố vĩ mô có thể ảnh hưởng đến toàn ngành hoặc từng áp lực cạnh tranh riêng biệt. Cụ thể:
- Yếu tố chính trị (P): Các quy định, thuế suất, chính sách thương mại có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của nhà cung cấp hoặc mức độ hấp dẫn của ngành với đối thủ mới.
- Yếu tố kinh tế (E): Lạm phát, tỷ giá, mức thu nhập ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Yếu tố xã hội (S): Xu hướng tiêu dùng, hành vi khách hàng sẽ làm tăng / giảm sức ép từ sản phẩm thay thế.
- Yếu tố công nghệ (T): Sự đổi mới công nghệ có thể làm thay đổi cục diện cạnh tranh và tạo ra rào cản gia nhập mới.
- Yếu tố môi trường (E): Quy định về môi trường ảnh hưởng đến phí sản xuất hoặc năng lực cung ứng.
- Yếu tố pháp lý (L): Luật cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, quy định lao động tác động đến cấu trúc ngành và hành vi cạnh tranh.
Lợi ích:
- Giúp doanh nghiệp hiểu rõ môi trường vĩ mô, từ đó điều chỉnh chiến lược phù hợp với các thay đổi bên ngoài.
- Dự đoán xu hướng ảnh hưởng đến từng áp lực cạnh tranh, ví dụ sự thay đổi trong luật nhập khẩu có thể làm tăng sức ép từ đối thủ mới.
- Hỗ trợ đánh giá rủi ro dài hạn mà doanh nghiệp có thể chưa nhận thấy khi chỉ phân tích trong phạm vi mô hình 5 áp lực.
5.3. Mô hình 5C (Company, Customers, Competitors, Collaborators, Context)
Ứng dụng: Mô hình 5C là công cụ phân tích toàn diện trong marketing, giúp doanh nghiệp hiểu rõ môi trường hoạt động hiện tại bằng cách đánh giá 5 yếu tố trọng yếu:
- Company (Doanh nghiệp): Phân tích nội lực như năng lực cốt lõi, tài chính, thương hiệu, chiến lược sản phẩm.
- Customers (Khách hàng): Đánh giá nhu cầu, hành vi, phân khúc và mức độ trung thành. Qua đó liên kết trực tiếp với áp lực từ khách hàng trong mô hình 5 áp lực của Porter.
- Competitors (Đối thủ cạnh tranh): Phân tích quy mô, chiến lược, điểm mạnh/yếu và xu hướng phát triển của đối thủ. Điều này tương ứng với mức độ cạnh tranh trong ngành – yếu tố trung tâm trong mô hình Five Forces.
- Collaborators (Đối tác cộng tác): Bao gồm nhà cung cấp, kênh phân phối, đại lý hoặc các bên liên quan khác, tương thích với sức mạnh nhà cung cấp.
- Context (Bối cảnh): Phân tích môi trường vĩ mô tương tự như mô hình PESTEL (chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường, pháp lý), có thể gián tiếp tác động đến mọi yếu tố trong mô hình 5 áp lực.
Lợi ích:
- Hỗ trợ đánh giá toàn diện môi trường kinh doanh từ bên trong (doanh nghiệp) và bên ngoài (thị trường, đối thủ, đối tác).
- Tạo nền tảng vững chắc để xác định chiến lược cạnh tranh phù hợp dựa trên hiểu biết sâu sắc về khách hàng và đối thủ.
- Hỗ trợ ra quyết định linh hoạt nhờ kết nối chặt chẽ giữa các yếu tố trong mô hình 5C với 5 áp lực cạnh tranh. Điều này giúp dự đoán xu hướng và phản ứng trước những biến động.
5.4. Ma trận BCG (Boston Consulting Group Matrix)
Ứng dụng: Ma trận BCG là công cụ hỗ trợ quản trị danh mục đầu tư và sản phẩm. Qua đó có thể phân chia sản phẩm / đơn vị kinh doanh thành 4 nhóm như sau:
- Ngôi sao (Stars): Sản phẩm chiếm thị phần lớn cần đầu tư mạnh để giữ vị thế và có thể trở thành “bò sữa” trong tương lai.
- Dấu hỏi (Question Marks): Thị phần thấp trong thị trường tăng trưởng cao, cần phân tích kỹ để quyết định tiếp tục đầu tư hay rút lui.
- Bò sữa (Cash Cows): Thị phần cao trong thị trường tăng trưởng thấp, tạo dòng tiền ổn định để tài trợ cho các sản phẩm khác.
- Chó (Dogs): Thị phần và tốc độ tăng trưởng thấp, cân nhắc loại bỏ hoặc duy trì ở mức tối thiểu.
Có thể thấy, BCG chủ yếu giúp bạn hiểu hơn về danh mục sản phẩm. Tuy nhiên nó cũng hỗ trợ đánh giá sự cạnh tranh giữa các sản phẩm và mối quan hệ với các yếu tố trong mô hình 5 áp lực.
Lợi ích:
- Tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm sinh lợi cao và có tiềm năng phát triển.
- Hỗ trợ chiến lược phân bổ nguồn lực hiệu quả, đảm bảo doanh nghiệp đầu tư đúng chỗ trong môi trường cạnh tranh gay gắt.
- Tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách sàng lọc sản phẩm phù hợp với bối cảnh thị trường và xu hướng của ngành.
6. Case study về mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Dưới đây là 5 case study về mô hình 5 áp lực cạnh tranh của một số doanh nghiệp nổi bật tại Việt Nam, bạn có thể tham khảo:
6.1. Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Shopee
Cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại:
Shopee đang hoạt động trong một thị trường thương mại điện tử đầy cạnh tranh tại Việt Nam với các đối thủ chính như Lazada, Tiki và TikTok Shop. Ví dụ, Lazada được hậu thuẫn bởi Alibaba, tập trung cung cấp các voucher giá trị. Trong khi Tiki nổi bật với chính sách giao hàng nhanh và tập trung vào chất lượng dịch vụ. Còn TikTok Shop tận dụng nền tảng mạng xã hội để thúc đẩy mua sắm qua video ngắn và livestream.
Để duy trì vị thế dẫn đầu, Shopee đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi lớn, hỗ trợ chi phí vận chuyển. Cùng với đó là tạo dựng thương hiệu thông qua các chiến dịch quảng cáo đặc biệt.
Mối đe dọa từ sản phẩm thay thế:
Khách hàng có thể lựa chọn mua hàng từ các nguồn khác như: Cửa hàng bán lẻ truyền thống, mạng xã hội hay các website thương hiệu. Tuy nhiên với xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, đặc biệt là sau đại dịch thì áp lực từ các sản phẩm thay thế đối với Shopee hiện không quá lớn
Sức mạnh của nhà cung cấp:
Shopee hoạt động theo mô hình thị trường mở, cho phép nhiều nhà cung cấp tham gia. Mô hình này giúp Shopee mang đến nhiều lựa chọn và hạn chế phụ thuộc vào số ít nhà cung cấp lớn. Tuy nhiên, các thương hiệu lớn như Samsung, Apple có thể yêu cầu các điều khoản đặc biệt do sức mạnh thương hiệu của họ.
Sức mạnh của khách hàng:
Khách hàng có nhiều lựa chọn giữa các nền tảng thương mại điện tử, điều này làm tăng quyền lực của họ. Để giữ chân khách hàng, Shopee đã triển khai chương trình Shopee Coins, ưu đãi vận chuyển hay Flash Sale và Voucher.
Mối đe dọa từ đối thủ mới gia nhập:
Thị trường thương mại điện tử yêu cầu đầu tư lớn vào công nghệ, logistics và marketing. Shopee đã xây dựng được hệ thống logistics hiệu quả và cơ sở dữ liệu khách hàng lớn, tạo rào cản gia nhập cho các đối thủ mới. Tuy nhiên, các công ty quốc tế như Amazon có thể là mối đe dọa trong tương lai nếu họ quyết định mở rộng vào thị trường Việt Nam.
6.2. Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Vinamilk
Cạnh tranh các đối thủ hiện tại
Vinamilk hiện đang đối mặt với các đối thủ mạnh cả trong và ngoài nước phải kể đến như TH True Milk, Dutch Lady, Mộc Châu Milk, Nestle, Abbott và Mead Johnson. Họ đều có chiến lược marketing ấn tượng, tài chính mạnh và phát triển sản phẩm. Mức độ cạnh tranh cao và chi phí chuyển đổi thấp khiến khách hàng dễ dàng thay đổi thương hiệu, tạo áp lực lớn cho Vinamilk.
Mối đe dọa từ sản phẩm thay thế
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và tìm kiếm các sản phẩm thay thế sữa thông thường như sữa hạt, sữa đậu nành, sữa chua, ngũ cốc,…. Nó phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và thu hút một bộ phận khách hàng nhất định. Tuy nhiên, chúng lại có thời gian bảo quản ngắn và không tiện lợi bằng sữa truyền thống nên tác động đến thị phần của Vinamilk vẫn còn hạn chế.
Sức mạnh của nhà cung cấp
Vinamilk đã đầu tư vào hệ thống trang trại bò sữa hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 và nhập khẩu bò từ Mỹ, Úc, New Zealand. Điều này giúp tự chủ nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Qua đó làm giảm sức mạnh thương lượng của nhà cung cấp đối với Vinamilk.
Sức mạnh của khách hàng
Khách hàng có thể lựa chọn những thương hiệu sữa khác nếu chi phí chuyển đổi thấp. Người tiêu dùng ngày càng thông thái, dễ dàng so sánh thông tin sản phẩm qua internet. Ngoài ra, các đại lý phân phối lớn có khả năng thương lượng giá với Vinamilk, ảnh hưởng đến chiến lược giá và doanh thu của công ty.
Mối đe dọa từ đối thủ mới:
Thị trường sữa Việt Nam hấp dẫn nhưng cũng cần đầu tư lớn vào công nghệ, hệ thống phân phối và xây dựng thương hiệu. Vinamilk đã tự tạo được mạng lưới phân phối riêng với sức mạnh thương hiệu lớn, làm gia tăng rào cản gia nhập cao cho các đối thủ mới. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia với nguồn lực mạnh vẫn có thể gia nhập thị trường và tạo áp lực cạnh tranh trong tương lai.
6.3. Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Phúc Long
Cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại
Tại Việt Nam, Phúc Long là một trong những thương hiệu đồ uống nổi tiếng. Tuy nhiên, thương hiệu này cũng chạm phải nhiều đối thủ mạnh phải kể đến là Highlands Coffee, The Coffee House, Starbucks và một số brand mới nổi như Katinat, Phê La.
Trong bối cảnh đó, Phúc Long đã xây dựng được thương hiệu mạnh với chất lượng sản phẩm ổn định và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt trong ngành đòi hỏi Phúc Long phải liên tục đổi mới và nâng cao trải nghiệm khách hàng để duy trì vị thế.
Mối đe dọa từ sản phẩm thay thế
Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn thay thế cho các sản phẩm của Phúc Long như: Đồ uống đóng chai, đồ uống tại nhà, đồ uống từ các thương hiệu khác. Chi phí chuyển đổi giữa các sản phẩm thay thế là khá thấp, khiến người tiêu dùng dễ dàng thay đổi lựa chọn. Qua đó gây áp lực lớn cho Phúc Long trong việc thu hút của khách hàng.
Sức mạnh của nhà cung cấp
Phúc Long sử dụng nguyên liệu như trà và cà phê được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau. Sức mạnh của nhà cung cấp đối với Phúc Long ở mức trung bình, vì:
- Nguồn cung đa dạng: Phúc Long có thể lựa chọn từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, giảm sự phụ thuộc vào một nguồn duy nhất.
- Chất lượng nguyên liệu: Việc duy trì chất lượng sản phẩm đòi hỏi Phúc Long phải hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp uy tín.
- Chi phí nguyên liệu: Sự thay đổi giá nguyên liệu trên thị trường có thể tác động đến chi phí sản xuất của Phúc Long.
Để giảm thiểu rủi ro, Phúc Long cần xây dựng mối quan hệ lâu dài và ổn định với các nhà cung cấp, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu.
Sức mạnh của khách hàng
Khách hàng có thể chọn nhiều thương hiệu đồ uống và chi phí chuyển đổi thấp. Điều này tăng cường sức mạnh thương lượng của họ khi khách hàng dễ dàng so sánh giá cả và chất lượng giữa các thương hiệu. Vì thế, Phúc Long cần tăng chất lượng sản phẩm, cải thiện dịch vụ khách hàng để họ luôn ghi nhớ và lựa chọn mình.
Mối đe dọa từ đối thủ mới gia nhập
Ngành đồ uống tại Việt Nam có rào cản gia nhập tương đối thấp do chi phí đầu tư ban đầu không cao, thị trường hấp dẫn và khách hàng ưa thích trải nghiệm mới. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối rộng khắp như Phúc Long đòi hỏi thời gian và nguồn lực đáng kể. Do đó, mặc dù có nhiều đối thủ mới gia nhập nhưng để đạt được quy mô và uy tín như Phúc Long là một thách thức lớn………..
6.4. Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Viettel
Cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại
Thị trường viễn thông tại Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, Mobifone và Vietnamobile. Dù Viettel đang giữ vị trí dẫn đầu với thị phần lớn nhưng các đối thủ không ngừng cải tiến dịch vụ và triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Điều này buộc Viettel phải liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ để duy trì vị thế cạnh tranh.
Mối đe dọa từ sản phẩm thay thế
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và internet đã tạo điều kiện cho các dịch vụ thay thế OTT (Over-The-Top) như Zalo, Facebook Messenger, Viber, WhatsApp phổ biến. Chúng cho phép người dùng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua internet, làm giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ thoại và SMS truyền thống. Viettel cần đa dạng hóa dịch vụ và tích hợp các giải pháp công nghệ mới để giảm thiểu tác động từ các sản phẩm thay thế này .
Sức mạnh của nhà cung cấp
Viettel phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị viễn thông và công nghệ như Huawei, Ericsson và Nokia. Tuy nhiên, với quy mô lớn và khả năng tài chính mạnh mẽ, Viettel có lợi thế trong việc đàm phán giá cả và điều kiện hợp tác với các nhà cung cấp. Ngoài ra, Viettel cũng đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ nội bộ giúp giảm sự phụ thuộc từ bên ngoài.
Sức mạnh của khách hàng
Khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn giữa các nhà mạng và dịch vụ viễn thông khác nhau. Họ có thể chuyển nhà cung cấp dịch vụ nếu chất lượng hoặc giá cả không còn phù hợp. Điều này tạo ra áp lực lớn cho Viettel trong việc duy trì chất lượng dịch vụ cao, giá cả để giữ chân người dùng.
Mối đe dọa từ đối thủ mới gia nhập
Ngành viễn thông yêu cầu vốn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và tuân thủ các quy định pháp lý nghiêm ngặt. Do đó, việc gia nhập ngành này khá khó, giúp hạn chế sự xuất hiện các doanh nghiệp mới. Dù vậy, với sự phát triển của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới, vẫn có khả năng xuất hiện các đối thủ tiềm năng trong tương lai. Viettel cần tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ vững vị trí của mình.
6.5. Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Coca Cola
Cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại:
Coca-Cola đang có những đối thủ mạnh hàng đầu là PepsiCo. Hai thương hiệu này đã cạnh tranh gay gắt từ thế kỷ 19 với quy mô và chiến lược phát triển sản phẩm tương đương nhau.
Ngoài Pepsi, Coca-Cola còn đối mặt với các đối thủ khác như Keurig Dr Pepper, Schweppes và RC Cola. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và lượng khách hàng trung thành lớn, Coca-Cola vẫn duy trì vị thế dẫn đầu thị trường.
Mối đe dọa từ sản phẩm thay thế:
Người dùng có xu hướng chọn các sản phẩm lành mạnh hơn như nước trái cây, nước khoáng, cà phê. Điều này gây ra áp lực lớn cho thương hiệu nước có gas như Coca-Cola. Để đáp ứng nhu cầu này, Coca-Cola đã đa dạng hóa danh mục sản phẩm với các loại nước không đường, ít calo như Coca-Cola Zero Sugar và vitaminwater.
Sức mạnh của nhà cung cấp:
Coca-Cola có mạng lưới nhà cung cấp rộng khắp toàn cầu với khoảng 150 nhà cung cấp chính. Do số lượng nhà cung cấp lớn và chi phí chuyển đổi thấp nên quyền lực của nhà cung cấp đối với doanh nghiệp không lớn. Hơn nữa, các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng cũng giúp ổn định chi phí nguyên vật liệu
Sức mạnh của khách hàng:
Khách hàng của Coca-Cola gồm cả người tiêu dùng cá nhân và nhà bán lẻ. Trong đó, các nhà bán lẻ lớn có khả năng ảnh hưởng đến giá cả và điều kiện giao dịch do khối lượng mua lớn. Tuy nhiên, sự trung thành thương hiệu và chất lượng sản phẩm giúp Coca-Cola thu hút khách hàng.
Mối đe dọa từ đối thủ mới gia nhập:
Ngành công nghiệp nước giải khát có rào cản gia nhập cao như yêu cầu vốn đầu tư lớn, mạng lưới phân phối rộng và nhận diện thương hiệu mạnh. Mặc dù có sự xuất hiện của các thương hiệu địa phương và sản phẩm mới, nhưng việc xây dựng lòng tin và thói quen tiêu dùng trong ngành này đòi hỏi thời gian và nguồn lực đáng kể.
6.6. Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của FPT
Cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại:
FPT hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông tại Việt Nam với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ như Viettel, CMC, VNPT,…. Tuy nhiên, FPT đã xây dựng được vị thế vững chắc nhờ vào năng lực công nghệ, mạng lưới đối tác toàn cầu và danh mục dịch vụ đa dạng. Qua đó tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Mối đe dọa từ sản phẩm thay thế:
Trong lĩnh vực CNTT, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và xu hướng chuyển đổi số tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ thay thế. FPT đã chủ động đầu tư nghiên cứu và phát triển, mở rộng danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro từ các sản phẩm thay thế và duy trì sự cạnh tranh trên thị trường.
Sức mạnh của nhà cung cấp:
FPT hợp tác với nhiều nhà cung cấp công nghệ như Microsoft, SAP, Apple, Cisco, IBM, Oracle, Dell và Amazon Web Services. Mối quan hệ đối tác chiến lược này giúp FPT đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng cao cho các dịch vụ của mình. Ngoài ra, việc đa dạng hóa nhà cung cấp cũng giúp FPT giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng thương lượng trong các giao dịch.
Sức mạnh của khách hàng:
Khách hàng của FPT gồm cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân có nhu cầu ngày càng đa dạng về dịch vụ CNTT và viễn thông. Vì thế, FPT đã xây dựng mối quan hệ lâu dài và bền vững với khách hàng thông qua chất lượng dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật và giá cả cạnh tranh. Điều này giúp giảm khả năng thương lượng của khách hàng và tăng sự trung thành đối với thương hiệu FPT.
Mối đe dọa từ đối thủ mới gia nhập:
Ngành CNTT và viễn thông yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến và đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tạo ra rào cản gia nhập cao cho các đối thủ mới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và xu hướng khởi nghiệp có thể tạo ra những đối thủ tiềm năng trong tương lai. FPT cần tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh để duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường.
Như vậy, việc biết cách áp dụng đúng mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael E. Porter sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và hạn chế các điểm yếu tối ưu. Nếu bạn đang tìm kiếm một đối tác chiến lược để phân tích thị trường, xác định lợi thế cạnh tranh và xây dựng chiến lược Digital Marketing hiệu quả, SEONGON – Google Marketing Agency hàng đầu tại Việt Nam đã sẵn sàng đồng hành cùng bạn.